Số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm xã hội một lần trong nửa đầu năm 2023 đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái phần nào phản ánh những khó khăn trong đời sống của người lao động, khiến việc xem xét tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2024 được cho là rất cấp thiết.
LAO ĐỘNG NHẬN TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP, BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN TĂNG
Nửa đầu năm 2023 đã trôi qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá thị trường lao động vẫn ẩn chứa nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mà sức cầu của các thị trường đối với các mặt hàng chính của Việt Nam suy giảm, khiến các doanh nghiệp thiếu vốn, cắt giảm đơn hàng, làm gia tăng số lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm.
Trong 6 tháng đầu năm 2023 tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn, phải cắt giảm việc làm khiến cho số lao động bị mất việc làm, giãn việc tiếp tục tăng, quý 1/2023 là 443 nghìn lao động (trong đó 149 nghìn lao động mất việc, tăng 31 nghìn người so với quý trước), quý 2/2023 là 459,3 nghìn lao động (riêng số lao động mất việc là 217,8 nghìn người, tăng 68,8 nghìn người so với quý trước).
Lao động mất việc tăng phần nào khiến số người nhận trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm xã hội một lần cũng có xu hướng tăng lên. Theo báo cáo từ các Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2023, số người đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là hơn 562.600 người, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2022; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là trên 518.500 người, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng giải quyết cho hơn 668.000 người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội một lần.
Những khó khăn về việc làm, đời sống của người lao động khiến việc tăng lương tối thiểu được cho là cần thiết xem xét trong bối cảnh hiện nay. Ở góc độ tổ chức đại diện người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, để nắm tâm tư của người lao động, thời gian qua, công đoàn đã tiến hành khảo sát về tiền lương, đời sống và nhu cầu, nguyện vọng của người lao động thì hiện đại đa số đều mong muốn được tăng lương tối thiểu.
“Qua những chuyến khảo sát, hầu hết ý kiến chúng tôi nhận được là người lao động đều mong muốn được tăng lương tối thiểu vì cuộc sống của họ rất khó khăn, hơn nữa đây cũng là quy định đưa vào luật”, ông Hiểu thông tin.
Ngoài ra, kết quả khảo sát hồi tháng 10 – 11/2022 của Viện Công nhân và Công đoàn cũng cho thấy, có trên 58% công nhân lao động không có tích luỹ; chỉ trên 11% có tích luỹ đủ chi tiêu dưới 1 tháng; 16% có tích luỹ đủ chi tiêu 1 – 3 tháng và chỉ hơn 12% có tích luỹ đủ chi tiêu trên 3 tháng. Thực tế này khiến mong muốn được Nhà nước kịp thời điều chỉnh tiền lương tối thiểu và đi làm phải đủ sống, có tích luỹ phòng khi bị giảm hoặc mất việc làm là mội trong những kỳ vọng lớn của người lao động khi khảo sát.
MỨC TĂNG CẦN HÀI HÒA GIỮA CÁC BÊN
Mặc dù phía công đoàn mong muốn tăng lương, song ông Hiểu nói rất thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn của nhiều doanh nghiệp đang gặp phải, ngược lại tin rằng bản thân các doanh nghiệp cũng sẽ chia sẻ về những khó khăn của người lao động đang đối mặt. Từ đó các bên sẽ tìm được tiếng nói chung để đề xuất một mức tăng lương phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
“Mức lương cụ thể sẽ phải thông qua việc thương lượng, cùng trao đổi giữa các bên trên tinh thần thiện chí, thấu hiểu. Chúng tôi sẽ đề xuất một mức tăng phù hợp”, ông Hiểu nhấn mạnh.
Về thời điểm áp dụng, theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, qua khảo sát thì người lao động vẫn mong muốn sẽ được tăng lương tối thiểu ngay từ ngày 1/1/2024. Tuy nhiên, công đoàn lấy làm tiếc bởi đến thời điểm này Tổng cục Thống kê vẫn chưa công bố được mức sống tối thiểu của người lao động. Do vậy, các thành viên kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ phải tiếp tục tính toán mức sống tối thiểu dựa trên phương pháp cũ.
“Mặc dù phương pháp cũ chưa thực sự ưu việt, nhưng các bên sẽ cố gắng tính toán để đảm bảo những quyền lợi cơ bản nhất cho người lao động”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nói thêm.
Trước đó, để đánh giá, xác định và công bố “mức sống tối thiểu” của người lao động và gia đình người lao động, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để thu thập đầy đủ hơn thông tin tính toán mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người lao động. Từ đó, làm cơ sở để Hội đồng Tiền lương Quốc gia xác định mức lương tối thiểu vùng hàng năm.
Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương cũng nêu rõ: “Cơ quan thống kê của nhà nước công bố mức sống tối thiểu hằng năm để làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu và khuyến nghị các định hướng chính sách tiền lương”.
Trước những lo ngại về việc tăng lương có thể kéo theo những chi phí khác tăng lên như chi phí đóng bảo hiểm xã hội, trong lúc doanh nghiệp khó khăn rất có thể sẽ phải tìm nhiều cách xoay sở, thậm chí “né” đóng các khoản này, ông Hiểu cho rằng, với những doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội, muốn đi đường dài thì chắc chắn sẽ tìm cách để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động.
“Trên thực tế cũng có những doanh nghiệp lợi dụng chính sách để lách luật thì chúng ta phải có giải pháp để xử lý. Còn ở góc độ của tổ chức công đoàn, chúng tôi cho rằng, doanh nghiệp nào không đảm bảo các điều kiện, đời sống, quyền lợi người lao động thì cần lên tiếng để đấu tranh”, ông Hiểu khẳng định.
Để có căn cứ điều chỉnh lương tối thiểu vùng, hằng năm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đều tiến hành điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu tại các địa phương để làm căn cứ xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng cho năm tới.
Theo Nghị định 38/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2022 đến nay, mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng theo 4 vùng gồm: Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng; vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng và vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng. Về mức lương tối thiểu giờ, Nghị định 38 cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Thực tế, hiện phần lớn các doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng, khi thực hiện mức lương tối thiểu mới chủ yếu chỉ làm tăng chi phí đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc.
Theo VnEconomy