Ông Teng Wei Hong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH VSIP Nghệ An đã báo cáo giới thiệu tổng quan về Dự án Khu Liên hợp Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ VSIP Nghệ An; định hướng phát triển VSIP Nghệ An những năm tới.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An
chủ trì buổi làm việc
Tính đến tháng 11/2022, Khu công nghiệp VSIP Nghệ An đã có 37 nhà đầu tư thuê đất với diện tích 227,44ha/tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê 263,23 ha (tỷ lệ lấp đầy 86,4%); 32 dự án được cấp phép đầu tư (23 dự án đã đi vào hoạt động; 4 dự án đang xây dựng, các dự án còn lại đang làm thủ tục), tổng vốn đầu tư đăng ký 17.118 tỷ đồng (tương đương 743,6 triệu USD), có 18 nhà đầu tư nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký 681,06 triệu USD từ các quốc gia, vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Hồng Koong, Đài Loan, Thụy Điển; hiện có 13.574 lao động đang làm việc tại khu công nghiệp (KCN).
Hiện nay, trong Khu công nghiệp VSIP Nghệ An đã có một số tập đoàn sản xuất sản phẩm điện tử, thiết bị thông minh đã và đang đầu tư.
Đoàn khảo sát nghe Lãnh đạo Công ty TNHH VSIP Nghệ An giới thiệu về Khu Liên hợp công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn ghi nhận những ý kiến, đề xuất của VSIP Nghệ An, khẳng định sẽ nghiên cứu và báo cáo các cấp có thẩm quyền, đồng thời cũng đề nghị VSIP Nghệ An quan tâm phối hợp với tỉnh Nghệ An và các cơ quan liên quan để đầu tư hoặc giới thiệu, hợp tác đầu tư, nhất là đào tạo nguồn nhân lực cho Nghệ An…
Làm việc với Công ty Cổ phần WHA Industrial Zone Nghệ An, Đoàn công tác nghe bà Nguyễn Thị Bích Liên, Tổng Giám đốc Công ty và Lãnh đạo của Tập đoàn báo cáo về tình hình xây dựng và thu hút các dự án vào KCN; định hướng, kế hoạch phát triển thời gian tới. Tập đoàn WHA là nhà phát triển trong lĩnh vực logistics, phát triển hạ tầng KCN và các giải pháp tiện ích công nghiệp Thái Lan với quy mô tổng tài sản 4,7 tỷ USD. Tập đoàn mở rộng hoạt động kinh doanh ở quốc gia chiến lược là Việt Nam kể từ năm 2017, trong đó có Nghệ An.
Đồng chí Lê Tiến Trị, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam phát biểu tại buổi khảo sát
Làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Đoàn công tác nghe đồng chí Lê Tiến Trị, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam báo cáo về thực trạng phát triển Khu kinh tế Đông Nam gắn với đẩy mạnh liên kết phát triển vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; kết quả xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam, các KCN tỉnh Nghệ An đến năm 2022; nhiệm vụ năm 2023 và giai đoạn 2023-2025.
Quang cảnh buổi làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An
Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 85/QĐ-TTg ngày 11/6/2007. Những năm qua, được sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, công tác phát triển Khu kinh tế Đông Nam, các KCN Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Tổng Giám đốc CTY CP WHA Industrial Zone Nghệ An báo cáo Đoàn công tác
Sau 15 năm xây dựng và phát triển, trong bối cảnh thời cơ và thách thức đan xen nhưng đến nay, Khu kinh tế Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước khẳng định vị trí, vai trò động lực chính trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của tỉnh, nổi bật trên một số mặt như:
Bổ sung Dự án KCN, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An (750ha) và 1.200ha KCN Hoàng Mai, Đông Hồi vào Khu kinh tế Đông Nam để các KCN này được hưởng chính sách của khu kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Quang cảnh buổi làm việc với Công ty Cổ phần WHA Nghệ An.
Cơ bản hoàn thành việc lập quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng, KCN theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam, quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Nghệ An đã được Thủ tướng phê duyệt.
Hệ thống hạ tầng thiết yếu Khu kinh tế Đông Nam được đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết nối với các tuyến đường giao thông quốc gia và cảng Cửa Lò, bước đầu đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu hang hóa, nguyên vật liệu phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Đã thu hút một số dự án có quy mô lớn của các tập đoàn, công ty trong nước và quốc tế, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế tang tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu NSNN và giải quyết việc làm. Đặc biệt giai đoạn từ 2019 đến nay, đã có một số tập đoàn FDI trong lĩnh vực công nghệ, từng bước hifnht hành trung tâm sản xuất sản phẩm điện tử, thiết bị công nghệ thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu tại khu vực Bắc Trung Bộ…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian qua của Khu kinh tế Đông Nam, chia sẻ về những khó khăn, bất cập, hạn chế trong quá trình xây dựng và phát triển Khu kinh tế, KCN.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn cũng đề nghị Ban Quản lý làm rõ vai trò động lực của Khu kinh tế Đông Nam từ nay đến năm 2030 và đưa ra các giải pháp để phát triển đến năm 2030, cụ thể như: Mô hình phát triển bền vững, dựa vào các khu công nghệ cao; phạm vi hoạt động; tổ chức bộ máy; thể chế, cơ chế chính sách phát triển cho Khu kinh tế; nguồn lực đầu tư cho Khu kinh tế; phát triển cơ sở hạ tầng... Đồng thời cũng có các kiến nghị cụ thể hơn đối với Trung ương để sớm có những giải pháp tích cực, phù hợp, góp phần thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương cũng như Nghị quyết của tỉnh.
Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế