Người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm đồ uống tại siêu thị ở Hà Nội. (Ảnh ÁNH DƯƠNG)
Kinh tế Việt Nam vừa bước qua quý I năm 2025 với kết quả tăng trưởng GDP đạt 6,93%. Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng nhưng vẫn thấp hơn kịch bản điều hành được Chính phủ cập nhật trong Đề án bổ sung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.
Củng cố “sức khỏe” doanh nghiệp
Việc Hoa Kỳ bất ngờ công bố chính sách thuế đối ứng cao đối với Việt Nam và nhiều đối tác thương mại khác, mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 để tạo đà, tạo thế cho tăng trưởng hai con số từ năm 2026 càng trở nên thách thức, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Trong đó, nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế thông qua việc hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững là yêu cầu cấp bách. Đây cũng là thời điểm cần tập trung các giải pháp gia tăng sản xuất trong nước, có chính sách thúc đẩy tiêu dùng trong nước trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Thành viên Tổ Tư vấn Chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia nhận định, tác động từ các chính sách thuế quan của Hoa Kỳ đến Việt Nam chưa rõ rệt trong quý II, song mức tăng trưởng hai quý còn lại của năm 2025 phụ thuộc rất nhiều vào kết quả đàm phán giữa hai quốc gia. Để ứng phó, giải pháp quan trọng là chuẩn bị tốt cho công tác đàm phán sau 90 ngày hoãn thuế; sớm đáp ứng những vướng mắc, rào cản trong 14 lĩnh vực mà phía Hoa Kỳ đã nêu với Việt Nam; hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp ngành hàng bị ảnh hưởng.
Cơ quan quản lý cần tập trung thúc đẩy thị trường nội địa, củng cố “sức khỏe” của doanh nghiệp trong nước, qua đó tăng sức chống chịu và tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế Việt Nam.
“Trong bối cảnh hiện nay, “kích” đầu tư tư nhân trong nước là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Về phía các doanh nghiệp, nên tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng để tối ưu chi phí hoạt động”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực khuyến cáo.
Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ đặt ra không ít thách thức nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển dịch sang mô hình phát triển bền vững, nâng cao khả năng chống chịu trước các biến động từ bên ngoài.
Thận trọng khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến động lực tăng trưởng tiêu dùng trong nước, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng về vấn đề thuế đối ứng của Hoa Kỳ và kiến nghị chính sách liên quan đến một số nội dung sửa đổi Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9
Quốc hội khóa XV diễn ra tháng 5/2025. Trong đó, VBA nêu rõ, mặc dù còn khá sớm để đánh giá được hết những tác động tiêu cực của chính sách thuế đối ứng và những tác động cụ thể đến ngành đồ uống nhưng đã có những phân tích, nhận định cho thấy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sẽ chịu tác động rất lớn từ “biến số” này, nhất là xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Do đó, đẩy mạnh tiêu dùng trong nước là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025. VBA kiến nghị lùi thời điểm áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia và không tăng sốc để giảm tác động đến các doanh nghiệp trong ngành, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia, rượu từ năm 2026 như phương án đề xuất trong dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sẽ khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng đóng góp vào ngân sách nhà nước cũng như vấn đề giải quyết việc làm cho xã hội. Như vậy sẽ không thuận lợi trong bối cảnh đất nước đang cần bứt tốc về tăng trưởng.
Chủ tịch VBA Nguyễn Văn Việt cho biết, những khó khăn của tình hình kinh tế đã “ngấm” vào doanh nghiệp ngành sản xuất đồ uống Việt Nam từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, đến nay vẫn chưa phục hồi. Từ khi áp dụng các mức xử phạt vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, thị trường tiêu thụ của ngành hàng bia, rượu càng giảm mạnh.
Nhiều doanh nghiệp đã giảm sản lượng sản xuất 20-30%, buộc phải cắt giảm lao động. Doanh nghiệp gặp khó khăn về doanh thu, lợi nhuận cũng khiến thu nhập của người lao động trong ngành bia, rượu giảm đáng kể trong những năm gần đây. Thậm chí, có doanh nghiệp đồ uống lớn tại miền trung, quy mô nộp ngân sách mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng cũng đã phải đóng cửa.
Hiện doanh nghiệp ngành đồ uống nộp ngân sách khoảng 60.000 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Nếu phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt tăng cao ngay trong năm 2026 như đề xuất của cơ quan soạn thảo, doanh nghiệp đồ uống sẽ chồng chất thêm khó khăn, kéo theo ảnh hưởng tiêu cực đến khoảng 20 ngành hàng liên quan khác, từ khâu trồng nguyên liệu, chế biến, bao bì, logistics, dịch vụ ăn uống…
Theo đánh giá của VBA, mức ảnh hưởng này không chỉ diễn ra trong phạm vi ngành mà còn tác động tiêu cực đến tình hình chung của kinh tế-xã hội đất nước. Để bảo đảm hài hòa giữa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, VBA kiến nghị Chính phủ lùi thời gian áp dụng đến năm 2028 và không tăng thuế sốc đối với mặt hàng bia, rượu để doanh nghiệp có đủ thời gian điều chỉnh chiến lược kinh doanh, ổn định sản xuất.
Theo nhóm phóng viên kinh tế/ baonhandan.vn