Thay vì quy định khác nhau về quyền tiếp cận đất giữa "cá nhân trong nước" với "người Việt Nam định cư ở nước ngoài", Luật Đất đai quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước.
Chị Nguyễn Hồng My là một kiều bào đã sinh sống và làm việc tại Pháp gần 20 năm nay. Sau khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua, chị đã về thăm Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực nhà hàng và bất động sản.
Chị Nguyễn Hồng My - kiều bào tại Pháp chia sẻ: "Người Việt Nam dù sống ở nước ngoài hay trong nước thì luôn muốn được đầu tư một cách minh bạch, muốn rõ ràng tên của mình. Tôi nghĩ việc sửa đổi luật là một tin rất vui và rất khuyến khích bản thân mình đầu tư vào bất động sản ở Việt Nam".
Bằng cách tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch, bình đẳng, nơi mà cả người dân trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài đều nhận được các quyền lợi tương đương trong việc sở hữu và giao dịch bất động sản, Luật Đất đai sẽ giúp hạn chế tối đa các tranh chấp phát sinh trong quá trình chuyển nhượng và quản lý quyền sử dụng đất.
Luật sư Lê Minh Phiếu - Giám đốc Công ty Luật LMP cho biết: "Trước kia Việt kiều vẫn còn quốc tịch Việt Nam muốn mua đất thường sẽ lách luật một xíu bằng cách nhập hộ khẩu ở một nơi nào đó ở Việt Nam để mua đất. Một số người có cách khác là nhờ người Việt Nam đứng tên mua đất, mà việc đó dễ dẫn đến tranh chấp".
Theo thống kê, trong số gần 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài thì hơn 20% đã đến tuổi nghỉ hưu, đa số muốn trở về quê hương sinh sống và đầu tư, mong muốn sở hữu một ngôi nhà tại Việt Nam để an cư lạc nghiệp.
Ông Hoàng Mạnh Huê - Chủ tịch Liên hiệp các hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu cho biết: "Phần lớn chúng tôi đều xác định quê hương chính là nơi trước sau chúng tôi sẽ trở về. Trước khi trở về có sẵn một ngôi nhà cho mình là điều chúng tôi mong mỏi lâu nay. Tôi thấy nhiều doanh nghiệp của người Việt chúng tôi ở nước ngoài cũng muốn tham gia vào phát triển kinh tế thị trường bất động sản trong nước trong giai đoạn mới".
"Theo một thống kê của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, khoảng 15 - 20% lượng kiều hối về Việt Nam được đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Chỉ riêng con số này đã có thể tương đương với khoảng 10.000 căn hộ mỗi năm. Do đó, kiều hối thực sự là một nguồn vốn quan trọng cho Việt Nam", ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhận định.
Theo các chuyên gia, luật đất đai không chỉ giúp thúc đẩy thị trường bất động sản, mà sẽ giúp thu hút nguồn lực tri thức kiều bào trở về Việt Nam. Điều kiện "cần" là luật đã đầy đủ và rõ ràng. Điều kiện "đủ" chính là trong thời gian tới, các cơ quan chức năng có hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục để người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể tiếp cận và đầu tư vào thị trường bất động sản trong nước một cách thuận tiện và hiệu quả nhất.
Theo vtv.vn