Đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí: GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Trưởng Tiểu Ban Kinh tế, Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN. Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Đào Thanh Trường, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; Dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí thuộc một số vụ, đơn vị của Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chủ nhiệm đề tài.
PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc buổi Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, bao gồm nguồn nhân lực, vật lực và tài lực, trong đó có nguồn lực FDI, đồng thời Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Sau 05 năm thực hiện các nghị quyết 39 và 50, dòng vốn FDI của Việt Nam đã liên tục gia tăng, tạo ra nhiều giá trị tích cực cho nền kinh tế.
PGS.TS. Đào Thanh Trường, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu chào mừng
Đồng chí cho rằng, khu vực FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù năm 2023 là một năm đầy thách thức nhưng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam tăng mạnh, đạt 36,61 tỷ USD (tăng 32,1% so với năm 2022, trong khi vốn FDI toàn cầu chỉ tăng 3%); vốn giải ngân đạt trên 23 tỷ USD (chiểm 16,1% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội). Bước sang năm 2024, xu hướng tích cực của vốn FDI tiếp tục được ghi nhận. Số liệu 9 tháng đầu năm 2024 cho thấy, tổng vốn FDI đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023; vốn giải ngân khoảng 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến Việt Nam có thể kỳ vọng thu hút vốn FDI khoảng 39 - 40 tỷ USD cho cả năm 2024. Dòng vốn FDI ở nước ta tăng cao kỷ lục trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với những thách thức cho thấy khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là điểm đến đầu tư và đối tác thương mại.
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Trưởng Tiểu Ban Kinh tế, Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu kết luận
Với yêu cầu, đòi hỏi trong giai đoạn tới, đặc biệt là để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, vấn đề thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn FDI nói riêng và huy động, sử dụng, phát huy nguồn lực tài chính nói chung đối với Việt Nam vừa là yêu cầu cấp bách vừa có tính chiến lược. Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội thảo hôm nay sẽ góp phần giúp Ban Kinh tế Trung ương thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng Đề án sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Nghị quyết số 50-NQ/TW. Đồng chí đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung trọng tâm như: Làm rõ những thành tựu, hạn chế và bài học được rút ra trong thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn FDI trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam trong thời gian vừa qua, tập trung vào 05 năm gần đây dưới góc độ thực trạng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn FDI; những tác động của nguồn vốn FDI tới nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các cơ chế, chính sách thu hút, quản lý và sử dụng FDI; Làm rõ những yêu cầu đặt ra đối với việc thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn FDI chất lượng cao, những tập đoàn lớn, công nghệ cao, nhất là FDI trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đặc biệt là cho phát triển các ngành công nghiệp mới như là công nghiệp bán dẫn, AI, như các yêu cầu về cơ chế chính sách, yêu cầu về cải cách hành chính, yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, yêu cầu về hạ tầng đồng bộ đặc biệt là hạ tầng năng lượng, hạ tầng logistics, hạ tầng xanh, yêu cầu về công nghiệp hỗ trợ…; Thảo luận và làm rõ cách tiếp cận và định hướng mới đối với FDI trong bối cảnh mới, qua đó đề xuất các giải pháp để các doanh nghiệp FDI kết nối hiệu quả với các doanh nghiệp trong nước nhất là trong việc chuyển giao công nghệ, đào tạo lao động có kỹ năng và giúp doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu.
PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội thảo
Phát biểu chào mừng tại hội thảo PGS.TS. Đào Thanh Trường, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới hiện nay đang có những biến đối khó lường, Việt Nam nổi lên là một điểm sáng trong khu vực và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Không chỉ được đánh giá cao về năng lực hội nhập, thích ứng với các xu hướng phát triển tiến bộ trên toàn cầu đặc biệt là xu hướng phát triển xanh và bền vững, Việt Nam được ghi nhận bởi những nỗ lực mạnh mẽ trong ký kết và thực hiện các FTA, tăng cường nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược, góp phần thúc đẩy thị trường xuất khẩu, tạo ra môi trường giao thương năng động trong thu hút FDI. PGS.TS. Đào Thanh Trường cũng cho biết, với vai trò là cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội cam kết đồng hành trong sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam. Hội thảo hôm nay triển khai một hướng nghiên cứu mới mang tính thời sự, góp phần đưa Việt Nam hòa vào dòng chảy kinh tế thế giới.
PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN phát biểu tham luận
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu rõ, trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến động không ngừng của kinh tế thế giới, FDI đóng góp một phần to lớn trong tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Với sự quan tâm đến vấn đề đó, Trưởng Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn được trao đổi sâu hơn với các chuyên gia, nhà khoa học để tìm được các giải pháp phù hợp nhất giúp cho các nghiên cứu viên của trường có thể tìm ra những lời giải, đóng góp một phần nhỏ vào sự phát triển chung của đất nước.
Các đại biểu tham gia thảo luận
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận làm rõ những nội dung quan trọng như: những thành tựu và vấn đề đặt ra của thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài; vấn đề chuyển giá với doanh nghiệp FDI, sự tác động tới nền kinh tế Việt Nam; Góc nhìn của doanh nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; chính sách phát triển khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Định hướng chính sách công nghiệp của Việt Nam nhằm tối ưu hoá lợi ích từ khu vực FDI; Phát triển khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu và sự thay đổi động cơ đầu tư của doanh nghiệp FDI… Trên cơ sở góp ý vào các nội dung của đề tài, trong phần thảo luận, các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học đã nêu nhiều phân tích, khuyến nghị có giá trị; chia sẻ về các vấn đề thực tiễn về thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn FDI trong bối cảnh hiện nay.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu tổng kết hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Trưởng Tiểu Ban Kinh tế, Hội đồng Lý luận Trung ương cảm ơn các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã phát biểu thẳng thắn, tâm huyết; cho rằng đây là một chủ đề rất hay và thời sự trong bối cảnh hiện nay với 06 báo cáo và 06 ý kiến phát biểu thảo luận sâu sắc. GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn tổng kết, các ý kiến tại hội thảo đều khẳng định FDI đã góp phần quan trọng trong thành tựu chung của công cuộc đổi mới đất nước; qua đó đời sống nhân dân được nâng cao, giải quyết tốt lao động việc làm. Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu. Các công nghệ và kinh nghiệm quản trị của doanh nghiệp FDI cũng có tác động đến phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên các ý kiến cũng cho rằng, phải thừa nhận vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả FDI. Hội thảo cũng đã thu được nhiều ý kiến đề xuất, khuyến nghị để thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả FDItrong bối cảnh mới. Đồng chí nhấn mạnh, Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tiếp thu các ý kiến trao đổi hôm nay trong công tác tham mưu cho Đảng, đóng góp vào chặng đường phát triển mới của đất nước trong thời gian tới./.
Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế