Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; các đồng chí trong đoàn công tác cùng đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương sơ kết 5 năm
thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW phát biểu chỉ đạo
Đắk Lắk là Tỉnh có nhiều mô hình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng kết hợp với phát triển kinh tế rừng, bảo tồn văn hóa Tây Nguyên hiệu quả nhiều năm qua, diện tích và trữ lượng rừng của Đắk Lắk thuộc nhóm lớn trong cả nước với nhiều chủng loại gỗ quý hiếm, nhiều loại cây đặc sản vừa có giá trị kinh tế vừa có giá trị khoa học. Đắk Lắk có nhiều địa danh, phong cảnh nổi tiếng gắn với rừng như: Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, Vườn Quốc gia Yok Đôn, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, hồ Lắk. Rừng không chỉ có vị trí đặc biệt quan trọng trong phòng hộ, bảo vệ đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm quốc phòng, an ninh. Do vậy, các hoạt động về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Đắk Lắk được Trung ương đặc biệt quan tâm.
Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Lắk đã báo cáo đoàn công tác về tình hình 05 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW. Tỉnh đã chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, đã tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Các hoạt động về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thường xuyên được HĐND tỉnh thực hiện giám sát; các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý sai phạm; nhờ đó, đã hạn chế được các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trong điều kiện sức ép về dân cư, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội liên quan đến tài nguyên rừng là rất lớn. Hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước từng bước được kiện toàn, củng cố; các doanh nghiệp quản lý rừng và đất rừng sắp xếp, đổi mới theo đúng chỉ đạo của Trung ương, đúng quy định của Nhà nước và phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương. Công tác trồng rừng đã có nhiều kết quả khả quan hơn; giai đoạn 2017-2022 trên địa bàn tỉnh trồng được 12.405 ha. Chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng đã ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác thu hút, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng tại địa bàn các vùng trong lưu vực của hệ thống thủy điện, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng...
Đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tham gia ý kiến
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Tỉnh cũng đã nêu rõ một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh như: Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng tuy đã được đẩy mạnh nhưng chưa trở thành phong trào có sức lan tỏa rộng; Cấp ủy, chính quyền địa phương một số nơi, nhất là cấp xã chưa thực hiện đầy đủ công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa thường xuyên, liên tục và chưa hiệu quả. Chất lượng rừng tự nhiên là rừng sản xuất tại một số địa phương rất thấp, có rất nhiều diện tích rừng nghèo kiệt, rừng không có trữ lượng, cây rừng thưa thớt xen lẫn những diện tích đất rừng đã bị xâm canh, lấn chiếm trải rộng trên nhiều lâm phần quản lý của các đơn vị chủ rừng. Tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép ở một số địa phương vẫn còn tiếp diễn, chưa xử lý dứt điểm. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là các địa phương có nhiều dân di cư tự do đến sinh sống nhưng chưa thực hiện được quy hoạch ổn định dân cư. Công tác trồng rừng, phát triển các mô hình lâm nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Quá trình tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp còn chậm, hiệu quả hoạt động sau sắp xếp chưa cao. Nhiều dự án nông lâm nghiệp bộc lộ những tồn tại, yếu kém về thiếu năng lực, chậm tiến độ, chưa thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng.
Đồng chí Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội tham gia ý kiến
Tại buổi làm việc, các đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến trao đổi về tình hình thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Tỉnh Đắk Lắk. Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn thiếu đồng bộ, nhiều bất cập, phân cấp trách nhiệm của các ngành, các cấp trong bảo vệ, phát triển rừng chưa cụ thể; các quy định về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ rừng không tạo được động lực cũng như trách nhiệm quản lý bảo vệ phát triển rừng... Đồng thời các đại biểu cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất để công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đạt hiệu quả cao nhất và tranh thủ tận dụng tốt được thế mạnh của rừng để thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống, thu nhập người dân.
Đồng chí Y Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tham gia ý kiến
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết Chỉ thị 13-CT/TW đánh giá cao sự vào cuộc, triển khai quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao của Tỉnh ủy Đắk Lắk, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, các nội dung cho cuộc họp được Tỉnh ủy chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, có chất lượng, nhiều ý kiến phát biểu đã đi thẳng vào những vấn đề lớn trong tổ chức thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW trên địa bàn Tỉnh, giúp Ban Chỉ đạo hiểu rõ hơn những vấn đề thực tiễn tại địa phương.
Đồng chí Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk tham gia ý kiến
Đồng chí biểu dương tỉnh Đắk Lắk trong việc thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW với nhiều kết quả nổi bật: Cả hệ thống chính trị đã nhận thức được việc bảo vệ và phát triển rừng vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững; phát triển kinh tế - xã hội phải đồng thời với bảo vệ và phát triển rừng; đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng là đầu tư cho phát triển bền vững; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Đã nghiêm túc triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương về không khai thác gỗ rừng tự nhiên, không cải tạo rừng khộp nghèo, nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp, không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang trồng cây cao su.
Quang cảnh buổi làm việc
Đồng chí Trần Tuấn Anh cơ bản đồng tình với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Tỉnh đề xuất, đồng thời đồng chí đề nghị tỉnh Đắk Lắk nghiên cứu, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như: Tiếp tục rà soát, bổ sung, ban hành mới chương trình, kế hoạch, đề án để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW trên địa bàn Tỉnh, quan tâm lập điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng thực sự hiệu quả bảo đảm tính đồng bộ, liên thông. Tập trung xử lý các vấn đề nóng, tồn đọng trong thực tiễn, đặc biệt là các giải pháp căn cơ để duy trì và nâng cao bền vững tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn Tỉnh; giải quyết cơ bản tình trạng tranh chấp đất lâm nghiệp, vi phạm quy định về rừng, lâm nghiệp;đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp. Thực hiện quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững gắn với phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu;tTăng cường quản lý, bảo vệ, khôi phục và nâng cao chất lượng rừng; công tác bảo vệ và phát triển rừng hướng tới việc thực hiện cam kết quốc tế giảm mức phát thải ròng về “0ˮ vào năm 2050. Nghiên cứu cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả. Thực hiện tốt các giải pháp về an sinh xã hội, tạo việc làm bền vững cho người dân khu vực có rừng.
Đồng chí cũng đề nghị Đoàn công tác tổng hợp, chắt lọc, tiếp thu tối đa các ý kiến tại buổi làm việc để phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW và tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, cơ chế, chính sách có hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong bối cảnh mới./.
Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế