Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là nhân tố thúc đẩy kinh tế nông nghiệp
Đây cũng là khẳng định của bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong khuôn khổ họp báo tuyên truyền về chuỗi sự kiện “Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI và Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII năm 2022” diễn ra chiều 6/9 tại Hà Nội.
Bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại họp báo (Ảnh: PV) |
Phong trào cách mạng của nông dân thời kỳ mới, động lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh trong nông dân, nông thôn
Theo đánh giá của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, trong 5 năm qua, dưới sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước với nhiều biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, đề ra nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục đạt được nhiều kết quả, có sức lan toả mạnh mẽ, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu. Phong trào góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của sản xuất nông nghiệp, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đặc biệt là trong đại dịch COVID–19 vừa qua.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2017 - 2022, bình quân hàng năm, số lượng hội viên nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tăng 4,3%, đạt 6,21 triệu lượt hộ đăng ký, chiếm 53,4% so với tổng số hộ nông dân cả nước; trong đó, số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đến năm 2021 là 3,6 triệu hộ, chiếm 51,6% số hộ đăng ký. Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, tiếp tục xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm tỷ đồng, thu hút hàng chục, hàng trăm lao động. So với giai đoạn 2012 - 2017, số hộ nông dân có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng gấp 2 lần.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989. Qua 33 năm triển khai, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng của giai cấp nông dân Việt Nam thời kỳ đổi mới. Phong trào đã có sức lan toả rất lớn, thu hút hàng triệu hội viên nông dân tham gia. Đây là động lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh trong nông dân, nông thôn. Phong trào cũng là động lực thúc đẩy ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, đổi mới, sáng tạo của người nông dân trong việc làm giàu cho gia đình và làm giàu cho quê hương đất nước.
Theo Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm, đây cũng là phong trào cách mạng của nông dân thời kỳ mới góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua, phong trào tiếp tục được phát triển, xuất hiện thêm nhiều nhân tố mới, nhiều điển hình mới với những mô hình kinh tế trang trại, kinh tế tập thể dưới dạng tổ hợp tác, hợp tác xã; các mô hình nông nghiệp hữu cơ, mô hình OCOP, từng bước hình thành các câu lạc bộ, các tổ hợp nông nghiệp. Phong trào đã thúc đẩy sự phát triển nông sản theo hướng ngày càng mở rộng về quy mô, gia tăng về số lượng, thâm nhập sâu rộng cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. “Tới đây, Trung ương Hội nông dân Việt Nam tiếp tục đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, và tham mưu trong đó tập trung đổi mới về nội hàm chỉ đạo, giúp nông dân tiếp tục liên kết, hợp tác và thị trường” – bà Bùi Thị Thơm nhấn mạnh.
Hướng tới xây dựng người nông dân VIệt Nam chuyên nghiệp, từng bước tiếp cận với khái niệm công nhân nông nghiệp (Ảnh: HNV) |
Xây dựng người nông dân Việt Nam chuyên nghiệp thời đại mới
Khái niệm nông dân chuyên nghiệp không phải là mới, thực tế đã được ghi nhận và đề cập tới tại Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tới đây, tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII năm 2022, chủ đề tập trung chính là “Người nông dân chuyên nghiệp”. Theo đó, Diễn đàn mong muốn góp phần làm rõ hơn thế nào là nông dân chuyên nghiệp, người nông dân cần phải làm gì để trở thành nông dân chuyên nghiệp? Những vấn đề đặt ra đối với nông dân trong giai đoạn mới như: Cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp; giải quyết những vướng mắc, hạn chế trong vấn đề về vốn, chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề cho nông dân, thay đổi quy trình sản xuất đảm bảo đầu ra cho nông sản... Các chính sách hỗ trợ nông dân, nông nghiệp, nông thôn để xây dựng người nông dân chuyên nghiệp - phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại…”.
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã nhấn mạnh “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn”. Nghị quyết 19 cũng xác định: Cần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn.
Đề cập đến người nông dân chuyên nghiệp thời đại mới, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Bùi Thị Thơm cho rằng: “đó là những người nông dân có tư duy kinh tế, kiến thức tổng hợp về khoa học kĩ thuật, nông nghiệp, thị trường. Đó còn là những người nông dân biết sản xuất ra những sản phẩm hiệu quả, “bán cái mà thị trường cần”, hiểu được giá trị của tinh thần hợp tác và liên kết. Họ cũng là những người nhận thức một cách sâu sắc rằng “đi một mình không thể tiến xa hơn mà phải đi chung nhóm, đồng hành tập thể, duy trì liên kết, tăng cường hợp tác phát triển”; là những người nông dân biết nghĩ đến xã hội cộng đồng với cung cách làm ăn tử tế, bền vững, có trách nhiệm; là những người yêu nước, yêu quê hương, có tinh thần làm giàu chính đáng cho bản thân, cho cộng đồng và xã hội. Hơn tất thảy, họ là người có kiến thức tổng hợp, kỹ năng đa dạng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và có tinh thần trách nhiệm chung vì tập thể, vì cộng đồng”./.
Theo dangcongsan.vn