Tham gia đoàn công tác có các đồng chí thành viên Tổ Biên tập là lãnh đạo, chuyên viên các cục, vụ của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về phía địa phương, tiếp và làm việc với đoàn công tác có đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh uỷ viên và lãnh đạo các ban, sở, ngành của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Tổ Trưởng Tổ Biên tập phát biểu đề dẫn nội dung buổi làm việc. Ảnh: Vụ Kinh tế tổng hợp
Phát biểu đề dẫn nội dung buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ, ngày 15/01/2019, Bộ Chính trị khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; hiện nay, đã đến thời điểm sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết. Ban Kinh tế Trung ương đã thành lập Tổ Biên tập xây dựng Đề án sơ kết, ban hành Kế hoạch sơ kết, Kế hoạch khảo sát và Ban cũng đã nhận được đầy đủ báo cáo của các tỉnh uỷ, thành uỷ; ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương. Theo kế hoạch, Đề án sẽ được trình Bộ Chính trị vào giữa tháng 11/2024.
Để có thêm luận cứ thực tiễn nhằm hoàn thiện báo cáo sơ kết Nghị quyết 39, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức buổi làm việc với một số địa phương, trong đó có Phú Yên. Đồng chí Trưởng Đoàn công tác gợi ý một số nhóm vấn đề muốn lắng nghe thêm từ phía tỉnh Phú Yên tập trung vào những thuận lợi, khó khăn, nhất là những vấn đề vướng mắc, các điểm nghẽn, nút thắt lớn trong thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết 39 của Phú Yên về quản lý, sử dụng, khai thác và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Các kiến nghị, đề xuất về những nội dung trọng tâm trong dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị đối với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết này trong thời gian tới.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Vụ Kinh tế tổng hợp
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Phú Yên, đồng chí Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đã báo cáo tóm tắt kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị khoá XII trên địa bàn Phú Yên. Theo đó, trong gần 5 năm thực hiện chủ trương của Đảng nói chung về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế và Nghị quyết 39 nói riêng đến nay đã đạt được một số kết quả. Các nguồn lực của nền kinh tế được khai thác, sử dụng có hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giai đoạn 2019-2023 bình quân đạt 5,6%/năm; cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đối với phát triển nguồn nhân lực, công tác đào tạo nghề theo hướng tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng. Đối với nguồn vật lực, Tỉnh đã thực hiện có hiệu quả quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản; cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tỷ lệ che phủ rừng và chất lượng rừng liên tục tăng qua các năm... Công tác quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện sắp xếp, tổ chức lại, tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập đạt kết quả tốt. Mặc dù vậy, quy mô nền kinh tế của Phú Yên vẫn còn nhỏ, chưa có nhiều dự án sản xuất, kinh doanh quy mô lớn; tích lũy nội bộ của nền kinh tế còn ở mức thấp. Nhiều dự án đã được cấp phép nhưng còn vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ. Nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng kinh tế trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu trong khi huy động theo hình thức xã hội hóa còn hạn chế.
Đ/c Lê Tấn Hổ đọc báo cáo tóm tắt
Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Đoàn công tác và các đồng chí trong Đoàn công tác đã đặt ra một số câu hỏi đối với tỉnh Phú Yên. Đại diện các sở, ngành của Tỉnh đã trả lời, trao đổi, chia sẻ về tình hình thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Nghị quyết qua thực tiễn của tỉnh như công tác triển khai quy hoạch, nhất là quy hoạch đất đai và năng lượng trên địa bàn Tỉnh; cơ chế về liên kết vùng, hợp tác giữa các địa phương trong vùng; huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; các vấn đề về triển khai Luật đất đai, Luật Ngân sách nước, Luật Đầu tư công, Luật khoáng sản; sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước; phát triển nguồn nhân lực; cải cách thủ tục hành chính…
Thành viên Đoàn công tác phát biểu trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc
Đồng thời, tỉnh Phú Yên cũng kiến nghị, đề xuất với Đoàn công tác một số nội dung để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết liên quan đến hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm sớm triển khai quy hoạch cho vùng và địa phương; phân cấp, phân quyền cho tỉnh trong tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch; cơ chế, chính sách để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo nghề…
Đại diện các sở, ngành của tỉnh Phú Yên phát biểu
Phát biểu tổng kết, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đánh giá cao sự chuẩn bị của tỉnh Phú Yên cho buổi làm việc; ghi nhận việc tổ chức triển khai nghị quyết một cách nghiêm túc thông qua việc Tỉnh ủy đã ban hành, triển khai kế hoạch và chương trình hành động cùng 14 các nghị quyết chuyên ngành. Đồng chí Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh buổi làm việc đã có rất nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận tập trung vào những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết từ thực tiễn của Tỉnh. Đối với những kiến nghị của tỉnh, Đoàn Công tác ghi nhận, tổng hợp và chắt lọc vào báo cáo của Đề án sơ kết.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tỉnh tiếp thu các ý kiến của Đoàn công tác và làm rõ thêm một số nội dung, kết quả nổi bật mà đoàn công tác quan tâm. Đồng chí Cao Thị Hòa An cũng đặc biệt nêu rõ, thông qua ý kiến của đồng chí Trưởng đoàn công tác đã gợi mở cho Tỉnh một số tư duy mới trong phát triển kinh tế - xã hội để thời gian tới xây dựng Văn kiện đại hội Đảng bộ Tỉnh.
Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Vụ Kinh tế tổng hợp
Trong khuôn khổ chương trình khảo sát, làm việc, buổi chiều cùng ngày, Đoàn công tác cùng các đại diện Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân và các ban, sở, ngành liên quan của tỉnh Phú Yên đã khảo sát nhanh về mô hình nông thôn mới với mô hình Vườn kiểu mẫu tại xã Hòa Quang Bắc.
Đoàn công tác khảo sát tại Huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Vụ Kinh tế tổng hợp.
Đoàn công tác cũng đã làm việc với Huyện ủy huyện Phú Hòa. Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Bá Khải, Chủ tịch UBND Huyện báo cáo tình hình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đánh giá cao về những kết quả rất ấn tượng trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới tại huyện với 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong đó 7/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Tổ Trưởng Tổ Biên tập phát biểu tại Huyện ủy Phú Hòa. Ảnh: Vụ Kinh tế tổng hợp
Đồng chí Phó Trưởng Ban gợi mở một số vấn đề trao đổi liên quan đến huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực và tài lực của huyện; đánh giá những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong triển khai về cơ chế, chính sách của Trung ương tại địa bàn huyện, đặc biệt trong phát triển kết cấu hạ tầng; trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực… Đại diện Lãnh đạo Huyện ủy và một số phòng, ban của UBND huyện đã báo cáo về các nội dung Đoàn công tác quan tâm.
Quang cảnh buổi làm việc với Huyện ủy Huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Vụ Kinh tế tổng hợp.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển thay mặt Đoàn công tác tiếp thu và ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của huyện Phú Hòa và nhấn mạnh trong thời gian tới cần xây dựng và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách cho phát triển hệ thống hạ tầng cung cấp nước sạch nông thôn để đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng tiêu chí nông thôn mới; cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các cụm công nghiệp tại các địa bàn khó khăn; cơ chế khai thác, phân bổ, lồng ghép các nguồn lực ở cấp huyện; xây dựng mô hình gắn kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp; hỗ trợ nguồn tài lực và nhân lực cho phát triển các thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện; chính sách hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi…
Vụ Kinh tế Tổng hợp