ĐBQH Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội): Nỗ lực, tâm huyết, hoàn thành công việc đồ sộ
Đợt 1, Kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV đã kết thúc với khối lượng công việc đồ sộ, tính chất công việc vô cùng quan trọng. Để làm được điều đó là cả một sự nỗ lực, tâm huyết, quyết tâm của Ủy ban Thường vụ và Quốc hội, với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, rất nghiêm túc.
Có rất nhiều sự chuyển biến, đổi mới trong kỳ họp này, khiến đại biểu, cử tri cả nước hài lòng, thêm tin tưởng vào hoạt động của Quốc hội. Đặc biệt, tôi ấn tượng với phiên chất vấn lần này, khi đã có sự thay đổi chất vấn theo nhóm lĩnh vực. Phiên chất vấn rất thẳng thắn, trách nhiệm đến cùng để giải quyết các công việc. Các bộ trưởng, trưởng ngành, rồi các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ đã trả lời thấu đáo, trách nhiệm với những vấn đề nêu ra. Đây có thể là kinh nghiệm tốt để chúng ta triển khai chất vấn các lần tới.
Kết quả của đợt 1 trong kỳ họp lần này đã đáp ứng được niềm tin, kỳ vọng của cử tri và người dân cả nước; đồng thời tạo ra tinh thần tốt hơn, tích cực hơn, để tiếp tục hoàn thành khối lượng công việc lớn trong những tháng còn lại của năm 2023, cho cả năm 2024 và cho cả nhiệm kỳ này.
Kinh nghiệm của giai đoạn trước cho thấy, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể họp được Quốc hội, do vậy cần thiết phải tận dụng tối đa kỳ họp để hoàn thành các nhiệm vụ, đáp ứng được yêu cầu, hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Chính vì thế, bên cạnh thời gian họp, chúng ta vẫn phải có thời gian nghỉ giữa hai đợt - có khoảng lặng, thời gian để các cơ quan chuẩn bị các văn bản, dự án luật, tiếp thu giải trình thấu đáo, để có thể đạt chất lượng cao nhất khi Quốc hội thông qua. Kinh nghiệm này rất quý báu và chúng ta cần phải tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang): Mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5% là khả thi
Trong đợt 1, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua một số văn bản, nghị quyết, trong đó có Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, với 15 chỉ tiêu chủ yếu, đặc biệt đã thống nhất mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5%. Xét trên cả 3 trụ cột tăng trưởng là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng đều rất khả quan. Do vậy, tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5% Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi.
Với xuất khẩu, trong thời gian qua gặp khó khăn, nhưng đến cuối năm đã phục hồi rất tốt. Trong thời gian tới, nhu cầu thị trường thế giới tăng, khả năng phục hồi của xuất khẩu là rõ nét. Cùng với đó, nhu cầu của thị trường trong nước có nhiều yếu tố để phục hồi… Đặc biệt sang năm, chúng ta sẽ thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024, sẽ tạo sức cầu lớn và nền kinh tế có cơ sở tăng mạnh. Trong khi đó, kênh đầu tư vẫn tiếp tục được duy trì. Nếu như không có những yếu tố tác động ngược, chúng ta hoàn toàn có thể đạt, thậm chí có thể vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Nghị quyết của Quốc hội đưa ra 12 nhóm giải pháp mang tính tổng thể, căn cơ và rất toàn diện để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. Vấn đề còn lại là ở khâu thực hiện, làm sao thực thi được một cách đồng bộ, toàn diện. Để làm được điều đó, Chính phủ cần tăng cường vai trò kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn để thúc đẩy thực hiện, đặc biệt là đề cao trách nhiệm các cấp, các ngành, người đứng đầu, tăng cường phân cấp phân quyền để giao nhiệm vụ cho cấp dưới chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ…
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Gỡ nút thắt thể chế, thủ tục để khơi thông nguồn lực
Kỳ họp cuối năm này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho năm tới. Để đạt được mục tiêu tăng GDP khoảng 6 - 6,5%, chúng ta cần nỗ lực rất lớn để tận dụng được mọi cơ hội. Trước tiên, cần quyết liệt giải quyết cho được những nút thắt về thể chế để khơi thông nguồn lực. Nếu có cơ chế, thể chế tốt, chúng ta mới khơi thông được nguồn lực đầu tư công; nếu không có những phản ứng, tiếp nhận kịp thời thì các nhà đầu tư có thể đi đầu tư ở nơi khác.
Có thể nói, 12 giải pháp Quốc hội đề ra rất toàn diện, đầy đủ, tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh, nút thắt lớn nhất của Việt Nam vẫn là vấn đề liên quan đến thể chế. Hiện nay vẫn có tình trạng văn bản pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp với tình hình thực tế. Dù biết mâu thuẫn, không phù hợp, nhưng cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng không thể làm khác được, vẫn phải tuân thủ, áp dụng máy móc quy định, không đáp ứng được yêu cầu. Như vậy rất cần phải tháo gỡ thể chế ở mức cao hơn, thống nhất hơn.
Bên cạnh đó, chúng ta phải tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp và tiêu dùng, chẳng hạn như chính sách thuế giá trị gia tăng, cần tiếp tục giãn hoãn và có các chính sách hỗ trợ khác, thực hiện chu kỳ tài khóa ngược để các doanh nghiệp có điều kiện phục hồi. Qua đó, kênh tiêu dùng sẽ tăng lên để phục hồi sản xuất, phục hồi kinh tế. Đồng thời, phải nắm bắt nhanh các cơ hội của thị trường mới, sự thay đổi thị trường để mở rộng kênh tiêu thụ và tái cấu trúc doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương): Giám sát sau chất vấn phải rõ tiến độ, trách nhiệm
“Quốc hội ngày càng đổi mới trong mọi hoạt động, trong đó có hoạt động chất vấn. Để hoạt động chất vấn có hiệu quả, chúng ta phải tăng cường giám sát việc thực hiện các kết luận chất vấn. Do vậy, nhiệm vụ của các vị tư lệnh ngành là phải thực hiện đúng những giải pháp và cam kết trước Quốc hội. Còn đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân cả nước là tiếp tục giám sát việc thực hiện lời hứa trong phiên chất vấn và chuyển động thế nào sau chất vấn. Việc giám sát sau chất vấn tôi muốn là chúng ta phải rõ người, rõ công việc, rõ tiến độ và rõ cả trách nhiệm”.
Theo Tiền phong