Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển chủ trì họp Tổ Biên tập xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
Sáng ngày 22-10-2021, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức cuộc họp Tổ Biên tập xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" trình Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII. Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập Đề án chủ trì buổi họp.
Tham dự có các đồng chí thành viên Tổ Biên tập Đề án đại diện các ban, bộ, ngành, viện nghiên cứu và cơ quan liên quan; cùng một số đồng chí họp dưới hình thức trực tuyến. Đề án là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì với sự phối hợp của các cơ quan liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và một số bộ ngành khác cùng một số viện, trường đại học, tập đoàn sản xuất và Hiệp hội.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập Đề án phát biểu chỉ đạo
Đồng chí Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển đã trình bày khái quát các tài liệu của Đề án, nhấn mạnh các mục tiêu của Đề án, bao gồm: (1) Làm rõ cơ sở lý luận về công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH), tập trung vào các nội dung chủ yếu như: quan niệm; các lý thuyết nền tảng; mối quan hệ CNH và HĐH; vai trò và tác động của CNH, HĐH; các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến CNH, HĐH; những thách thức đối với chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hệ thống các tiêu chí đánh giá, đo lường kết quả CNH, HĐH; các vấn đề về phi công nghiệp hóa và tái công nghiệp hóa; cách tiếp cận và tư duy mới về CNH, HĐH trong kỷ nguyên số;…; (2) Làm rõ kinh nghiệm quốc tế về thực hiện CNH, HĐH, nhất là kinh nghiệm thực hiện CNH, HĐH trong điều kiện sự phát triển của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là cuộc CMCN lần thứ tư, tập trung vào các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, một số nước Châu Á và Đông Nam Á. Bên cạnh các kinh nghiệm thành công, làm rõ các thất bại trong thực hiện CNH, HĐH của một số nước tại Mỹ La tinh, Châu Phi, Đông Nam Á (như Philipine). Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; (3) Làm rõ cơ sở thực tiễn quá trình CNH, HĐH của Việt Nam từ 1986 đến nay: phân tích, làm rõ thực trạng CNH, HĐH sau 35 năm thực hiện Đổi mới (1986-2021), tập trung giai đoạn 2001-2020: làm rõ các kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại và nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan về xác lập mô hình, các chủ trương, chính sách CNH, HĐH; (4) Nhận diện bối cảnh và điều kiện mới, dự báo các nhân tố tác động trong nước và quốc tế đến quá trình CNH, HĐH trong điều kiện mới giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (5) Xây dựng các kịch bản phát triển để đạt được mục tiêu "đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp", "đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao" và "đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao"; (6) Đề xuất mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Đồng chí Dương Duy Hưng, Trợ lý Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tham gia ý kiến
Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến
Các thành viên Tổ Biên tập cùng các chuyên gia thuộc các bộ, ngành liên đã thảo luận, góp ý đối với dự thảo đề cương, kế hoạch, danh mục các chuyên đề, báo cáo đặt hàng, hệ thống số liệu và cách thức tổ chức triển khai Đề án. Các thành viên dự họp đã đánh giá cao công tác chuẩn bị của Thường trực Tổ Biên tập và tham gia ý kiến để hoàn thiện các dự thảo tài liệu trước khi trình Ban Chỉ đạo.
Quang cảnh buổi làm việc
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển cảm ơn các thành viên Tổ biên tập Đề án đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc và có tính chuyên môn cao với nhiệm vụ có phạm vi rộng và nhiều thách thức. Đồng chí lưu ý về cách tiếp cận, phương pháp và khung phân tích của Đề án, các nội dung trọng tâm của Đề án và đề nghị Thường trực tổ biên tập tiếp thu ý kiến của các thành viên dự họp để hoàn thiện; đề nghị các bộ, ngành chú trọng nghiên cứu, thực hiện các chuyên đề./.
Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế