Hội thảo “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ” |
Ngày 16-8, tại Hà Nội, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, thông qua Dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” (LinkSME), tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 và thảo luận về những thách thức cũng như kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, chuyển đổi số là xu hướng và lựa chọn tất yếu giúp cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp do nữ làm chủ, không bị tụt hậu so với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới. Chuyển đổi số đồng thời là giải pháp giúp các doanh nghiệp thích ứng với các khủng hoảng của dịch bệnh, thiên tai và biến đổi khí hậu... Tuy nhiên, trong thực tế, quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức về nguồn tài chính; thay đổi, điều chỉnh văn hóa doanh nghiệp cho phù hợp với chuyển đổi số; tiếp cận, lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số phù hợp với doanh nghiệp.
Bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cũng cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, giảm đói nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu thống kê sơ bộ, hiện nay số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 24-25% tổng số doanh nghiệp trong cả nước...
Trong quá trình triển khai các hoạt động của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, thực tế cho thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của chuyển đổi số. Doanh nghiệp cũng có nhiều thuận lợi trong quá trình chuyển đổi số như: Sự chuyển dịch, thay đổi thói quen của người tiêu dùng, sự linh hoạt của các doanh nghiệp Việt Nam, sự sẵn sàng của công nghệ, các nhà cung cấp chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phụ nữ làm chủ cũng gặp nhiều khó khăn, rào cản trong quá trình chuyển đổi số như hạn chế về tài chính, hạn chế về năng lực, kinh nghiệm triển khai, thiếu thông tin về các giải pháp chuyển đổi số...
“Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động bởi đại dịch COVID-19. Điều này đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người, gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc doanh nghiệp phải thay đổi và thích ứng. Vì vậy, nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới" - bà Hương nhấn mạnh.
Theo dangcongsan.vn