NHCSXH là điểm tựa cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bình Định
Từ khi triển khai Chỉ thị 40/CT-TW, Tỉnh ủy Bình Định đã chỉ đạo đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội thành nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm (2021 - 2025). Đặc biệt với vai trò là đơn vị tham mưu chính sách cũng như triển khai chính sách trên thực tế, NHCSXH đã tham mưu cấp ủy và chính quyền địa phương nhiều chương trình tín dụng bằng nguồn vốn ủy thác địa phương, gắn với chương trình phát triển và kinh tế - xã hội của địa phương tạo ra nhiều những động năng mới cho phát triển kinh tế tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và hội nhập.
Như ở huyện Phù Cát, xác định việc nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, NHCSXH huyện đã tham mưu cho huyện ủy, HĐND, UBND huyện dành nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH cho vay giải quyết việc làm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Trần Quốc Quân, trước đó là Giám đốc NHCSXH huyện Phù Cát cho hay: Để triển khai các chương trình tín dụng có hiệu quả, hằng năm, đơn vị lên kế hoạch cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn thông qua việc khảo sát nhu cầu từ cơ sở, dự tính chi tiết số lượng đối tượng vay và mức vay cùng với đó là sự hướng nghiệp hỗ trợ kỹ thuật sản xuất từ các phòng chức năng, tổ chức chính trị - xã hội.
Sau khi được phê duyệt và chuyển vốn, NHCSXH không chỉ giải ngân đúng đủ mà còn giám sát hiệu quả dòng vốn tín dụng chính sách trong đời sống thông qua tổng kết hàng năm để tìm ra những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai để tháo gỡ kịp thời rút kinh nghiệm. Kết quả là từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, UBND huyện đã trích ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH huyện 17 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.
Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Đỗ Xuân Thắng đánh giá: Với sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn của NHCSXH thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi đã góp phần phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của huyện, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,32%; đồng thời, tạo cơ hội vươn lên cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn cũng như trong công tác bảo vệ môi trường để chung tay xây dựng thành công huyện Phù Cát đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020”.
Hay như thị xã Hoài Nhơn đang phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025 theo Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 15/9/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó chỉ tiêu về tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung và nước hợp vệ sinh phải đạt từ 90 - 100% dân số.
Đến ngày 25/9/2023, toàn thị xã có 26.977 hộ dân khu vực đô thị sử dụng nước sạch tập trung, đạt tỷ lệ 62,3%. Trước thực tế khảo sát của UBND các phường trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn, có khoảng 2.450 hộ dân không thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay nguồn vốn tín dụng để lắp đặt, đấu nối hệ thống nước sạch và mua sắm các vật tư khác đầu tư cho công trình nước sạch tập trung của hộ gia đình, NHCSXH thị xã đã phối hợp với Phòng quản lý đô thị thị xã tham mưu cho UBND thị xã đề xuất trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét ban hành quy định bổ sung đối tượng cho vay xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh tại khu vực đô thị trên địa bàn thị xã từ nguồn vốn ngân sách thị xã ủy thác sang NHCSXH. Đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn ngân sách thị xã bố trí cho người dân khu vực đô thị vay vốn xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường đạt 16 tỷ đồng với khoảng gần 800 hộ vay vốn.
Về phía tỉnh, chi nhánh đã tham mưu tư vấn HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách tín dụng đặc thù ủy thác cho vay qua NHCSXH như: Chính sách hỗ trợ cho người lao động tỉnh Bình Định đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; Chương trình giải quyết việc làm tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025; Chính sách hỗ trợ phát triển tái đàn heo, hỗ trợ phát triển tái đàn bò trên địa bàn tỉnh Bình Định, cho vay người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Ngoài ra, phân bổ nguồn vốn để thực hiện một số chương trình cấp thiết như chương trình cho vay nhà ở xã hội, cho vay người chấp hành xong án phạt tù,…
Cơ cấu nguồn vốn tín dụng chính sách vì vậy đã có sự chuyển biến theo hướng tăng, nguồn vốn NHCSXH tự huy động thị trường được ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất và nguồn lực tại địa phương, thể hiện rõ chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực” với phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”. Đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tạo chi nhánh đạt 6.889 tỷ đồng, tăng 4.617 tỷ đồng so với năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 11,8%. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 802,3 tỷ đồng, tăng 778,7 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác tăng 633,7 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác tăng 145 tỷ đồng), gấp 34,1 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, chiếm 11,6% tổng nguồn vốn, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 48,8%.
Những dòng vốn này đang góp phần thúc đẩy những ngành nghề mới và lợi thế kinh tế địa phương, hướng tới các mô hình sản xuất lớn và tập trung như cơ sở trồng và sản xuất sen Năm Xong, ở phường Hoài Thanh của anh Nguyễn Văn Xong. “Là một người con của quê hương, đi nhiều nơi, thấy nhiều cảnh đẹp về sen. Ở quê hương tôi cũng có một đầm sen chất lượng hạt không thua kém gì các nơi khác mà chưa có ai khai thác. Từ chính tình yêu quê hương và muốn tận dụng vẻ đẹp của quê nhà và cây sen, nên tôi quyết định đi học hỏi và về thuê đầm sen của địa phương và sản xuất các sản phẩm từ sen”, anh Xong chia sẻ.
Từ làm thuê tới làm nông, anh cũng tích cóp được một ít tiền đầu tư trồng sen năm 2018. Vì thiếu vốn nên ban đầu anh chỉ đủ sức làm một chòi cho khách du lịch, trồng sen và làm sản phẩm thô như hạt sen tươi, sen khô bán ra thị trường. Cho đến năm 2021, cùng với nguồn vốn địa phương hỗ trợ khởi nghiệp, anh vay vốn NHCSXH chương trình NS&VSMTNT và cho vay giải quyết việc làm để đầu tư nước sạch và mua máy chế biến sen. “Lúc đó, tôi mừng lắm vì vấn đề khó khăn nhất là vốn đã được giải quyết. Nhưng mừng hơn là việc làm của mình luôn nhận được sự động viên của các tổ chức, chính quyền. Tôi tự nhủ mình phải làm tốt hơn nữa, làm nhiều hơn nữa để đáp lại sự tin tưởng của họ”, anh Xong tâm sự.
Sau khi trả nợ trước hạn, năm 2023, anh Xong tiếp tục vay NHCSXH 90 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để đầu tư mua máy sấy lạnh sản xuất sen. Đến naym cơ sở của anh đã mở rộng diện tích đến 21ha, trong đó, có 11ha tự trồng còn lại thuê đầm cho hộ khác làm và thu mua sản phẩm. Sau gần 5 năm khởi nghiệp, Cơ sở trồng và sản xuất sen Năm Xong đã tích cóp cho mình thành tích đáng nể: giải Nhất cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp năm 2023; tạo việc làm cho 50 công nhân địa phương; đưa các sản phẩm từ sen đến với các nước trong khu vực và châu Âu với tổng doanh thu từ 700 - 800 triệu đồng/năm…
Hay như nghề làm chiếu cói truyền thống của thị xã Hoài Nhơn đặc biệt là xã Hoài Châu Bắc đã có hàng trăm năm. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp bà con chuyển từ dệt chiếu thủ công bằng tay sang làm máy, tích trữ nguyên liệu sản xuất chiếu. Chị Nguyễn Thị Kim Hiển ở xóm 2, thôn Giang Đông là đời thứ 3 kế tục sự nghiệp ông cha. Tận dụng nguồn vốn vay NHCSXH, chị đã đầu tư 6 máy dêt tạo việc làm cho 6 người dân địa phương với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/ngày. Chị cho biết: Sau dịch Covid-19, hàng hóa chậm lại chưa kể khách hàng chuyển tiền chậm nên để tích lũy lát đan chiếu cho cả năm, chị rất cần vốn. Vậy nên 50 triệu vốn vay NHCSXH với chị rất quý, có thể tích trữ nguyên liệu cho 3 tháng sản xuất tại cơ sở chiếu. Cuộc sống ổn định với thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm giúp chị nuôi các con học đại học. Cũng như gia đình chị, nhiều hộ dân ở xã Hoài Châu Bắc đã được hỗ trợ vay vốn phát triển góp phần duy trì và phát triển ngành thủ công truyền thống mang lại công ăn việc làm thêm cho hàng trăm người dân lao động địa phương.
Nhờ có nguồn vốn ngân sách địa phương, trong 10 năm qua đã giải quyết việc làm cho hơn 30 nghìn lao động, duy trì và khôi phục các làng nghề truyền thống, ổn định cuộc sống; giúp cho 1.105 lao động đi làm việc ở nước ngoài; cho 1.484 hộ gia đình có vốn đầu tư tái đàn heo được 37.330 con sau bệnh dịch tả lợn châu Phi, góp phần bình ổn giá heo hơi trên địa bàn tỉnh; giúp cho 2.230 lao động được vay vốn, tái đàn được 3.000 con bò sau dịch bệnh viêm da nổi cục; giúp cho 1.124 lao động, hộ gia đình có vốn đầu tư sản xuất, chuyển đổi nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định đời sống do dịch Covid-19; giúp cho 414 lượt lao động người tàn tật được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; giúp cho 904 hộ xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường tại khu vực đô thị.
Nhằm tiếp tục tăng nguồn lực đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu phấn đấu nguồn vốn ủy thác địa phương sang NHCSXH đến năm 2025 đạt 1.000 tỷ đồng. Đây sẽ là động lực mới thúc đẩy tỉnh phát triển kinh tế bền vững trong thời gian tới.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội