Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án; đại diện lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy, lãnh đạo một số sở, ban, ngành thuộc các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Hồng và một số một số chuyên gia, nhà khoa học.
Đồng chí Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh phát biểu chào mừng
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh: Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước. Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54 và Kết luận số 13 thể hiện sự quan tâm đặc biệt và là chủ trương có ý nghĩa chiến lược nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế để vùng đồng bằng sông Hồng phát triển mạnh mẽ, đi đầu cả nước và là cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đến nay, có 7/11 địa phương đã tự cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương; quy mô kinh tế đứng thứ 2 trong 6 vùng của cả nước, nhiều địa phương trong vùng đã nỗ lực vươn lên trở thành điểm sáng của cả nước.
Ngày 14/9/2005 Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Sau đó, ngày 28/10/2011, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW (Nghị quyết 54-NQ/TW và Kết luận 13-KL/TW). Nghị quyết 54-NQ/TW và Kết luận 13-KL/TW là cơ sở quan trọng, tạo ra nền tảng cho sự phát triển nhanh theo hướng bền vững của Vùng.
Đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết phát biểu
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết khẳng định, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị: Phát triển công nghiệp và phát triển đô thị vùng đồng bằng sông Hồng đã đạt được nhiều kết quả khích lệ. Công nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP các địa phương và vùng, đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước, là ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng khá cao; cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, một số ngành công nghiệp như: Điện, điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông, chế tạo thiết bị năng lượng, dệt may, da giày, xây dựng… phát triển mạnh, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất và nâng cao đời sống của nhân dân;một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ hình thành và phát triển; tỷ trọng hàng hoá xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng. Hệ thống các đô thị phát triển nhanh về số lượng, chất lượng và quy mô; hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư nâng cấp; diện mạo các đô thị của vùng ngày càng đẹp, văn minh, hiện đại với nhiều không gian đô thị mới và các công trình có điểm nhấn kiến trúc; vai trò động lực của đô thị trong phát triển kinh tế, hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động được khảng định; các đô thị lớn từng bước được đầu tư, mở rộng và hoàn thiện theo hướng hiện đại hoá, đồng bộ hoá; nhiều công trình tuyến chính ra vào thành phố, các trục giao thông hướng tâm, các tuyến tránh đô thị, các cầu lớn và nút giao lập thể được đầu tư xây dựng…
Tuy nhiên, phát triển công nghiệp và hệ thống đô thị vùng Đồng bằng sông Hồng còn nhiều khó khăn và hạn chế. Công nghiệp vùng và các địa phương chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững; nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài; trình độ công nghệ còn lạc hậu, chậm được đổi mới; chất lượng sản phẩm, năng suất lao động ngành công nghiệp còn thấp; phát triển công nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác; chưa tận dụng tốt được lợi thế trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng; liên kết nội ngành, các địa phương trong công nghiệp còn nhỏ lẻ, rời rạc; cơ cấu lại các ngành công nghiệp thực hiện còn chậm; năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu còn rất hạn chế; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt; nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, tỉ lệ nội địa hoá của các ngành công nghiệp ở mức thấp; tình trạng ô nhiễm môi trường từ phát triển công nghiệp ngày càng trầm trọng... Phát triển đô thị nhiều bất cập; liên kết hệ thống đô thị vùng hạn chế; chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu gây lãng phí về đất đai, giảm thiểu mức độ tập trung kinh tế. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn; ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực…
Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc tổng kết các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh các vùng kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW, ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, trên cơ sở đó tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Để triển khai Đề án, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với 20 ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương và thường trực tỉnh ủy, thành ủy của 11 địa phương trong vùng để thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Kế hoạch số 84-KH/BKTTW, ngày 20/5/2022 phục vụ nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết.
Theo đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng: Hội thảo “Phát triển công nghiệp và đô thị vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức nằm trong chuỗi hội thảo, tọa đàm phục vụ tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW và kết luận 13-KL/TW của Bộ Chính trị. Hội thảo nhằm: Tạo diễn đàn để các cơ quan quản lý, các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận về thực trạng và định hướng phát triển công nghiệp và đô thị vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thống nhất đánh giá về thực trạng: những thành tựu đạt được; các khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong phát triển công nghiệp và đô thị vùng đồng bằng sông Hồng. Cơ hội và thách thức; định hướng và các giải pháp chủ yếu về phát triển công nghiệp và đô thị vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận vào nhiều nội dung cụ thể, với 7 nhóm vấn đề; trong đó có 2 nhóm vấn đề chính là (i) Phát triển công nghiệp và (ii) Phát triển đô thị; 05 nhóm vấn đề liên quan: (i) Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, (ii) Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, (iii) Nguồn nhân lực, (iv) Phát triển doanh nghiệp và (v) Phát triển vùng và liên kết vùng.
Đồng chí Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tham luận
Đồng chí Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Đồng chí Trần Ngọc Chính, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tham luận
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết nêu rõ các nội dung đã được đưa ra và nhất trí tại Hội thảo như: Các thành tựu đạt đạt được sau gần 17 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó có sự đóng góp của lĩnh vực công nghiệp, đô thị; nhất trí về việc tăng cường sự liên kết phát triển vùng trong tương lai, bao gồm cả nội vùng và ngoại vùng; thống nhất việc phải đẩy mạnh quy hoạch, làm tốt công tác quy hoạch, tạo một thể thống nhất, đảm bảo sự đồng bộ cho cả vùng; Công nghiệp công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đô thị là xu thế tất yếu phải có nhận thức rõ ràng và phát triển thực chất. Phát triển ĐBSH phải gắn với sự phát triển của cả nước, trong đó, cần bám sát Nghị quyết của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Duy Hưng cũng nhấn mạnh, ngoài việc thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực thì các tỉnh, thành cũng phải chú trọng việc thu hút đầu tư có chọn lọc, kèm theo vấn đề an sinh xã hội. Đây là giai đoạn lựa chọn kỹ các dự án đầu tư, không chạy theo số lượng, làm sao tạo ra giá trị gia tăng cao nhất chứ không phải thâm dụng lao động, hay công nghệ thấp...
Thay mặt Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết ghị quyết 54-NQ/TW, đồng chí Nguyễn Duy Hưng ghi nhận và đánh giá cao tham luận, trao đổi, thảo luận của Lãnh đạo các Bộ, ngành; lãnh đạo các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng; các chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời, đồng chí cho biết thông qua Hội thảo có thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW và Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị, là cơ sở giúp Ban Chỉ đạo tổng kết, đánh giá lại kết quả phát triển của Vùng thời gian qua, trên tinh thần kế thừa kết quả thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, Kết luận số 13-KL/TW để củng cố, hoàn thiện các định hướng phát triển vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới, trong đó có những định hướng, nhiệm vụ giải pháp phát triển công nghiệp cũng như mạng lưới đô thị vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.
Trung tâm Thông tin, Phân tích và dự báo kinh tế