Thông tin tại Tọa đàm giới thiệu triển lãm do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), do Công ty Vinexad phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức chiều 14/5, tại Hà Nội, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics.
Việt Nam hiện có hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp.
Cùng với đó, các dịch vụ đi kèm đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường. Các thủ tục, thời gian thông quan đối với hàng xuất khẩu cũng đã cải thiện đáng kể. Theo dự báo mới nhất của Standard Chartered, Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu, với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 618 tỷ USD vào năm 2030, và tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%.
Đặc biệt, thời gian gần đây, đã có sự bùng nổ về thương mại điện tử và logistics cho thương mại điện tử. Riêng năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Với kết quả đó, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
VILOG 2023 tổ chức lần đầu tại TP Hồ Chí Minh, đã thu hút 256 doanh nghiệp đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, với hơn 25.000 lượt khách tham quan và đạt khối lượng giao dịch thương mại cao trong 3 ngày triển lãm.
"VILOG2024 sẽ tiếp tục được mở rộng, phát huy và mang lại nhiều hơn nữa giá trị cho các doanh nghiệp và khách mời tham dự, khẳng định vai trò là triển lãm lớn nhất về logistics của Việt Nam, giúp thúc đẩy ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có, đồng thời, tạo tiếng vang kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ vận hành, đào tạo nhân lực, thiết lập hệ sinh thái xanh trong ngành logistics," ông Trần Thanh Hải nói.
Theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), với ngành logistics, “xanh hóa” không còn là xu hướng, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với doanh nghiệp. Doanh nghiệp logistics Việt cần tận dụng lợi thế, đưa xanh hóa thành động lực, yêu cầu bức thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn trong hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu toàn cầu.
Theo Báo cáo logistics 2022, có tới 73,2% doanh nghiệp cho biết logistics xanh đã nằm trong chiến lược kinh doanh của họ. Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được vai trò của logistics xanh trong phát triển bền vững, để có định hướng phát triển đối với hoạt động này.
Tuy nhiên, theo đại diện VLA, dù đã có cơ chế cho phát triển, nhưng việc thực hiện các quy định trong thực tế vẫn đạt hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, các quy định và chính sách hiện tại của Chính phủ Việt Nam mới chỉ tập trung vào vận tải đường bộ. Việc hạn chế các quy định liên quan đến các loại cơ sở hạ tầng logistics khác như kho bãi hay hệ thống công nghệ thông tin, dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ trong việc áp dụng và thực hiện logistics xanh.
Ngoài ra, những chính sách về quy trình sản xuất để đảm bảo phát triển logistics xanh còn hạn chế, đặc biệt là những quy định về việc tái chế, sửa chữa và phục hồi chất thải, tái chế và phát triển bao bì thân thiện môi trường… Đặc biệt, cơ sở hạ tầng logistics hạn chế liên quan phương tiện vận chuyển và mạng lưới giao thông vận tải cũng là điểm nghẽn. Việt Nam mới chủ yếu phát triển vận tải bộ, trong khi đây là loại hình chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải...
Vì vậy, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, với mong muốn tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành, cam kết đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và ngành logistics phát triển bền vững của Chính phủ, Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam lần thứ 2-VILOG 2024 lựa chọn chủ đề "Logistics xanh-Nền tảng phát triển bền vững".
"Triển lãm đóng vai trò như một nền tảng, nơi các doanh nghiệp logistics trình diễn các giải pháp kỹ thuật, công nghệ và chiến lược tiên tiến, nhằm ưu tiên khía cạnh bền vững, thúc đẩy chuyển đổi xanh trong toàn ngành. Từ việc tích hợp năng lượng tái tạo và các hệ thống vận tải hiệu quả đến các sáng kiến giảm phát thải và quản lý chuỗi cung ứng nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường," ông Đào Trọng Khoa nhấn mạnh.
VILOG 2024 với quy mô dự kiến 480 gian hàng, từ 350 doanh nghiệp. Tham gia Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam lần thứ 2, các doanh nghiệp sẽ giới thiệu các giải pháp “Xanh hóa” logistics qua 5 lĩnh vực, gồm: Vận tải và chuyển phát; công nghệ nhà kho thông minh; chuỗi lạnh; công nghệ thông tin và hàng không.
Trong khuôn khổ triển lãm VILOG 2024, sẽ diễn ra buổi hội thảo đổi mới với chủ đề "Hải quan Việt Nam chuyển đổi Số, thúc đẩy phát triển logistics và thuận lợi hóa thương mại" vào ngày 1/8 do Báo Hải Quan và Ban Hải quan của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, nhằm cập nhật các giải pháp mới, thúc đẩy phát triển logistics và tăng cường tiện ích thương mại.
Hội thảo về “Logistics hàng không bền vững” do VLA tổ chức ngày 2/8 với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Ban hàng không, Ban công nghệ của Liên đoàn Giao nhận và Vận tải Quốc tế (FIATA AFI, ABIT), cùng với Ban chuyển đổi số và phát triển bền vững của Liên đoàn Giao nhận và Vận tải ASEAN (AFFA S&D).
Theo báo Tin tức