Theo báo cáo phân tích của các chuyên gia kinh tế Cục Dự trữ Liên bang, Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis, Đại học Michigan và Đại học Brown[1], Trung Quốc đang thay đổi về chất lượng cơ cấu thương mại quốc tế theo hướng giảm nhập khẩu sản phẩm công nghệ cao (máy móc, thiết bị), đồng thời tăng xuất khẩu. Sự phát triển cơ cấu thương mại Trung Quốc trong hơn 1,5 thập kỷ qua cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc ngày càng trở nên tương đồng với xuất khẩu của các nền kinh tế phát triển.
Sự gia tăng tỷ trọng xuất khẩu công nghệ cao biến Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các nền kinh tế phát triển trên thị trường quốc tế, đồng thời kéo theo sự phụ thuộc vào nhu cầu quốc tế. Điều này tạo nên áp lực lên giá cả, mang lại lợi ích cho các nước nhập khẩu. Nhưng hành động bán phá giá của Trung Quốc gây ra rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu công nghệ cao truyền thống, điều có thể làm căng thẳng địa kinh tế gia tăng, các biện pháp bảo hộ lan rộng và thiết lập lên các rào cản thương mại từ những nước cạnh tranh để bảo vệ thị trường trong nước.
Hướng tới năng lực tự chủ
Kể từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc năm 2018, Trung Quốc đã tăng cường đưa ra những tuyên bố về sự cần thiết phải tự chủ - giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu các tài nguyên. Năm 2023, tại kỳ họp Quốc hội, nơi vạch ra phương hướng chủ yếu phát triển chính trị và kinh tế của Trung Quốc trong 5 năm tiếp theo và bầu ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch nước đầu tiên của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho nhiệm kỳ thứ ba, người đứng đầu Trung Quốc đã khẳng định lại một lần nữa lộ trình hướng tới tự chủ và kêu gọi “tập trung đạt được sự độc lập và lớn mạnh hơn nữa trong lĩnh vực khoa học và công nghệ”.
Chỉ số tương đồng
Sự tương đồng trong cơ cấu về ngành trong hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và các nước phát triển - Mỹ, Eurozone, Anh và Nhật Bản, có sự thay đổi giữa năm 2010 và năm 2023 trên cơ sở phân tích hai chỉ số. Đầu tiên là Chỉ số tương đồng xuất khẩu (ESI)[2] mà có thể dao động từ 0 (các loại sản phẩm hoàn toàn khác nhau: ví dụ, một quốc gia xuất khẩu sản phẩm điện tử và ôtô, và một quốc gia khác xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và hàng dệt may) đến 100 (hoàn toàn giống nhau).
Chỉ số thứ hai - Chỉ số tương đồng đối tác (Partner Similarity Index, PSI)[3] do và cũng có thể dao động từ 0 (hoàn toàn không trùng khớp) đến 100 (hoàn toàn trùng khớp). Chỉ số PSI thấp sẽ xảy ra nếu, chẳng hạn, một quốc gia chủ yếu xuất khẩu hàng dệt may, trong khi quốc gia đối tác chủ yếu mua hàng điện tử; chỉ số PSI cao - nếu một quốc gia xuất khẩu đúng những sản phẩm quốc gia đối tác nhập khẩu.
Theo tính toán trong báo cáo, khi chỉ số PSI của một quốc gia xuất khẩu tăng 1 điểm phần trăm (đpt), kim ngạch xuất khẩu của quốc gia đó sang quốc gia nhập khẩu tăng 2,7%. Đây là một kết quả có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, theo đó chỉ số PSI trung bình giữa các cặp đối tác thương mại là 42,9% trong toàn bộ giai đoạn 14 năm.
Cả hai chỉ số nêu trên chỉ phản ánh cơ cấu, chứ không phải kim ngạch thương mại.
Sự tiệm cận về thương mại
Trong giai đoạn 2010-2023, chỉ số tương đồng xuất khẩu giữa Trung Quốc và các nước phát triển đã tăng lên, điều này có nghĩa là cơ cấu xuất khẩu của Trung Quốc tiệm cận với cơ cấu xuất khẩu của các nước phát triển (xem Hình 1).
Sự tương đồng về xuất khẩu của Trung Quốc với Eurozone tăng mạnh nhất, ở mức 10 điểm phần trăm (đpt) lên thành 56% vào năm 2023; với Nhật Bản - tăng 6 đpt, lên thành 51%; Anh - tăng 3,5 đpt, lên thành 42%. Mỹ dường như là một ngoại lệ khi chỉ số tương đồng xuất khẩu giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn ổn định (khoảng 46%) trong hầu hết toàn bộ giai đoạn nghiên cứu, và chỉ tăng mạng lên 49% vào năm 2023. Nói cách khác, gần một nửa hàng hóa xuất khẩu của Mỹ và Trung Quốc là cùng chủng loại.
Hình 1. Chỉ số tương đồng xuất khẩu* của Trung Quốc và một số nước phát triển, %
* Chỉ số càng cao, cơ cấu xuất khẩu của Trung Quốc càng tương đồng với cơ cấu xuất khẩu của nền kinh tế tương ứng.
Nguồn: De Soyres F., Fisgin E., Gaillard A., Santacreu A.M., Young H. The Sectorial Evolution of China’s Trade. FEDS Notes, 2025.
Phân tích theo ngành cho thấy, đóng góp chủ yếu vào sự tăng trưởng của chỉ số tương đồng xuất khẩu là nhóm sản phẩm máy móc và thiết bị vận tải, điều cũng phản ánh sự tăng trưởng của ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc. Như vậy, thị phần các phương tiện giao thông đường bộ trong kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng gần gấp hai lần từ 2,9% vào năm 2013 lên 5,9% năm 2023, trong khi ở Eurozone, thị phần này cho thấy xu hướng giảm nhẹ (từ 14% xuống 13,5%).
Theo trong báo cáo, nếu Trung Quốc giữ nguyên cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, thì chỉ số tương đồng xuất khẩu giữa Trung Quốc và các nền kinh tế phát triển sẽ gần như không đổi theo thời gian. Nói cách khác, sự gia tăng tính tương đồng trong xuất khẩu phần nhiều được lý giải bởi những thay đổi trong cơ cấu xuất khẩu của Trung Quốc, chứ không phải của các nền kinh tế phát triển.
Điều này có nghĩa là hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đang trở nên “phức tạp hơn”, khi dịch chuyển từ chuỗi giá trị hàng hóa giản đơn và thâm dụng lao động (quần áo, dệt may) lên chuỗi giá trị hàng hóa phức tạp và thâm dụng vốn hơn (sản phẩm công nghệ cao). Do đó, Trung Quốc đang trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với châu Âu, Mỹ và Nhật Bản trong thương mại quốc tế, thậm chí tại thị trường nội địa của các quốc gia này.
Sự tương đồng về đối tác
Chỉ số thứ hai - tương đồng về đối tác (chỉ số PSI) - có thể được xem xét từ hai phía: xuất khẩu từ các nước phát triển tương ứng với nhập khẩu của Trung Quốc và ngược lại - xuất khẩu của Trung Quốc tương ứng với nhập khẩu của các nước phát triển.
Sự tương đồng giữa xuất khẩu của các nước phát triển và nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm đi rõ rệt theo thời gian - nghĩa là xuất khẩu của các quốc gia này ngày càng không còn tương đồng với những gì Trung Quốc mua trên thị trường quốc tế (xem Hình 2, phần bên trái). Do đó, chỉ số tương đồng của Eurozone/Trung Quốc, tức là sự tương đồng giữa xuất khẩu của Eurozone và nhập khẩu của Trung Quốc, đã giảm từ gần 48% năm 2013 xuống 40% vào năm 2023, chỉ số của Nhật Bản/Trung Quốc - từ 52% xuống 40%; của Anh/Trung Quốc - từ 46% xuống 42%.
Hình 2. Chỉ số tương đồng* của các đối tác thương mại, %
* Chỉ số càng cao, cơ cấu xuất khẩu của các nước phát triển càng phù hợp với cơ cấu nhập khẩu của Trung Quốc (hình trái); cơ cấu xuất khẩu của Trung Quốc càng phù hợp với cơ cấu nhập khẩu của các nước phát triển (hình phải).
Nguồn: De Soyres F., Fisgin E., Gaillard A., Santacreu A.M., Young H. The Sectorial Evolution of China’s Trade. FEDS Notes, 2025.
Sự sụt giảm này vẫn chủ yếu là do lĩnh vực máy móc và thiết bị vận tải, khi cho thấy sự sụt giảm trong kim ngạch nhập khẩu của ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc do ngày càng tự chủ hơn trong lĩnh vực này. Cụ thể, tỷ trọng phương tiện giao thông đường bộ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc chiếm khoảng 4,5% trong giai đoạn 2013-2017, nhưng sau đó chỉ số này liên tục giảm xuống còn 2,7% vào năm 2023.
Sự sụt giảm chỉ số PSI của Eurozone/Trung Quốc từ 8 đpt xuống còn 6 đpt và của Nhật Bản/Trung Quốc giảm từ 12 đpt xuống còn khoảng 10 đpt là do các mặt hàng máy móc và thiết bị vận tải. Điều này có nghĩa là Eurozone và Nhật Bản đang mất dần thị phần ở Trung Quốc, trước tiên là thị phần ngành công nghiệp ôtô, trong khi Trung Quốc đang đẩy mạnh thay thế nhập khẩu.
Chỉ số tương đồng với Mỹ có sự ngoại lệ: sự tương đồng của xuất khẩu Mỹ và nhập khẩu Trung Quốc trong giai đoạn 2010-2023 gần như không thay đổi (55%), thậm chí còn tăng trong giai đoạn 2019-2022. Phân tích ngành cho thấy kim ngạch nhập khẩu máy móc và phương tiện vận tải của Trung Quốc từ Mỹ cũng giảm như từ các nước phát triển khác, nhưng điều này được bù đắp bởi sự gia tăng nhập khẩu năng lượng từ Mỹ.
Trung Quốc là nước nhập khẩu LNG lớn nhất[4] và Mỹ là nước xuất khẩu lớn nhất, mà lượng khí LNG đã tăng từ 0,2 tỷ m3 năm 2013 lên thành 114 tỷ m3 năm 2023[5]. Trung Quốc bắt đầu tăng cường nhập khẩu LNG vào năm 2016, khi Mỹ bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu (trung bình giai đoạn 2016-2024, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu LNG của Trung Quốc là 18%/năm). Tuy nhiên, ước tính năm 2024[6], tỷ trọng LNG nhập khẩu từ Mỹ chỉ chiếm 6% tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc, còn Trung Quốc chỉ chiếm 5% trong tổng tỷ trọng xuất khẩu LNG của Mỹ. Theo đó, khí đốt chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 8% cơ cấu năng lượng của Trung Quốc[7] và vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng do khí đốt đóng vai trò thay thế cho các loại nhiên liệu gây ô nhiễm hơn như than đá (để so sánh: tỷ trọng khi đốt chiếm hơn 1/5 cơ cấu năng lượng của Nhật Bản và hơn 1/3 cơ cấu năng lượng của Mỹ).
Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu dầu lớn nhất, và lượng dầu của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng tăng trong những năm gần đây[8], với bình quân giai đoạn 2019- 2024 chiếm tỷ trọng khoảng 8,5% tổng lượng dầu xuất khẩu của Mỹ[9].
Cuối cùng, nếu nhìn vào cơ cấu xuất khẩu ngược lại, thì sự tương đồng giữa xuất khẩu của Trung Quốc và nhập khẩu của cả 4 nền kinh tế phát triển có sự tăng lên một cách rõ rệt trong những năm gần đây (xem Hình 2, bảng bên phải), cụ thể: với MỸ - từ 57% lên thành 65%, với Eurozone - từ 58% lên thành 63%.
Điều này có nghĩa là cơ cấu xuất khẩu của Trung Quốc ngày càng trùng hợp với cơ cấu hàng hóa các nước phát triển nhập khẩu. Sự gia tăng tương đồng này chủ yếu cũng đến từ lĩnh vực máy móc và thiết bị vận tải - bởi vì Trung Quốc từng bước nâng tỷ trọng xuất khẩu các loại sản phẩm này, trong khi các nền kinh tế phát triển vẫn duy trì tỷ trọng nhập khẩu ở mức cao.
Các yếu tố chính sách thương mại
Tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Eurozone và Anh trong giai đoạn 2010-2023 đã tăng lên, còn tỷ trọng của Mỹ và Nhật Bản tăng đến năm 2018 rồi sau đó bắt đầu sụt giảm. Sự khác biệt giữa các chỉ số tương đồng đối tác ngày càng tăng (xuất khẩu của Trung Quốc/nhập khẩu của Mỹ và Nhật Bản) và kim ngạch xuất, nhập khẩu cho thấy các yếu tố chính sách như áp dụng các hàng rào thuế quan và hạn chế thương mại có thể đã tác động đến sự gia tăng cạnh tranh giữa các quốc gia này.
Những dịch chuyển trong cơ cấu thương mại của Trung Quốc chứng tỏ, trước tiên, quan hệ thương mại của Trung Quốc với các nước phát triển đang chuyển hướng từ hợp tác và bổ sung lẫn nhau sang cạnh tranh trực tiếp do cơ cấu xuất khẩu của Trung Quốc ngày càng giống với cơ cấu xuất khẩu của các nền kinh tế phát triển, áp lực cạnh tranh trên thị trường thế giới càng tăng.
Thứ hai, điều này có thể dẫn đến những thay đổi thị trường và đánh mất thị phần do các đối tác xuất khẩu truyền thống trong những phân khúc mà vị thế của Trung Quốc đang được tăng cường, như sản xuất ôtô, các sản phẩm công nghệ cao, nững công nghệ xanh (chẳng hạn EU nhập khẩu 98% tấm pin mặt trời từ Trung Quốc[10], tương đương 80% lượng xuất khẩu trên toàn cầu của nước này[11]).
Thứ ba, sự tiệm cận của cơ cấu xuất khẩu và sự tương đồng ngày càng tăng giữa xuất khẩu của Trung Quốc và nhu cầu nhập khẩu của các nước phát triển có thể làm gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ từ phía các nước cạnh tranh, bao gồm chủ nghĩa bảo hộ, các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong xuất, nhập khẩu. Trong số đó có thể kể đến như Mỹ tăng cường áp dụng hàng rào thuế quan vào năm 2024, bao gồm các lệnh trừng phạt đối với sản phẩm chip Trung Quốc và nhằm hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn ở Trung Quốc; Ủy ban châu Âu áp mức thuế lên tới 35% đối với xe điện của Trung Quốc vào năm 2024; Mỹ công bố mức thuế 25% đối với tất cả loại ôtô nhập khẩu.
Ngoài ra, những kết luận được chỉ ra trong báo cáo nêu trên còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân tích không chỉ tổng kim ngạch, mà cả những thay đổi trong cơ cấu hàng hoá xuất, nhập khẩu.
[1] Truy cập tại: https://www.federalreserve.gov/econres/notes/feds-notes/the-sectoral-evolution-of-chinas-trade-20250228.html
[2] Chỉ số này đo lường mức độ phù hợp giữa cơ cấu xuất khẩu của hai quốc gia, tức là mức độ tương đồng giữa các loại sản phẩm mà họ giao dịch (Truy cập tại: https://www.jstor.org/stable/2231506).
[3] chỉ số này đo lường mức độ cơ cấu xuất khẩu của một quốc gia trùng khớp với cơ cấu nhập khẩu của một quốc gia khác.
[4] Truy cập tại: https://yearbook.enerdata.net/natural-gas/balance-lng-trade-world.html
[5] Viện Năng lượng (Truy cập tại: https://www.energyinst.org/statistical-review/resources-and-data-downloads).
[6] Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu (Truy cập tại: https://www.energypolicy.columbia.edu/what-chinas-retaliatory-tariff-means-for-us-china-lng-trade).
[7] Truy cập tại: https://www.iea.org/countries/china.
[8] Truy cập tại: https://www.eia.gov/dnav/pet/hist/LeafHandler.ashx?n=pet&s=mttexch1&f=a.
[9] Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (Truy cập tại: https://www.eia.gov/dnav/pet/pet_move_expc_a_EPC0_EEX_mbbl_a.htm).
[10] Truy cập tại: https://ec.europa.eu/eurostat/web/products-eurostat-news/w/ddn-20241014-1
[11] Truy cập tại: https://www.iea.org/reports/solar-pv-global-supply-chains/executive-summary
Nguyễn Quang Huy,
Tổng hợp và lược dịch theo econs.online