Nhiều bạn trẻ đã chia sẻ những kinh nghiệm khởi nghiệp từ nông nghiệp tại Tọa đàm "Thanh niên khởi nghiệp và nông nghiệp sinh thái" - Ảnh: VGP/MT
Nông nghiệp là ngành kinh tế rất quan trọng của Việt Nam, đóng góp khoảng 14% GDP và 38% việc làm (Tổng cục thống kê, 2020) nhưng cũng đứng thứ hai về phát thải khi tạo ra 19% tổng lượng khí phát thải hàng năm. Điều này cũng trùng với nghiên cứu mới được ActionAid Quốc tế công bố, trong đó năng lượng hóa thạch và sản xuất nông nghiệp theo quy mô công nghiệp là hai ngành thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới. Trong bối cảnh đó, nông nghiệp sinh thái là giải pháp giúp Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp bền vững và thực hiện cam kết trở thành nước có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo thống kê, thanh niên Việt Nam chiếm 36% lực lượng lao động nhưng đang khá lúng túng với tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm phù hợp hay các khó khăn khi lập nghiệp. Nhiều thanh niên đã chọn dấn thân khởi nghiệp thay vì tìm việc làm, dù vậy có khoảng 90% doanh nghiệp khởi nghiệp chưa thành công và nếu có thì phần lớn thanh niên không chọn nông nghiệp hay nông nghiệp sinh thái để khởi nghiệp.
Tại Tọa đàm "Thanh niên khởi nghiệp và nông nghiệp sinh thái" tổ chức ngày 11/9 tại Ninh Bình, các diễn giả là đại diện cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý, thanh niên đã tập trung phân tích về tình trạng ô nhiễm môi trường và gia tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp, vai trò quan trọng của nông nghiệp sinh thái đối với phát triển bền vững, những thuận lợi, khó khăn và giải pháp khuyến khích thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Nghiên cứu "Tài trợ cho Tương lai" mà ActionAid Quốc tế mới công bố tuần trước (4/9/2023) tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi 2023 đã chỉ ra rằng, trong 7 năm từ 2015 – 2022, các nhà nước và các định chế tài chính quốc tế đang đầu tư nhiều hơn vào năng lượng hóa thạch và nông nghiệp sản xuất theo quy mô công nghiệp với số vốn gấp hơn 20 lần mức tài trợ cho tổng các dự án/chương trình thúc đẩy giải pháp cho khủng hoảng khí hậu, đi ngược lại cam kết của chính họ và tiếp tục đẩy mạnh khủng hoảng khí hậu ở quy mô toàn cầu.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp sinh thái, đặc biệt là ở Việt Nam, thúc đẩy giải pháp tài chính khí hậu và tăng trưởng bền vững, bên cạnh hỗ trợ thanh niên xây dựng sinh kế bền vững cho mình và cho xã hội.
Ông Đinh Ngọc Vường, Bí thư Đoàn huyện Nho Quan cho rằng, thanh niên đang có điều kiện thuận lợi để khởi nghiệp với nông nghiệp sinh thái khi Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển trong lĩnh vực này, trong đó có Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chương trình "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp" giai đoạn 2022-2030.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ