Tín dụng chính sách là công cụ đắc lực trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
10 năm kết tinh thành quả tăng cường lãnh đạo của Đảng
Nhìn lại năm 2014, ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, Đảng ủy NHCSXH Trung ương đã tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện tới toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ. Đồng thời, quán triệt nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW đến các đơn vị trong toàn hệ thống tại các Hội nghị triển khai nhiệm vụ hằng năm.
Đảng ủy NHCSXH Trung ương đã ban hành các Nghị quyết đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Các Nghị quyết này là căn cứ để các chi, đảng bộ trực thuộc, Ban Điều hành, Công đoàn, Đoàn Thanh niên NHCSXH Trung ương xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện. Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ NHCSXH Trung ương lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và lần thứ V, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ban hành nội dung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; hằng năm, trong kế hoạch, chương trình công tác, Đảng ủy NHCSXH Trung ương và Ban điều hành NHCSXH xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị, Kết luận và tổ chức thực hiện, trong đó, trọng tâm là phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan nghiên cứu tham mưu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn về nguồn lực và ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các cơ chế liên quan đến tín dụng chính sách xã hội để phù hợp với thực tế trong từng thời kỳ.
Đồng thời, NHCSXH các cấp tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp để triển khai có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn nhằm thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi…
Chủ tịch HĐQT NHCSXH ban hành văn bản gửi các Tỉnh ủy/Thành ủy trực thuộc Trung ương đề nghị tiếp tục dành sự quan tâm đối với công tác tín dụng chính sách xã hội, thông qua việc lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, ưu tiên bố trí vốn ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ và tạo điều kiện cho NHCSXH hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ và Nhà nước giao.
Từ định hướng xuyên suốt của Đảng ủy NHCSXH Trung ương, để thể chế hóa các nội dung của Chỉ thị số 40-CT/TW, NHCSXH đã tích cực tham gia, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về tín dụng chính sách xã hội; trong đó có nhiều văn bản quan trọng, đánh dấu bước ngoặt lớn trong triển khai thực hiện. Như: việc nguồn vốn chính sách được Quốc hội bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 đã tạo sự ổn định, chủ động thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, giúp NHCSXH nâng cao năng lực tài chính, giảm bớt áp lực về nguồn vốn cho vay tín dụng chính sách trong điều kiện nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh bị hạn chế.
Từ đề xuất tham mưu của NHCSXH cùng các Bộ, ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chương trình tín dụng chính sách mới, như: Cho vay hộ mới thoát nghèo; cho vay giải quyết việc làm; cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020; cho vay hỗ trợ làm nhà ở đối với hộ nghèo; cho vay hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; cho vay bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững; cho vay ưu đãi để thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng cải tạo nhà ở; cho vay người chấp hành xong án phạt tù; cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,…
Đồng thời, điều chỉnh mức vay tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đối với mỗi loại công trình tối đa là 10 triệu đồng/hộ; Điều chỉnh lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng chính sách nâng mức cho vay đối với chương trình tín dụng HSSV có hoàn cảnh khó khăn (hiện nay là 4 triệu đồng/tháng/HSSV) và bổ sung đối tượng là sinh viên trường y đã tốt nghiệp, đang trong thời gian thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề,…
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, Đảng ủy NHCSXH Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 340-NQ/ĐU ngày 11/8/2021 về việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Tham mưu Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách cho vay ưu đãi qua NHCSXH, chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay tại NHCSXH theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ như: cho vay đối với học HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại NHCSXH.
Thực thị hiệu quả tín dụng chính sách xã hội
Những nỗ lực của mỗi đảng viên, cán bộ NHCSXH thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã mang lại những bước đột phá lớn cho hoạt động tín dụng chính sách. Từ việc nguồn vốn tín dụng chính sách chưa thực sự ổn định, phần lớn dựa vào ngân sách Trung ương chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Đến 30/4/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 373.101 tỷ đồng, tăng 235.745 tỷ đồng (gấp 2,72 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,6%. Trong đó, tổng nguồn vốn được cấp từ ngân sách Trung ương là 44.402 tỷ đồng, chiếm 11,9% tổng nguồn vốn. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, các địa phương trong cả nước đã chú trọng, quan tâm cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Đến 30/4/2024, tổng nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương các cấp đạt 45.766 tỷ đồng, chiếm 12,3%/tổng nguồn vốn (trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác cấp tỉnh 37.802 tỷ đồng, nguồn vốn nhận ủy thác cấp huyện 7.964 tỷ đồng), tăng 41.874 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Hiện nay 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.
Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN Việt Nam, các tổ chức tín dụng Nhà nước đã duy trì thường xuyên, ổn định số dư tiền gửi 2% theo quy định. Đến 30/4/2024, nguồn tiền gửi 2% là 127.373 tỷ đồng, chiếm 34,1%/tổng nguồn vốn; nguồn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đạt 77.637 tỷ đồng, chiếm 20,8%/tổng nguồn vốn; huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân trên thị trường đạt 48.442 tỷ đồng, chiếm 13%/tổng nguồn vốn, trong đó nguồn nhận tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn là 17.518 tỷ đồng, chiếm 4,7%/tổng nguồn vốn.
Với cơ cấu nguồn vốn đa dạng và không ngừng tăng trưởng đã thể hiện chủ trương, quan điểm về nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội do ngân sách Trung ương cấp, NHCSXH huy động và nhận ủy thác từ ngân sách địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, “Trung ương và địa phương cùng làm”. Đồng thời, thể hiện quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương và NHCSXH trong việc tập trung huy động nguồn lực tài chính nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng kịp thời và ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đây cũng là cơ sở để NHCSXH thực hiện tốt chức năng cung ứng vốn tín dụng chính sách xã hội đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển. NHCSXH đã tập trung huy động được nguồn lực lớn để cho vay, đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, tạo điều kiện giúp trên 20,6 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay đạt 706.668 tỷ đồng; tổng doanh số thu nợ đạt 488.488 tỷ đồng tạo nguồn vốn cho vay quay vòng, bằng 69% doanh số cho vay.
Tính đến 30/4/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 346.199 tỷ đồng, tăng 217.667 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,5%. Trong đó, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi là 123.590 tỷ đồng, chiếm 35,7%/tổng dư nợ, với hơn 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo 33.546 tỷ đồng, chiếm 9,6%/tổng dư nợ, với gần 556 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào DTTS là 85.857 tỷ đồng, chiếm 24,8%/tổng dư nợ với trên 1,6 triệu khách hàng còn dư nợ. Gần 13 triệu lượt khách hàng đã được vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm với doanh số cho vay là 536.771 tỷ đồng (chiếm 75,9% tổng doanh số cho vay). Doanh số thu nợ là 364.883 tỷ đồng (chiếm 68% doanh số cho vay). Đến 30/4/2024, dư nợ là 224.337 tỷ đồng, chiếm 64,8% tổng dư nợ với trên 4,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Cùng với việc triển khai nhanh chóng các chính sách tín dụng đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn kiên trì, quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh giảm từ 0,93%/tổng dư nợ (khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị) xuống còn 0,56%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,2%/tổng dư nợ (thời điểm 30/4/2024). Thực hiện tốt mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước.
Những thành quả này cho thấy Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển kinh tế gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Kết quả đạt được khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW cho thấy, mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng của NHCSXH là phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị và thực tiễn Việt Nam, huy động sức mạnh toàn thể xã hội chăm lo cho các đối tượng chính sách thông qua hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Những biến đổi phức tạp, khó lường của bối cảnh quốc tế, khu vực, trong nước đặt ra nhiều thách thức đến phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, đồng thời tác động trực tiếp đến đời sống của Nhân dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách. Từ thực tiễn triển khai và thách thức cho thấy, cần tiếp tục xác định rõ vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần các nghị quyết của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Tuy nhiên, để tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục được bàn thảo thảo gỡ như: Cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý và đảm bảo tính bền vững. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tại một số tỉnh còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách tín dụng với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững đã tạo điều kiện cho nhiều nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước nhưng chưa triệt để.
Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của Đảng ủy NHCSXH Trung ương, HĐQT, Ban điều hành và từng cán bộ, đảng viên NHCSXH, cần có những giải pháp căn cơ đồng bộ cùng sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội để nâng cao hơn nữa hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; làm sâu sắc hơn các quan điểm, chủ trương, chính sách lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách, trong suốt quá trình phát triển đất nước và từng địa phương.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội