Tham dự Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan Trung ương, bộ, ngành và địa phương cùng các hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và các chuyên gia, nhà khoa học.
Đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhận định thị trường bất động sản Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể đối với quá trình phát triển của kinh tế Việt Nam từ Đổi mới đến nay. Thị trường bất động sản là một kênh tạo nguồn lực to lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội, là kênh thu hút vốn đầu tư nước ngoài và trong nước hiệu quả, tạo ra nhu cầu về lao động và thúc đẩy các ngành khác phát triển như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và nhà ở kết nối với thị trường đất đai và các dịch vụ môi giới, pháp lý và định giá. Đồng thời thị trường bất động sản phát triển cũng đã giúp nâng cao mức sống của người dân Việt Nam trong thời gian qua.
PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu tại Hội thảo.
Diễn biến trên thị trường bất động sản thời gian qua và gần đây nhất là các vấn đề về giải phóng mặt bằng, những tranh chấp khiếu kiện đông người về đất đai, những vấn đề con bất cập trong việc định giá đất, đấu giá đất, đấu thầu dự án mà điển hình như trường hợp đấu giá đất ở Khu đô thị Thủ Thiêm - TP.HCM cũng cho thấy công tác quản lý nhà nước về đất đai vẫn còn những hạn chế nhất định. Những vấn đề chính được Hội thảo đề cấp đến như: Quy hoạch sử dụng đất; định giá đất; các công cụ điều tiết thị trường bất động sản của nhà nước như: thuế, tín dụng, cơ chế thu tiền sử dụng đất, cơ chế bồi thường trong giải phóng mặt bằng, tái định cư,..; các thủ tục hành chính về đất đai cũng như các quy định pháp lý về kinh doanh bất động sản. Những đánh giá của các tham luận tham gia Hội thảo cho thấy nguồn lực về đất đai tại nước ta là rất lớn nhưng chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thị trường bất động sản phát triển chưa bền vững vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.
Tham gia hội thảo có 26 bài tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ cơ quan Trung ương và địa phương, các trường đại học, các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp. Hội thảo tập trung vào 04 nội dung: Tổng quan chủ trương của Đảng, việc thể chế hóa, thực thi luật pháp và thực thi luật pháp và cơ chế chính sách tài chính của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bất động sản; Bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW và bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, khả năng vận dụng tại Việt Nam; Đánh giá chung hiệu quả và hạn chế, yếu kém về chính sách tài chính, tín dụng, quan hệ thị trường thực hiện trong đất đai với kinh tế - xã hội của đất nước; Đề xuất, định hướng tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai trong thời gian tới; từ đó đưa ra định hướng tiếp tục hoàn thiện chính sách đất đai đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.
Các tham luận đã chỉ ra những hạn chế của các vă n bản pháp luật bao gồm: Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư…dẫn đến các khó khăn vướng mắc trong việc phát triển bền vững thị trường bất động sản, giảm hiệu quả huy động nguồn lực từ thị trường bất động sản,…gây ra các vấn đề nổi bật như định giá đất không phù hợp với giá thị trường, quy hoạch treo gây lãng phí nguồn lực, quy hoạch sử dụng đất bất hợp lý, phân mảnh thị trường,…
Các tham luận cũng đã đề cập khá đậm nét về vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở giá hợp lý để đảm bảo mọi người dân có thể tiếp cận hàng hóa thiết yếu này. Nghiên cứu về phát triển nhà ở giá hợp lý (trường hợp tại TP Hồ Chí Minh) của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Kinh tế - Luật và Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đến nay chưa có một định nghĩa chung cho nhà ở giá hợp lý. Có thể hiểu nhà ở giá hợp lý là khi tỉ lệ chi tiêu cho nhà ở không vượt quá 30% tổng thu nhập. Giá nhà ở quá cao so với thu nhập của người dân đang đặt ra thách thức rất lớn cho Việt Nam trong việc cung cấp nhà ở giá hợp lý cho người dân. Mục tiêu phát triển và cải tạo, sửa chữa nhà ở trong giai đoạn 2021-2030 đạt 1,032 tỉ m2, tương ứng với khoảng 11,9 triệu căn nhà cũng khó đạt được nếu không có những đổi mới căn bản thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới.
Nhóm nghiên cứu cho rằng cơ quan chức năng cần có chính sách tăng tỉ trọng cơ cấu nhà cho thuê; đa dạng hóa, đẩy mạnh việc phát triển nhà ở thương mại có diện tích trung bình và có giá cả hợp lý. Cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại các đô thị gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị. Đồng thời xây dựng và kết cấu lại các chính sách cụ thể riêng cho từng loại hình nhà ở, nhóm đối tượng mục tiêu của chính sách nhà ở xã hội.
Đưa ra quan điểm của mình, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cũng cho rằng hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản đã từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... vẫn còn có những nội dung giao thoa, chồng chéo, bất cập, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để khắc phục các tồn tại này. Đại diện Bộ cũng cho biết Bộ đang kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến hai dự án Luật là Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) song song với quá trình sửa đổi Luật Đất đai 2013 để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường này. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Tại Hội thảo cũng đã tổ chức phiên bàn tròn đối thoại với sự tham gia của đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, đại diện các bộ, ngành và các địa phương cùng chuyên gia để thảo luận các chủ đề mang tính thực tiễn cao, các vướng mắc cũng như giải pháp để phát triển bền vững thị trường bất động sản Việt Nam cho phù hợp với tình hình mới.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng hiện nay, cần xác định bất động sản là một nguồn lực rất lớn, là một trong những động lực quan trọng để phát triển đất nước. Trong thời gian qua các chính sách đối với thị trường bất động sản Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực, song vẫn có những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh để thông thoáng, tích cực, hiệu quả hơn.
Do đó, để thị trường phát triển bền vững, cần sự chung tay của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp… để đề xuất với Đảng, Chính phủ, hoàn thiện hệ thống chính sách phù hợp, tạo thị trường phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
Ban tổ chức Hội thảo sẽ tổng hợp các ý kiến trao đổi thảo luận để hoàn thành báo cáo khuyến nghị chính sách gửi đến các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để đóng góp cho việc xây dựng, ban hành, triển khai các chính sách phát triển bền vững thị trường bất động sản ở Việt Nam.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Vân Anh, Vụ Kinh tế tổng hợp