Thị trường bất động sản Việt Nam đang có sự điều chỉnh hướng tới phát triển lành mạnh, bền vững. Ảnh: HẢI NAM |
Kỷ lục về nội dung sửa đổi, bổ sung
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án luật rất khó và phức tạp. Dự án luật này đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước.
Giải trình về một số vấn đề nhiều đại biểu vẫn băn khoăn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79), có ý kiến đề nghị bỏ khoản 32 Điều 79 dự thảo Luật, thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở trao đổi kỹ lưỡng và thống nhất giữa các cơ quan, UBTVQH tiếp thu ý kiến ĐBQH theo hướng, tiếp tục quy định rõ tại khoản 32 Điều 79 đây là trường hợp được QH xem xét theo trình tự, thủ tục rút gọn, tương tự quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Đầu tư năm 2020 về sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Về bảng giá đất (Điều 159), có ý kiến đề nghị quy định bảng giá đất 5 năm 1 lần như luật hiện hành và hằng năm biến động thì điều chỉnh hệ số K, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự thảo Luật quy định ban hành bảng giá đất hằng năm để bảo đảm bám sát diễn biến thực tế thị trường và mở rộng phạm vi áp dụng bảng giá đất. Dự thảo Luật cũng quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1 tháng 1 của năm tiếp theo hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm bảng giá đất sẽ được cập nhật phù hợp với thực tế.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều; lập kỷ lục về nội dung sửa đổi, bổ sung với việc chỉnh lý 250 điều, bỏ 5 điều. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025 trừ khoản 6 Điều 190 và Điều 248 có hiệu lực trong năm nay, và khoản 9 điều 60 có hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết số 61/2022/QH15 hết hiệu lực thi hành.
Nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống
Phát biểu ý kiến tại phiên bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ ngày 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất.
“Đây là thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, từ sớm, từ xa, là bài học kinh nghiệm quý về đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, quyết liệt hành động để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp cũng như các quyết sách khác của QH”, Chủ tịch QH nêu rõ.
Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống. Khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu và kết nối liên thông; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; loại bỏ khâu trung gian, thực hiện phân cấp, phân quyền theo quy định của Luật, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra và kiểm soát quyền lực; giải quyết hiệu quả trên thực tế những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất, thị trường quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản nói chung.
Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào thực thi sẽ có tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội. Ảnh: NAM ANH |
Những kỳ vọng…
Ngay sau khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, đại biểu QH Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) là bộ luật lớn tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, nên quá trình sửa đổi đã làm rất cẩn trọng, từ quá trình soạn thảo của Chính phủ, sau đó trình QH và lấy ý kiến toàn dân. Đặc biệt, do còn nhiều vấn đề cần phải bàn thảo kỹ hơn vấn đề kinh tế đất, về xác định giá và chính sách đền bù nên dự thảo vẫn chưa được thông qua tại kỳ họp thứ 6 QH khóa XV theo kế hoạch.
“Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đủ điều kiện được thông qua và khi có hiệu lực sẽ có tác động thuận lợi bảo vệ quyền lợi của người dân, tạo cơ chế, môi trường cho nhà đầu tư tiếp cận đất đai và cũng là khuôn khổ pháp lý để nhà nước quản lý đất đai một cách chặt chẽ và đi vào thực hiện nề nếp hơn so với trước đây, để có thể thay đổi căn bản, khơi thông các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội”, ông Cường kỳ vọng.
Phân tích cụ thể, theo ông Cường, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của người dân bằng chính sách bồi thường khi đất bị thu hồi đất được xác định giá sát với thị trường. Điều này bảo đảm lợi ích cho người dân, không chỉ có đất để bán mà nếu như đất đai nằm trong dự án bị thu hồi để đầu tư vào các công trình quốc gia, công cộng hoặc để cho các nhà đầu tư phát triển các dự án thì cũng sẽ được bồi thường thỏa đáng.
Tuy vậy, khi bỏ khung giá đất và xác định bảng giá sát thị trường cũng là thách thức đối với Nhà nước, bởi phải bỏ ra nguồn lực nhiều hơn để giải phóng mặt bằng và bồi thường cho người dân. Tuy vậy, sau khi Luật Đất đai được ban hành, QH sẽ tiếp tục xây dựng và ban hành luật thuế về sử dụng đất và thuế tài sản với mục tiêu chính điều tiết quan hệ lợi ích về đất đai, tức là người sử dụng đất nhiều hơn, ở vị trí thuận lợi hơn thì phải có nghĩa vụ trả một phần lợi ích cho Nhà nước thông qua nộp thuế.
Về phía doanh nghiệp, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng có quy định về tiếp cận đất đai một cách minh bạch và bình đẳng hơn, doanh nghiệp không phải dùng những quan hệ xin cho, thân tín mà thông qua đấu thầu, đấu giá để có thể chứng tỏ được năng lực hiệu quả nhằm tiếp cận được nguồn lực. Đặc biệt, dự thảo cũng đã thu hẹp rất nhiều đối tượng thuê đất được trả tiền một lần và quy định doanh nghiệp được trả tiền đất hằng năm và ổn định trong vòng 5 năm. Sau 5 năm sẽ phải trả theo giá mới, nhưng nếu mức tăng quá cao thì mức tăng đấy không quá tổng mức tăng của tổng chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian đó, để bảo đảm chi phí của doanh nghiệp không quá bất thường do biến động giá đất đai gây ra.
Đặc biệt, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã trao quyền định giá đất đai cho các địa phương. Trước lo ngại về việc đẩy những thông tin giả nhằm thổi giá đất lên như thời gian qua, ông Cường cũng cho biết, trong luật cũng quy định trách nhiệm của cơ quan định giá là phải chịu trách nhiệm những thông tin đưa vào định giá đất, nếu những thông tin này không đúng sẽ bị truy tố trước pháp luật. Cùng với đó, sau khi luật có hiệu lực, trong hệ thống quản lý sẽ có các Nghị định hướng dẫn thống nhất từ trên xuống dưới, từ đó tạo ra cơ chế quản lý đất đai một cách hiệu quả.
Theo Nhandan.vn