Tham dự có các đồng chí Lãnh đạo các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành thuộc tiểu vùng Nam Trung Bộ; một số thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án; một số chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp; các cơ quan truyền thông, báo chí, đài phát thanh và truyền hình Trung ương và địa phương.
Đồng chí Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh thành, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là vùng chịu ảnh hưởng tàn phá nặng nề từ chiến tranh, của thiên tai bão lụt nên mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng trong quá trình xây dựng và phát triển, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém. Vì vậy, ngày 16/8/2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 (Nghị quyết 39-NQ/TW). Sau đó, ngày 02/8/2012, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 25-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW
Nghị quyết 39-NQ/TW đã khẳng định: Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là vùng có tiềm năng về nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản, nghề muối, cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, phát triển rừng; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, thủy điện, vật liệu xây dựng; nhiều lợi thế trong trung chuyển hàng hóa, dịch vụ cho các nước tiểu vùng sông Mê kông và quốc tế bằng đường sắt, đường hàng không, đường bộ, đường biển; nhiều tiềm năng lớn về du lịch; nhiều di tích lịch sử và văn hóa quan trọng; nhân dân có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, lao động cần cù, sáng tạo, hiếu học; có nền văn hóa phong phú, đa dạng do nhiều dân tộc cùng sinh sống trong vùng tạo ra.
Mục tiêu của Nghị quyết 39-NQ/TW: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ sớm tiến kịp các vùng khác trong cả nước và trở thành một đầu cầu lớn của cả nước trong giao lưu, hợp tác quốc tế’ cả thiện căn bản đời sống vật chấ, văn hóa, tinh thần của nhân dân trong vùng; hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Đồng chí Bí thư Tỉnh tủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại tọa đàm
Về định hướng tổ chức không gian phát triển: Căn cứ vào điều kiện tự nhiên và kinh tế, xã hội và nhằm định hướng phát triển phù hợp với tiềm năng, lơi thế tạo hiệu ứng phát triển cho cả vùng, Nghị quyết 39-NQ/TW và Quy hoạch của Chính phủ chia Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ thành 03 tiểu vùng và gồm: (i) Tiểu vùng Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận); (ii) tiểu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); (iii) tiểu vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị).
Tiểu vùng Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) có diện tích khoảng 21.523,4 km2; dân số khoảng 3,95 triệu, chiếm khoảng gần 4% dân số cả nước, mật độ dân số khoảng 186 người/km2. Tiểu vùng có ý nghĩa chiến lược về an ninh quốc phòng với quần đảo Trường Sa và thềm lục địa rộng lớn; có nhiều eo, cửa sông, vũng, vịnh thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, du lịch, vận tải với kết cấu hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi gồm 02 sân bay, một số cảng, đường sắt, đường bộ Bắc - Nam đi qua, gần TP Hồ Chí Minh và là của ngõ của Tây Nguyên ra biển Đông. Tiểu vùng Nam Trung bộ có điều kiện phát triển các Khu Kinh tế biển như Vân Phong, Nam Phú Yên… gắn với phát triển công nghiệp cơ khí đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng, khí cụ điện, công nghiệp chế biến nông sản, thủy hải sản, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, dệt, đường và các ngành công nghiệp nhẹ khác; phát triển khai thác hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm sú; có điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ thống các âu thuyền và cầu tàu ở các vùng cửa sông và đảo nhỏ ven bờ; là khu vực có thế mạnh về du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa dân tộc gắn với phát triển các đô thị ven biển như thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), thành phố Phan Thiết (Bình Thuận)…
Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tiểu vùng Nam Trung bộ đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành các kế hoạch, chương trình, đề án và đã hoàn thành được nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tiểu vùng đã nhiều thay đổi; tư duy về phát triển vùng, tiểu vùng có nhiểu đổi mới; một số tiềm năng, lợi thế của tiểu vùng từng bước được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả…
Đoàn chủ tọa của tọa đàm
Tuy nhiên kinh tế - xã hội của một số địa phương trong tiểu vùng vẫn còn những khó khăn; 3/4 địa phương trong tiểu vùng còn chưa tự cân đối được ngân sách; quy mô nền kinh tế tiểu vùng còn nhỏ và dễ bị tổn thương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, chưa có sự đột phá; tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn khá lớn; các ngành thâm dụng lao động và giá trị gia tăng cao chưa có tỷ trọng lớn và chưa giữ được vai trò chủ đạo. Quá trình phát triển đã xuất hiện tình trạng xung đột lợi ích giữa các địa phương, lợi ích giữa từng địa phương với lợi ích tiểu vùng, toàn Vùng. Liên kết Vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động; thiếu vai trò “Nhạc trưởng” định hướng, dẫn dắt của Nhà nước, lợi thế quy mô nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy.
Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc tổng kết các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh các vùng kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW (Nghị quyết số 39-NQ/TW và Kết luận số 25-KL/TW).
Để triển khai Đề án, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với 20 ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương và thường trực tỉnh ủy, thành ủy của 14 địa phương trong vùng để thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Kế hoạch số 81-KH/BKTTW, ngày 16/5/2022 phục vụ việc tổng kết; trong đó có tổ chức một số Hội thảo, Tọa đàm nhằm củng cố các luận cứ khoa học và thực tiễn, giúp Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng chí Trần Duy Đông, Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tham luận
Tọa đàm "Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới" nhằm đánh giá thực trạng liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ thời gian qua và thảo luận để tìm ra những giải pháp liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong thời gian tới, phù hợp với thực trạng phát triển các địa phương trong tiểu vùng và bối cảnh, tình hình mới. Tọa đàm nhằm trao đổi, thảo luận về các giải pháp nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt của tiểu vùng, cả vùng; đề xuất các cơ chế chính sách nhằm khai thông và bổ sung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tiểu vùng Nam Trung bộ nói riêng và vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung.
Phát biểu khai mạc tại tọa đàm, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết nhấn mạnh, Tọa đàm “Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới" hôm nay là 01 phần trong Kế hoạch đề ra của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW. Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn, giúp Ban Chỉ đạo hoàn thiện Đề án và đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế- xã hội vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung và tiểu vùng Nam Trung Bộ nói riêng đảm bảo phù hợp với bối cảnh tình hình mới, đặc biệt là các giải pháp nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt của vùng, cả vùng; đề xuất các cơ chế chính sách nhằm khai thông và bổ sung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tiểu vùng Nam Trung bộ nói riêng và vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung.
Đồng chí đề nghị lãnh đạo các Bộ ngành, đại diện lãnh đạo các địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận vào một số nội dung chính như:
Thứ nhất, làm rõ được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong tiểu vùng và cả vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, đề xuất được định hướng lớn về vai trò, chức năng và nhiệm vụ chính của từng địa phương trong tiểu vùng Nam Trung bộ. Từ đó, đề xuất Ban Chỉ đạo những giải pháp về quy hoạch và tổ chức không gian tiểu vùng Nam Trung bộ trong mối quan hệ với cả vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, để tiểu vùng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và khai thác hiệu quả lợi thế đặc thù của các địa phương trong tiểu vùng và tăng cường liên kết các địa phương trong tiểu vùng Nam Trung bộ; đặc biệt là liên kết phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển và phát triển đô thị.
Quang cảnh tọa đàm
Thứ hai, làm sâu sắc kết quả, thuận lợi và khó khăn trong thực tiễn liên kết phát triển kinh tế tiểu vùng Nam Trung bộ trong thời gian qua. Từ đó, đề xuất được những định hướng liên kết đối với các ngành, lĩnh vực của tiểu vùng Nam Trung bộ đảm bảo phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ tại Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2030; là căn cứ để các địa phương định hướng liên kết và đưa vào Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội các địa phương giai đoạn 2021-2030.
Thứ ba, làm rõ hơn về xu hướng tất yếu và lợi ích của các địa phương khi tăng cường liên kết phát triển tiểu vùng, nhất là trong bối cảnh nhiều xu thế kinh tế mới, nhiều thách thức mới xuất hiện như dịch bệnh Covid19, chính sách bảo hộ thương mại, biến đổi khí hậu. Từ đó giúp các Bộ ngành và cấp ủy các địa phương tiếp tục thay đổi tư duy, nhận thức và hành động nhằm tăng cường liên kết vùng, tiểu vùng nhất là trong đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội, mở rộng các vùng nguyên liệu, chuỗi sản xuất, tận dụng lợi thế người đi sau trong phối hợp ứng dụng các thành quả của khoa học-công nghệ, cách mạng 4.0 và dám hy sinh các lợi ích cục bộ, đơn lẻ của địa phương mình vì lợi ích chung của tiểu vùng, vùng
Thứ tư, phân tích, đánh giá các kinh nghiệm, mô hình quốc tế về liên kết phát triển vùng để vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp vào phát triển tiểu vùng Nam Trung bộ và vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, đặc biệt là về thể chế, chính sách và mô hình quản lý, bộ máy. Từ đó, cung cấp cho Ban Chỉ đạo những luận cứ khoa học và thực tiễn để tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách, nguồn lực đặc thù thúc đẩy liên kết tiểu vùng và liên kết vùng nhằm khơi thông nguồn lực, giải quyết các khó khăn, thách thức và tận dụng hiệu quả các lợi thế riệng có của từng địa phương trong tiểu vùng Nam Trung bộ.
Thứ năm, tập trung làm rõ về thuận lợi, khó khăn, các vấn đề đặt ra trong liên kết tiểu vùng về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, phát triển đô thị; liên kết khai thác hải sản xa bờ, phát triển nuôi trồng thủy sản công nghiệp; đầu tư xây dựng hệ thống các âu thuyền và cầu tàu; phát triển dịch vụ hỗ trợ nghề cá kết hợp với bảo vệ an ninh trên biển; phát triển các khu kinh tế biển gắn với phát triển công nghiệp biển và du lịch... Từ đó, đề xuất Ban Chỉ đạo tham mưu các giải pháp thúc đẩy liên kết tiểu vùng, nâng cao hiệu quả hoạt động của tiểu vùng, các khu công nghiệp, khu kinh tế biển, khu du lịch gắn với đô thị hóa và xây dựng các hành lang kinh tế, tăng cường liên kết nội vùng và thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Tham luận và những nội dung phát biểu tại phiên đối thoại của Tọa đàm được đánh giá là sâu sắc, chất lượng, toàn diện và có tính thực tiễn cao. Các ý kiến tập trung, bám sát các nội dung của Nghị quyết 39-NQ/TW và hướng tới một cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết phát triển tiểu vùng và các vùng kinh tế - xã hội. Ban Biên tập sẽ tiếp tục giới thiệu một số ý kiến của đại diện các bộ ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học trong những bài tiếp theo.
Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế