Cùng tham dự cuộc họp có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án; các đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan và địa phương.
Tại cuộc họp, đồng chí Trần Tuấn Anh đã báo cáo về quá trình xây dựng Đề án; đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, thành viên Ban chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ biên tập xây dựng Đề án báo cáo về nội dung trọng tâm của Đề án; các đại biểu đã phát biểu góp ý về các nội dung của Đề án, đề xuất những quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, kiến nghị về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Các nội dung chính của Đề án gồm: Đánh giá về kết quả thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa; về nội hàm, bản chất của công nghiệp hóa, đề xuất khái quát về mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề xuất khung tiêu chí đánh giá kết quả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đề xuất quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, nhiệm vụ, giải pháp về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc xây dựng và hoàn thiện Đề án có vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng cho rằng, đây là vấn đề khó, vấn đề lớn, phức tạp, phạm vi rộng, tư liệu, tài liệu, dữ liệu chưa nhiều, đòi hỏi nghiên cứu và xây dựng công phu, đánh giá đúng, trúng tình hình, chỉ rõ nguyên nhân trên tinh thần thẳng thắn, khách quan, trung thực, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới bảo đảm sát thực tiễn, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, khả thi, hiệu quả, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.
Thủ tướng đánh giá cao Ban chỉ đạo xây dựng Đề án, đặc biệt là Ban Kinh tế Trung ương, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo đã rất nỗ lực, nghiêm túc trong quá trình xây dựng Đề án; đề nghị Ban chỉ đạo tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án, bảo đảm tiến độ, chất lượng để trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, cho ý kiến.
Gợi mở thêm một số vấn đề để Ban chỉ đạo xem xét, nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện Đề án, Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án cần bám sát Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhất là 3 đột phá chiến lược, thực tiễn tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước qua các thời kỳ, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, dự báo xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên thế giới và khu vực để kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; nội dung Đề án cần phù hợp, liên thông với các nghị quyết đã ban hành, cách thể hiện ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu.
Trong đó, Cương lĩnh năm 2011 yêu cầu: "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường". Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 được thông qua tại Đại hội XIII nêu rõ: "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần gắn với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững quốc phòng-an ninh; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa lấy nội lực (con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa-lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá; xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, phát huy tối đa năng lực, trí tuệ, đạo đức, phẩm chất con người Việt Nam, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, phát triển công nghiệp quốc phòng gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của nền công nghiệp quốc gia, xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại, phát triển hài hòa, gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ…
Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị; khơi dậy khát vọng phát triển và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo báo Chính phủ