Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thăm và làm việc tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư
Để phục vụ xây dựng báo cáo đánh giá 3 năm kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đồng thời có thêm luận cứ cho xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII trong thời gian tới. Ngày 20/6/2022, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương và Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án do đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo
Tiếp và làm việc với Đoàn, về phía Bộ Công an có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Đại tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Đại tá Vũ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư; và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Công an.
Về phía Đoàn công tác có các đồng chí: Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tại buổi làm việc, Đồng chí Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã báo cáo kết quả thực hiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD và định danh, xác thực điện tử, trong đó nhấn mạnh quyết tâm, hành động quyết liệt, sáng tạo, ưu tiên nguồn lực về con người, phương tiện của Bộ Công an để có thể hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, Bộ Công an Việt Nam đã lồng ghép các nhiệm vụ, tận dụng cơ sở vật chất, qua đó góp phần giảm mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng, theo đúng nguyên tắc đã đề ra là “hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí”.
Bộ Công an đã bố trí hàng chục nghìn cán bộ chiến sĩ tăng cường cho địa bàn cơ sở, tiến hành cập nhật dữ liệu vào hệ thống và triển khai cấp số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc. Đến nay, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã thu thập và đồng bộ hơn 103.854.257 triệu phiếu thông tin dân cư từ các nguồn thông tin. Trong 05 tháng đã thu nhận 50 triệu hồ sơ cấp CCCD. Đên nay đã cấp trên 65 triệu thẻ CCCD cho người dân.
Bên cạnh đó, Bộ Công an đã chỉ đạo thiết kế, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư với bảo đảm an toàn thông tin cấp độ 4 và sẵn sàng tích hợp với các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin của bộ, ngành, địa phương thông qua trục tích hợp quốc gia (NGSP) và Cổng dịch vụ công quốc gia. Xây dựng hệ thống Bản đồ số là “bộ não” của Trung tâm dữ liệu, thực hiện nhiệm vụ phân tích, tổng hợp, dự báo tình hình dân cư để góp phần hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh theo từng giai đoạn.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo đoàn công tác
Để phát huy những lợi ích, hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an đã trình Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 về phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 (Đề án 06). Trong đó trọng tâm là thực hiện 05 nhóm tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp, gồm: (1) Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; (3)phục vụ phát triển công dân số; (4) phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) phục vụ hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp.
Đề án là cơ sở để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số.
Triển khai Đề án 06, Bộ Công an đã xây dựng ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNEID, phấn đấu đến năm 2025 có trên 40 triệu tài khoản người dùng, đảm bảo 100% các giao dịch công dân số được ký số xác thực. Hiện nay, Bộ Công an đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương từng bước hoàn thiện việc kết nối, chia sẻ, tích hợp cơ sở dữ liệu, đến nay đã hoàn thành 22/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công “Đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông” trên Cổng dịch vụ công quốc gia để đăng ký trực tuyến đạt tỷ lệ 93,1%.
Từ ngày 21/5/2022, Bộ Công an đã triển khai dịch vụ công cấp hộ chiếu online tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Hà Nội và Cục quản lý xuất nhập cảnh. Đến nay đã tiếp nhận trên 500 hồ sơ đăng ký cấp hộ chiếu online; triển khai đăng ký, cấp biển số xe ô tô và xe mô tô tại cấp huyện, cấp xã trên toàn quốc. Đến nay đã đăng ký, cấp trên 21 nghìn biển số xe ô tô và 61 nghìn biển số xe mô tô; triển khai kết nối chính thức đối với 11 đơn vị bộ ngành và 09 địa phương; Tích hợp, đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu y tế. Đồng bộ thông tin Bảo hiểm xã hội trên 27 triệu công dân; đồng bộ trên 91 triệu thông tin mũi tiêm phòng Covid của Bộ y tế; số lượng cơ sở đã sử dụng thẻ CCCD trong khám chữa bệnh đạt 6.015/13.173 chiếm tỷ lệ 45,6%, số lượng công dân sử dụng CCCD khám chữa bệnh: 294.328 công dân; Phối hợp với các ngân hàng BIDV, Vietcombank, Viettinbank triển khai thí điểm ứng dụng CCCD gắn chip trong thực hiện các giao dịch ngân hàng. Đến nay đã có hơn 300 công dân sử dụng thẻ CCCD để giao dịch với số tiền trên 4,5 tỷ đồng; Tổ chức xây dựng các mô hình dịch vụ công trực tuyến ngay tại khu dân cư tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Đến nay đã có khoảng 500 tài khoản được đăng ký, và khoảng 1523 hồ sơ được đăng ký tại điểm dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 1.482 hồ sơ thông báo lưu trú hộ gia đình; Triển khai đồng bộ, tích hợp dữ liệu trên nhiều lĩnh vực khác như thuế, điện lực… giúp khai thác tối đa giá trị từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tham gia ý kiến
Tuy nhiên, qua trình triển khai thực hiện Đề án 06 còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế: (1) Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương còn chậm do nhiều hệ thống kỹ thuật của các bộ, ngành, địa phương được đầu tư thiếu đồng bộ; (2) Việc triển khai Đề án 06 gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là vấn đề về pháp lý, cần thiết phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như: Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định về Định danh và Xác thực điện tử, các thông tư hướng dẫn về kết nối, chia sẻ, quy định về mức thu, quản lý phí khai thác dữ liệu…
Tại buổi làm việc, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đã khẳng định: “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đánh giá là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài nguyên quốc gia đắt giá là nền tảng để xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số”.
Thời gian tới, để tiếp tục phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cần thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân; sự hành động đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Đề án 06 ứng dụng dữ liệu dân cư vào chuyển đổi số, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan nhà nước.
Thứ hai, Dữ liệu dân cư là tài nguyên quan trọng, được quản lý tập trung, thống nhất và chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử là cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội báo cáo đoàn công tác
Thứ ba, Dữ liệu dân cư phải được khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm thúc đẩy, phát huy trí tuệ, nguồn lực và sức mạnh quốc gia; phải gắn kết với năng lực quản trị nhà nước, mang lại tiềm năng bứt phá của nền kinh tế, phản ánh giá trị văn hóa, lịch sử và trí tuệ toàn dân trong đời sống xã hội. Việc triển khai phát triển, ứng dụng dữ liệu dân cư phải gắn với mục tiêu làm giàu dữ liệu, tạo nền tảng cho hoạt động thực hiện chuyển đổi số trong xã hội..
Đồng thời, Bộ Công an đề nghị Ban Kinh tế Trung ương phối hợp, cử cán bộ, chuyên gia đầu ngành phối hợp với Bộ Công an, đặc biệt là Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng các Chương trình, Chiến lược triển khai các chính sách về chiến lược phát triển kinh tế, xã hội cho quốc gia và cho từng vùng kinh tế trọng điểm, từng địa phương hàng năm và từng giai đoạn cụ thể; tiếp tục phối hợp với Bộ Công an triển khai đạt hiệu quả cao Đề án 06, đặc biệt là giải quyết các vấn đề về pháp lý, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm hành lang pháp lý cho việc phát triển, khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của ngành công an, trực tiếp là các đồng chí lãnh đạo Bộ trực tiếp chỉ đạo thực hiện 2 dự án quan trọng này. Một số kết quả nổi bật như: Trong thời gian ngắn đã thu thập và đồng bộ vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hơn 103 triệu phiếu thông tin, đã cấp trên 50 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử trong điều kiện đại dịch Covid 19 diễn biến phức tạp thể hiện nỗ lực của cả ngành Công an.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư báo cáo đoàn công tác
Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, nhất là cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành; hành lang pháp lý cho vấn đề khai thác sử dụng kinh doanh số, vấn đề về tài chính. Về những khó khăn, vướng mắc đồng chí nhấn mạnh một số vấn đề như sau:
Vấn đề thứ nhất, những bất cập trong phối hợp với các cơ quan, bộ ngành đối với công tác kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm. Yêu cầu về việc kết nối “hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất” đã được nêu rõ trong Nghị quyết 52-NQ/TW. Như vậy, đặt ra vấn đề thể chế hóa nội dung này, nhất là từng bước hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc về hành lang pháp lý và phân công trách nhiệm cụ thể của bộ, ngành, các cơ quan liên quan để vận hành các Trung tâm dữ liệu an toàn, hiệu quả. Ban Kinh tế Trung ương sẽ đôn đốc, các bộ, ngành mạnh mẽ, quyết liệt về vấn đề này.
Vấn đề thứ hai, về nguồn nhân lực, trong Nghị quyết 52 cũng đã chỉ rõ yêu cầu “chuẩn hóa và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các cấp”.
Như vậy, qua trao đổi làm rõ những vướng mắc như đã nêu trên chúng ta thấy rằng rất cần thiết phải có một Chỉ thị của Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để giải quyết những điểm nghẽn mà các đồng chí nêu ra trong buổi làm việc ngày hôm nay.
Quang cảnh buổi làm việc
Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã trao đổi nhóm nội dung thứ hai là phục vụ cho xây dựng dự thảo Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, vào cuối tháng 6 đầu tháng 7. Đồng chí đề nghị Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Tổ biên tập, trên cơ sở khai thác những dữ liệu này để xây dựng một số báo cáo chuyên đề phục vụ cho xây dựng đề án trên, tập trung vào những nội dung sau:
- Thứ nhất, về đặc điểm dân cư từ cơ sở dữ liệu thu nhận được về cơ cấu dân số trong thời kỳ dân số vàng; về tình hình lao động, việc làm tại Việt Nam tác động đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Thứ hai, trên cơ sở điều tra về dữ liệu dân cư cần xem xét, đánh giá về thực trạng phân bố không gian phát triển kinh tế Việt Nam gắn với vấn đề lao động, đặc biệt là lực lượng lao động trong công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm.
- Thứ ba, trên cơ sở điều tra của về một số nội dung như: năng suất lao động; di cư, đặc biệt là lưu trú, di chuyển lao động; vấn đề an sinh xã hội các cấp, nhất là cấp quốc gia, xác định các ưu tiên quan trọng đối với bảo trợ xã hội nhóm đối tượng hoàn cảnh khó khăn và đề xuất những chính sách có liên quan.
- Thứ tư, qua điều tra về dân cư đề nghị phân tích vài khía cạnh, đầy đủ hơn về vấn đề phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đồng chí Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, Ban Kinh tế Trung ương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc triển khai các nội dung về chuyển đổi số, những vấn đề mới phát sinh trong phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, nhất là tiếp tục đồng hành, ủng hộ các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai Đề án 06./.
Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế