Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bất chấp bối cảnh bên ngoài có nhiều bất lợi trong năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025, diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường hàng hóa đã cho thấy những dấu hiệu ổn định so với giai đoạn 2022-2023. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn duy trì ở mức thấp (so với giai đoạn trước COVID-19) là 3,2% với những biến động không đáng kể giữa các khu vực, thương mại thế giới tăng trưởng trở lại sau giai đoạn trì trệ năm 2023, lạm phát tại các nước phát triển tiếp tục chậm lại và tiệm cận mức mục tiêu. Rủi ro nợ đã phần nào hạ nhiệt nhờ việc ECB và FED cắt giảm lãi suất một cách thận trọng. Trên thị trường dầu mỏ và khí đốt, giá trung bình năm thấp hơn mức năm 2023, mặc dù vẫn còn không ít biến động do các yếu tố địa chính trị và các lệnh trừng phạt.
Ở cấp độ doanh nghiệp, khả năng miễn dịch trước biến động đang dần được hình thành, còn tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường ổn định trong bối cảnh các cú sốc vẫn còn hiện hữu là dấu hiệu cho thấy khả năng này tiếp tục được củng cố. Bốn năm sau cú sốc COVID-19 kéo theo cuộc khủng hoảng hậu cần nghiêm trọng và 2 năm sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra - sự bùng phát của các biện pháp trừng phạt và gia tăng “chủ nghĩa liên kết khối” có điều kiện của thế giới và thương mại - đã hình thành các chuỗi cung ứng quốc tế bền vững hơn. Điều này được thể hiện thông qua các kết quả của việc thực hiện các biện pháp đa dạng hóa các nguồn cung và nhà cung cấp, khu vực hóa và friendshoring các thành tố quan trọng của chuỗi sản xuất. Ngoài ra, đã diễn ra “sự bình thường hóa” quá trình thích ứng của các doanh nghiệp trước những cú sốc địa chính trị, trừng phạt và biến đổi khí hậu mới.
1. Tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu và thị trường năm 2024, những tháng đầu năm 2025 và triển vọng cả năm 2025
Nếu như năm 2023 được đánh dấu bằng sự chấm dứt quá trình thích ứng trước những cú sốc của năm 2022, sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19, cũng như sự phân mảnh gia tăng của kinh tế toàn cầu, thì năm 2024 đã có sự ổn định và các xu hướng then chốt được củng cố trong bối cảnh môi trường bên ngoài đầy biến động.
Năm 2025, kinh tế toàn cầu khó có khả năng sẽ chuyển sang một chu kỳ mới. Theo đánh giá của IMF, tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm 2024 duy trì mức thấp năm thứ ba liên tiếp là 3,2% - thấp hơn so với trước đại dịch COVID-19 (bình quân giai đoạn 2000-2019 là 3,8% so với cùng kỳ năm trước). Nguyên nhân là do: (i) Tốc độ tăng trưởng thấp ở EU và Vương quốc Anh bởi tác động của cú sốc năng lượng năm 2021-2022 và chính sách tiền tệ thắt chặt để ứng phó với lạm phát cao. (ii) Sự chuyển đổi của kinh tế Trung Quốc sang quỹ đạo tăng trưởng thấp hơn (5% trong giai đoạn 2023-2024, so với 6-10% trong giai đoạn 2010-2019).
Động lực chính của tăng trưởng toàn cầu vẫn là các nước đang phát triển (tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước), bao gồm đóng góp của Trung Quốc và Ấn Độ là nhiều nhất trong năm 2024. Trong số các nước phát triển (tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước), động lực chủ yếu là kinh tế Mỹ, với tăng trưởng vượt kỳ vọng. Khoảng cách giữa kinh tế Mỹ và Eurozone đang ngày càng gia tăng về mặt cấu trúc (tăng trưởng của Mỹ là 2,8% so với của Eurozone là 0,8%) và xu hướng này sẽ duy trì trong những năm tới, do sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng tiềm năng của các nền kinh tế.
IMF dự kiến trong năm 2025[1] tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm xuống mức 2,8% so với mức 3,3% hồi tháng 1/2025, do các cam kết về thuế quan của ông Trump và nhiều khả năng tăng trưởng của các nền kinh tế riêng lẻ sẽ chậm lại, cụ thể Mexico (-1,7 điểm phần trăm - đpt), Việt Nam (-0,9 đpt), Mỹ (-0,9 đpt.), Trung Quốc (-0,6 đpt)…
Các rủi ro địa chính trị, mở rộng chủ nghĩa bảo hộ và trừng phạt, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt (mặc dù được nới lỏng trong năm 2024) đã tạo áp lực lên hoạt động kinh tế, thương mại và hậu cần toàn cầu. Giá năng lượng thấp hơn một chút so với năm 2023 và lạm phát giảm ở các nước phát triển mang tới một bối cảnh tương đối thuận lợi. Trong năm 2025, nếu mọi thứ khác đều không có gì thay đổi, có thể kỳ vọng lạm phát, lãi suất, chi phí vận chuyển và giá dầu sẽ giảm. Những yếu tố còn lại sẽ tiếp tục nằm trong vùng bất lợi.
Năm 2024, thương mại toàn cầu vẫn chịu áp lực từ các biện pháp bảo hộ, trừng phạt, rủi ro địa chính trị và sự gia tăng “thương mại khối”, những khó khăn về hậu cần. Tuy nhiên, các biện pháp nâng cao tính ổn định của chuỗi cung ứng (đa dạng hóa, nearshoring và friendshoring, tăng dự trữ) được các doanh nghiệp áp dụng những năm trước đã thúc đẩy phục hồi tốc độ tăng trưởng. Thương mại hàng hóa và dịch vụ năm 2024 tăng trưởng 3,4% sau khi chỉ đạt 0,7% hồi năm 2023 - mức tăng trưởng thấp nhất trong 20 năm trở lại đây. Những thay đổi về dự trữ hàng hóa để chuẩn bị cho khả năng gián đoạn nguồn cung do mức thuế quan mới của chính quyền Mỹ, các biện pháp trừng phạt và rủi ro địa chính trị gia tăng đã trở thành một yếu tố tăng trưởng thương mại quan trọng trong ngắn hạn. Xu hướng tăng trưởng nhanh hơn của thương mại dịch vụ (bao gồm cả du lịch) so với thương mại hàng hóa vẫn tiếp tục.
Thương mại hàng hoá tăng tốc trong giai đoạn tháng 12/2024-tháng 02/2025, khi chỉ số PMI ngành công nghiệp tháng 3 lần đầu tiên trong 10 tháng gần đây đã chuyển sang vùng tích cực và thương mại hàng hóa về khối lượng trong tháng 02/2025 cho thấy mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm trở lại đây; kim ngạch xuất khẩu tháng 3/2025 của Trung Quốc tăng trưởng kỷ lục 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sự leo thang của căng thẳng thương mại giữa Mỹ, Trung Quốc, EU và các nước khác tính đến hết tháng 3/2025 lại mang đến hiệu ứng ngược.
Chính sách thuế quan vào hồi đầu tháng 4/2025 của ông Trump được áp dụng theo kịch bản nghiêm trọng hơn dự kiến trước đó. Tính đến ngày cuối tháng 4, giữa Mỹ và Trung Quốc đã áp các mức thuế đối ứng lần lượt là 145% và 125%. Tuy nhiên, có khả năng 2 bên sẽ ký kết thoả thuận do những tác động tiêu cực quy mô rộng về kinh tế tiềm ẩn trên diện rộng. Năm 2025[2], IMF dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ giảm xuống còn 1,7% so với mức 3,2% dự báo hồi tháng 1/2025 do mở rộng chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ - quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế.
Hệ thống logistic toàn cầu chịu tác động của những cú sốc tiêu cực kể từ cuối năm 2023 và trong suốt năm 2024 do suy giảm năng lực của các trung tâm vận tải quan trọng nhất - các kênh đào Suez và Panama (chiếm 13-18% thương mại hàng hải toàn cầu) trong bối cảnh xung đột Palestine-Israel ở Biển Đỏ và những hiện tượng khí hậu bất thường (hạn hán). Bất chấp các cú sốc, nhìn chung hệ thống đã thích nghi thành công, không gây gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung, nhưng cũng làm cho chi phí logistic tăng gấp nhiều lần (chi phí vận chuyển container năm 2024 cao gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước) và kéo dài thời gian giao hàng.
Hoạt động logistic toàn cầu cải thiện trong tháng 3/2025 do chi phí vận chuyển giảm, năng lực cung ứng dịch vụ vận chuyển cải thiện và nhu cầu hạ nhiệt. Theo đó, chỉ số GCSPI[3] cao hơn một chút so với mức trung bình năm 2024 (-0,18 so với -0,28), nhưng giảm so với tháng trước. Căng thẳng ở Biển Đỏ vẫn duy trì và nâng lực của kênh đào Panama vẫn còn chưa phục hồi hoàn (lượng hàng vận chuyển qua đây trong tháng 1 thấp hơn 10% so với trung bình giai đoạn 2019-2022). Giá vận chuyển container (World Container Index) đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp và ở mức 2,2 nghìn USD - giá trị thấp nhất kể từ tháng 1/2024, thấp hơn gần một nửa so với mức trung bình năm 2024 (4 nghìn USD). Những tháng còn lại của năm 2025, hoạt động logistic toàn cầu sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ rủi ro địa chính trị, chính sách thuế quan bất định, nhưng chi phí có thể giảm nhờ duy trì việc mở rộng năng lực vận chuyển thương mại và nhu cầu thuê tàu hạ nhiệt.
Thị trường dầu mỏ và khí đốt vẫn bị phân mảnh do các biện pháp trừng phạt chống Nga và EU chuyển sang sử dụng LNG đắt tiền hơn để thay thế khí đốt nhập khẩu từ Nga. Điều này gây ra tổn thất cho Nga và EU, đồng thời cũng cho thấy tính nhạy cảm cao của giá đối với sự gián đoạn nguồn cung từ một số khu vực. Năm 2024, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu chậm lại và nguồn cung mở rộng từ các nước không thuộc OPEC+, mức độ biến động về giá trên thị trường dầu mỏ thấp hơn so với giai đoạn 2022-2023 và giá dầu Brent bình quân năm giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá dầu Urals của Nga đã tăng lên trong bối cảnh các doanh nghiệp thích ứng với các biện pháp trừng phạt, và mức chiết khấu là ít nhất vào đầu năm 2022.
Trong quý I/2025, giá dầu Brent duy trì ở mức gần 75USD/thùng, nhưng giảm mạnh xuống 58,4 đô la/thùng (mức thấp nhất trong 4 năm qua) vào tháng 4 khi trước những quan ngại ngày càng tăng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy thoái và nhu cầu dầu mỏ giảm, cũng như chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Bất chấp những rủi ro nay, OPEC+ có kế hoạch tăng sản lượng thêm 400 nghìn thùng/ngày từ tháng 5 nhằm mục đích để duy trì thị phần. Dự kiến trong năm 2025, thị trường sẽ chuyển sang thặng dư, còn giá dầu Brent sẽ tiếp tục giảm (dự báo giảm 7% so với cùng kỳ năm trước nếu các yếu tố khác không biến động). Thị trường vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi các rủi ro địa chính trị, các biện pháp trừng phạt và chính sách thuế đối ứng của ông Trump mà có thể sẽ là yếu tố quyết định nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.
Nhu cầu về khí đốt tiếp tục tăng nhanh hơn nhu cầu về dầu mỏ. Sự bất ổn trên thị trường khí đốt do rủi ro chính trị và địa chính trị vẫn tiếp diễn, nhưng giá bình quân năm 2024 vẫn thấp hơn 16% so với năm 2023. Năm 2024, những vấn đề mang tính kỹ thuật tại các cơ sở hạ tầng khí đốt và nhiệt độ mùa hè cao kỷ lục làm tăng thêm tính biến động. Hơn nữa, sự chậm trễ trong việc đưa vào vận hành các nhà máy sản xuất khí LNG mới làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Bước sang năm 2025, giá khí đốt ở châu Âu đã giảm (giảm 30% trong tháng 4/2025 so với tháng 12/2024) do sự bất định từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ và việc EU hoàn thiện lộ trình từ bỏ sự phụ thuộc và nguồn năng lượng của Nga. Tuy nhiên, dự kiến những tháng còn lại của năm 2025 nhu cầu về khí đốt thiên nhiên vào mùa lạnh vẫn tiếp tục tăng dù chậm hơn dự kiến trước đó (tăng khoảng 18%). Dự báo kim ngạch LNG toàn cầu năm 2025 sẽ tăng khoảng 5%, với 85% đóng góp của khu vực Bắc Mỹ nhờ các nhà máy mới được đưa vào hoạt động.
Sau giai đoạn chính sách tiền tệ thắt chặt vào năm 2022-2023, chu kỳ cắt giảm lãi suất đã bắt đầu trong năm 2024 tại hầu hết các nước phát triển, trong bối cảnh lạm phát chậm lại và cần thiết kích thích tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ là ngân hàng đầu tiên hạ lãi suất (vào tháng 3), tiếp theo là ECB (từ tháng 5) và FED (từ tháng 9). Tại Nhật Bản, BOJ đã bỏ lãi suất âm và lần đầu tiên kể từ năm 2007 nâng lãi suất từ -0,1% lên mức 0,5% do lạm phát liên tục tăng. Nhìn chung, trong trung hạn lãi suất của các ngân hàng trung ương tại các nước phát triển có khả năng sẽ duy trì ở mức cao hơn so với giai đoạn trước năm 2022. Ngân hàng Trung ương Nga đã nâng lãi suất lên mức kỷ lục 21% trước bối cảnh áp lực lạm phát cao và tình trạng thiếu lao động. Trong 3 tháng đầu năm 2025, FED giữ nguyên lãi suất ở mức 4,25-4,50% dù tốc độ tăng trưởng tiền lương danh nghĩa và lạm phát chậm lại (3,54% và 2,4% tương ứng) và dự kiến sẽ duy trì mức này do các yếu tố tác động đến lạm phát bởi chính sách thuế đối ứng. ECB đã hai lần cắt giảm lãi suất (25 điểm/lần trong tháng 3 và tháng 4) trong bối cảnh lạm phát và lạm phát lõi giảm xuống còn 2,2% và 2,4% tương ứng do nhóm hàng năng lượng và dịch vụ tăng chậm lại. Dự kiến ECB sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong tháng 6, lạm phát nhóm dịch vụ tiếp tục giảm do nhu cầu yếu và tăng trưởng tiền lương chậm lại dù lạm phát tăng đối với nhóm hàng nông sản, thực phẩm và công nghiệp do chính sách thuế đối ứng của Mỹ và các biện pháp đáp trả EU. PBOC giữ nguyên lãi suất để hỗ trợ đồng nội tệ trong bối cảnh xấu đi của cuộc thương chiến với Mỹ và bất chấp xu hướng giảm phát. Quyết định tiếp theo về việc nới lỏng chính sách tiền tệ phần nhiều sẽ phụ thuộc vào tình hình thương mại quốc tế.
Gánh nặng nợ toàn cầu đang gia tăng - IMF đánh giá nợ công toàn cầu đạt 100 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2024 (tương đương 93% GDP toàn cầu) và sẽ tiếp tục tăng. Những động lực chủ yếu - Mỹ, các nước phát triển khác và cả Trung Quốc. Trong khi đó, các nước đang phát triển phải đối mặt với vấn đề chi phí trả nợ tăng cao (tỷ lệ chi phí trả nợ so với thu ngân sách nhà nước của một nửa các quốc gia này vượt quá mức 8%). Trong 4 tháng đầu năm 2025, tình hình nợ của các nước phát triển và đang phát triển khá đa dạng. Tại Mỹ, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm và 10 năm duy trì ở mức lần lượt là 3,81% và 4,34% do sự bất định trong chính sách tiền tệ của FED. Trần nợ công theo kế hoạch ở mức 36,1 nghìn tỷ USD đã được áp dụng trở lại từ đầu năm 2025 khiến hoạt động vay nợ của Mỹ lần đầu tiên bị chấm dứt kể từ khi mức trần nợ công bị bãi bỏ vào tháng 5/2023,. Bất chấp việc ECB cắt giảm lãi suất, lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường nợ công châu Âu tăng đột ngột do dự báo tăng trưởng kinh tế EU xấu đi và áp lực thuế đối ứng từ phía Mỹ.
2. Các xu hướng và rủi ro lớn của kinh tế thế giới
Các biện pháp trừng phạt và chủ nghĩa bảo hộ tiếp tục mở rộng trong năm 2024, phản ánh sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các nền kinh tế lớn và nỗ lực nâng cao tính tự chủ về công nghệ. Các hàng hóa mới thuộc diện hạn chế nhập khẩu tăng 2,6 lần so với cùng kỳ (lên 887,6 tỷ USD) và chiếm tỷ trọng kỷ lục là 11,8%. Theo ước tính, tỷ lệ này có thể lên đến 16% vào năm 2025 trong bối cảnh chính sách thuế quan của Mỹ diễn biến phức tạp.
Thế giới đang trải qua một làn sóng chính sách công nghiệp mới, được thể hiện qua việc tích cực áp dụng trợ cấp cho các ngành công nghiệp công nghệ cao tối quan trọng và triển vọng. Đồng thời, Mỹ và EU đang gia tăng sức ép bằng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác. Trong khi đó, WTO vẫn “bàng quan” trước bối cảnh khi Mỹ tiếp tục cản trở việc bầu chọn thành viên mới của cơ quan giải quyết tranh chấp.
Từ năm 2025, căn cứ chính sách của chính quyền Trump, quan hệ thương mại có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn theo hướng mới - ngay nội bộ các nước phương Tây (Mỹ-Canada, Mỹ-EU). Điều này có khả năng dẫn đến việc EU giảm nhẹ chính sách thuế quan đối với Trung Quốc và Nga.
Việc mở rộng các hạn chế thương mại, các biện pháp trừng phạt trực tiếp và thứ cấp, cũng như sự hình thành làn sóng chính sách công nghiệp mới ở các nước lớn trong những năm gần đây đang thúc đẩy các xu hướng friendshoring và nearshoring trong số các doanh nghiệp đa quốc gia mà duy trì trong năm 2024 và tăng thêm sự phân mảnh thương mại thế giới và chuỗi giá trị toàn cầu: Giữa các quốc gia thân thiện về địa chính trị, thương mại song phương tăng bình quân nhanh hơn 4% mỗi năm so với các quốc gia ít thân thiện hơn. Bất đồng thương mại tiếp tục giữa Trung Quốc và Mỹ (tỷ trọng hàng hoá Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ giảm từ 21,8% năm 2015 xuống còn 13,7% trong 9 tháng đầu năm 2024, trong khi tỷ trọng của Mexico tăng lên thành 15,4%), giữa Nga và EU, cũng như việc tiếp tục củng cố vai trò trung lập của các nước có vị trí là trung tâm kết nối thương mại và tài chính như - Mexico, Việt Nam, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, v.v. Dự kiến trong năm 2025 và những năm tiếp theo, sự phân mảnh và “liên kết khối” trong hoạt động thương mại sẽ vẫn tiếp diễn, nhưng các nước trung tâm kết nối sẽ ngày càng khó khăn hơn trong việc duy trì được sự cân bằng trung lập.
Đồng thời, vai trò của các nền kinh tế đang phát triển ngày càng được củng cố trên thế giới do các hiệp định thương mại, đầu tư… phát triển và mở rộng. Cụ thể, thêm 5 nước gia nhập BRICS trong năm 2024 và khối này đã khẳng định được vị thế là một diễn đàn trao đổi, thảo luận toàn cầu của mình.
Tạm thời khó đánh giá được toàn bộ tác động từ các chính sách của Mỹ do chưa được công bố đầy đủ, phản ứng của các đối tác thương mại vẫn chưa rõ ràng và đương nhiên các chính sách cũng sẽ được điều chỉnh. Theo kịch bản cơ sở, dự kiến việc tăng mạnh thuế quan đối với các đối tác thương mại quan trọng sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát tại Mỹ, lãi suất duy trì ở mức cao và đồng USD mạnh lên, đồng thời tạo thêm gánh nặng tài chính và nợ cho Mỹ ít nhất là trong năm 2025, kéo theo triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ khá tiêu cực. Các chính sách thuế quan mới và những biện pháp thắt chặt quản lý nhập cư có thể làm giảm hiệu quả kinh tế và tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Mỹ, cũng như tác động trực tiếp đến kinh tế Mexico, Canada và Trung Quốc. Trên bình diện thế giới, những chính sách nêu trên sẽ gây tổn thất về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu dưới hình thức xuất khẩu lạm phát do đồng USD mạnh lên và chi phí vay nước ngoài cao hơn so với dự kiến trước đây.
Mức độ bất định cao, căng thẳng địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ và khu vực hóa gia tăng, niềm tin vào đồng USD suy giảm và các yếu tố khác trong năm 2024 đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình phi đô la hóa[4] và phi ngoại tệ hóa kinh tế toàn cầu (mở rộng các hoạt động thanh toán quốc tế bằng đồng nội tệ), cũng như nhu cầu tích luỹ vàng ở mức cao (gấp 2 lần so với mức năm 2021). Bên cạnh đó, phe ủng hộ chính chiến lược này vẫn là các nước đang phát triển, chủ yếu là các nước trong khối BRICS mở rộng.
3. Các xu hướng công nghệ và những ngành triển vọng
Sự phát triển của các ngành công nghiệp như bán dẫn và vi mạch điện tử, trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất pin và động cơ điện (bao gồm động cơ cho ôtô và các phương tiện khác), cũng như khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên quan trọng (bao gồm kim loại và khoáng sản quan trọng), những công nghệ năng lượng tái tạo, các giải pháp CNTT và an ninh mạng đang trở thành nền tảng chủ đạo cho phát triển kinh tế của các nước. Trong những ngành này sẽ tiếp tục diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt thời gian tới.
Tác động mạnh mẽ hơn của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với sự phát triển của gần như tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và đối với thị trường tài chính sẽ tiếp tục. Việc mở rộng sử dụng AI và đẩy mạnh đầu tư dẫn đến cạnh tranh quốc tế gia tăng trong lĩnh vực này, cũng như tầm quan trọng của các vấn đề an toàn thông tin ngày càng rõ rệt (dẫn đến sự thắt chặt hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này). Sự phát triển của các ngành công nghiệp công nghệ cao tiếp tục làm tăng nhu cầu của thế giới đối với các kim loại và khoáng chất quan trọng, bao gồm nhưng kim loại đất hiếm (REM) với mức tiêu thụ dự kiến sẽ tăng từ 15-20 tỷ USD hiện nay lên thành 46 tỷ USD vào năm 2035. REM đang dần trở thành đòn bẩy ảnh hưởng địa chính trị và kinh tế quan trọng đối của Trung Quốc để ứng phó trước áp lực bên ngoài từ phía các nước phát triển (do Trung Quốc chiếm khoảng 70% sản lượng REM và hơn 90% sản lượng chế biến toàn cầu).
Ngành công nghiệp bán dẫn thế giới sẽ tiếp tục phát triển nhanh và nhu cầu đối với các sản phẩm của ngành này sẽ tăng lên, nhờ sự phát triển của AI, xe ôtô tự hành và Internet vạn vật. Điều này sẽ kéo theo dòng vốn đầu tư vào ngành công nghiệp này tăng gấp 3 lần (lên 2,3 nghìn tỷ đô la) đến năm 2032 và thay đổi cơ cấu sản xuất toàn cầu. Các quốc gia hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan - đang ở trung tâm của cuộc chiến giành vị trí dẫn đầu về công nghệ, và ngành này sẽ tiếp tục phân rã dưới áp lực của các biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại.
Thị phần xe điện (EV) đang tăng mạnh trên thị trường xe ôtô, và Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong quá trình chuyển đổi này - xét về cả sản lượng tiêu thụ và công nghệ khi bỏ xa các đối thủ cạnh tranh từ Mỹ và EU. Năm 2024, doanh số bán xe EV trên toàn thế giới tiếp tục tăng trưởng với mức hai con số là 25% và vị thế dẫn đầu công nghệ của Trung Quốc được củng cố. Ngành này đang chịu sự cạnh tranh gay gắt và áp lực bảo hộ từ các nước phương Tây khi áp dụng mức thuế 35% và 100% tương ứng cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào EU và Mỹ. Nếu những hạn chế này vẫn duy trì, dòng chảy thương mại sẽ bị phân rã và nơi tiêu thụ chủ yếu các sản phẩm của ngành công nghiệp sản xuất ôtô Trung Quốc trong năm 2025 sẽ là thị trường nội địa. Sự hợp tác chặt chẽ hơn với ngành CNTT và sự hội nhập của các doanh nghiệp CNTT vào ngành công nghiệp này đang được kỳ vọng.
Sự chuyển đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu và các cuộc khủng hoảng mang tính cục bộ trên thị trường năng lượng tiếp tục trở thành động lực phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo trên thế giới. Trong bối cảnh này, Trung Quốc khẳng định vị thế là nhà cung cấp lớn nhất tấm pin mặt trời và máy phát điện gió, khi trở thành quốc gia dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Chính sách chống biến đổi khí hậu vẫn là một vấn đề phức tạp trong quan hệ quốc tế: việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris, sự yếu kém của các thể chế quốc tế, tính khiêm tốn của cơ chế tài chính quốc tế và sự phối hợp của các nước ở Bắc và Nam Bán cầu kìm hãm tốc độ chuyển đổi năng lượng cần thiết để hiện thực hoá các mục tiêu về kiểm soát nhiệt độ nêu trong Thỏa thuận Paris./.
[1] Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 4/2025 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
[2] Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 4/2025 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
[3] Chỉ số gián đoạn cung ứng.
[4] Tỷ lệ USD trong dự trữ quốc tế đạt mức tối thiểu lịch sử là 57,4% trong quý III/2024.
Nguyễn Quang Huy
Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp,
Ban Chính sách, chiến lược TW