PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban, Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chào mừng Hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Andrea Coppola (NHTG) đã nhấn mạnh vai trò rất có ý nghĩa của sứ quán Australia trong việc tài trợ các hoạt động cam kết của NHTG thúc đẩy quá trình hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng khoa học và tăng cường phát triển bao trùm tại Việt Nam. Ông đã điểm lại những thành tựu phi thường của Việt Nam trong công cuộc xóa đói giảm nghèo trong vài thập kỷ qua cũng như nêu ra những thách thức của đất nước, như là chuyển đổi kinh tế, đình trệ giảm nghèo, hậu COVID, đô thị hóa nhanh chóng… trong khi theo đuổi mục tiêu quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Vậy nên, ông chia sẻ rằng Báo cáo đã nêu bật được điểm nghẽn then chốt của hiện tượng đáng chú ý nhất là "đô thị hóa tình trạng nghèo đói" đang gia tăng. TS. Andrea hy vọng rằng Báo cáo sẽ là một tài liệu quý đóng góp cho việc thảo luận khuyến nghị chính sách trên chặng đường kế tiếp, đặc biệt nhấn mạnh khía cạnh phát triển không gian và nhu cầu dự liệu phục vụ đánh giá tác động.
PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cùng với TS. Andrea Coppola, Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì hội nghị và TS. Judy Yang, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp, NHTG, tác giả chính của bản báo cáo (từ phía bên phải của ảnh sang)
Phát biểu tại Hội nghị, PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban BKTTW đánh giá cao việc NHTG đã nghiên cứu và hoàn thành Báo cáo, nhất là trong bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam đang tích cực tổng kết 40 năm đổi mới và chuẩn bị Văn kiện cho Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí khẳng định Báo cáo sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho việc hoạch định các chính sách xã hội nói chung và chính sách giảm nghèo của Việt Nam trong thời gian tới. PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ mong muốn NHTG tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các báo cáo đánh giá những biến động mới, đặc biệt quá trình kép chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tác động như thế nào tới nền kinh tế đang dịch chuyển của Việt Nam.
TS. Andrea Coppola, Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu khai mạc
TS Judy Yang, chuyên gia kinh tế cao cấp, NHTG, đã trình bày những nội dung chính của Báo cáo “Cập nhật Tình trạng Nghèo và Bình đẳng ở Việt Nam - Hướng tới các thành phố phát triển bao trùm hơn”. Báo cáo tập trung cập nhật biến động nghèo và bình đẳng ở Việt Nam trong giai đoạn thập kỷ qua, và vấn đề thách thức trong phát triển bao trùm ở các khu đô thị và thành phố. Bài trình bày tập trung vào những điểm nóng do những cú sốc kinh tế, tác động môi trường, ngập lụt, sức ép đô thị hoá tới phát triển đô thị. TS Yang đề cập tới tầm nhìn phát triển của những nhà lãnh đạo cần theo hướng mở rộng cho Chặng đường Kế tiếp. Theo bà, đó là một chặng đường tiếp sau của Chặng đường Cuối của công cuộc giảm nghèo thành công thời gian đã qua. Trong bối cảnh mới, nhiều bất định, nhiều cú sốc và bẫy thu nhập trung bình, Chặng đường Kế tiếp cần có tầm nhìn mới và đặt ra cách tiếp cận hoàn toàn khác so với Chặng đường Cuối đã qua. TS. Judy nhấn mạnh khu vực đô thị là vô cùng quan trọng đối với việc duy trì tốt và thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Sự khác biệt quan trọng trong việc hoạch định chính sách phát triển nói chung và chính sách nghèo đối với khu vực đô thị và khu vực nông thôn cần đặt trọng tâm vào việc quản lý mật độ dân cư. Chính sách giảm nghèo đô thị sẽ thách thức hơn nhiều so với chính sách giảm nghèo nông thôn. Nếu như chính sách giảm nghèo nông thôn có được thành quả lớn nhờ vào sự tập trung đầu tư theo khu vực nói chung, thì chính sách giảm nghèo đô thị sẽ cần sự thiết kế theo đối tượng trong bối cảnh các nhóm hộ dân vô cùng đa dạng đan xen trên cùng một địa bàn. Sự đa dạng quá khác biệt trong cùng một thành phố đòi hỏi Việt nam cần có sự đầu tư vào dữ liệu hơn nữa, không chỉ là cuộc điều tra truyền thống và thống kê trung bình, mà cần dữ liệu bản đồ cho những yếu tố mức sống và rủi ro môi trường cho từng khu vực trong thành phố.
TS. Judy Yang, Ngân hàng Thế giới, trình bày Báo cáo “Cập nhật Tình trạng Nghèo và Bình đẳng ở Việt Nam - Hướng tới các thành phố phát triển bao trùm hơn”
Hội nghị đã diễn ra sôi nổi với phần thảo luận giữa các chuyên gia đầu ngành về phát triển bao trùm cùng với toàn thể các đại biểu tham dự. TS. Bùi Quang Tuấn đồng tình với những kết luận về đô thị hoá tình trạng nghèo của báo cáo. Ông cho rằng chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần lao động có kỹ năng nên đây chính là tác động tiêu cực tới nhóm nghèo đô thị không có kỹ năng. Bên cạnh đó, việc đô thị hoá tạo ra một nhóm dân cư được đền bù đất sản xuất kinh doanh để giải phóng mặt bằng cho xây dựng khu đô thị hoặc công trình giao thông đô thị nhưng họ không đủ năng lực tiếp cận cơ hội việc làm thay thế tốt hơn, mà chịu rủi ro tiêu dùng quá mức tiền đền bù vào tiêu sản, vấp phải rủi ro giảm sút thu nhập hoặc rơi vào nghèo. Theo TS. Tuấn, gia tăng bất bình đẳng chính là thách thức cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đi ngược lại mục tiêu một nền kinh tế vì con người mà Việt Nam đang theo đuổi. Mặt khác, ông cũng nhìn nhận cả tác động tích cực mà đô thị hoá nghèo mang lại, bao gồm việc tạo nguồn lao động ở đô thị, nơi có sự gia tăng các ngành dịch vụ trong bối cảnh già hoá dân số, như chăm sóc người già, dịch vụ chăm sóc cây xanh, dịch vụ vệ sinh khu đô thị... Quản trị đô thị cũng có thêm sức ép động lực để hoàn thiện hướng tới cung cấp dịch vụ công hiện đại, thông minh, hiệu quả hơn.
Phiên thảo luận chuyên gia: TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; PGS. TS. Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế, thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Nguyên Viện trưởng, Viện Kinh tế Việt Nam;TS. Steven Louis Rubinyi, Chuyên gia cao cấp về quản lý rủi ro thiên tai, Ngân hàng Thế giới; TS. Judy Yang, Chuyên gia Khối Nghèo và Công bằng Thực tiễn Toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (từ trái qua)
Tham gia thảo luận, TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nêu bật vấn đề thách thức hiện tại và chặng đường kế tiếp đòi hỏi sự chú trọng vào công tác quy hoạch đô thị và giao thông đô thị, tăng kết nối các vùng đô thị lõi và đô thị vệ tinh và các vùng ven đô. Với sức ép chi phí sinh hoạt của khu vực lõi đô thị, sự lựa chọn cho nhóm nghèo, nhóm nhập cư là sinh sống ở vùng ven đô thị. Điều này cũng giúp giảm tải áp lực về dịch vụ công giáo dục và y tế cho vùng lõi đô thị, khu vực nội đô. Việc phát triển hạ tầng giao thông công cộng kết nối tốt hơn từ vùng ven đô vào nội đô có vai trò vừa giúp nhóm dân cư ven đô, bao gồm cả nhóm nghèo, nhóm nhập cư, tiếp cận tốt hơn tới việc làm nội đô, thúc đẩy tăng trưởng, lại vừa tăng phúc lợi về các điều kiện sinh sống cho nhóm dân cư này.
TS. Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội, thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng tham gia thảo luận tại Hội nghị
Phản hồi về báo cáo, PGS. TS. Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế, thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng cơ hội để có những tác động tích cực giảm bất bình đẳng ở khu vực đô thị là thuận lợi hơn nhiều so với khu vực nông thôn nhưng cần tập trung với hai giải pháp: ngân sách cho an sinh xã hội và tăng cường chuyển đổi số. TS. Huyền đặc biệt đánh giá cao báo cáo khi đã đặt trọng tâm vào phát triển đô thị bao trùm. Ông bàn luận về sự bất định của nhiều rủi ro xảy ra, tạo tác động đan xen, như hậu COVID-19 và bão Yagi ở các khu vực thành phố du lịch ở Quảng Ninh, đòi hỏi công tác quản trị đô thị cần có sự thay đổi về tư duy và tăng cường hệ thống ứng phó rủi ro.
Toàn cảnh buổi tham vấn
TS. Steven Louis Rubinyi, Chuyên gia cao cấp về quản lý rủi ro thiên tai, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh rằng thách thức phát triển đô thị giờ đây ngày càng phức tạp hơn, nhất là với sự phân tán rộng khắp của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, nhóm nhập cư, lao động phi chính thức nghèo trên địa bàn thành phố. TS. Steven cũng chia sẻ kinh nghiệm ở các thành phố tại các quốc gia thu nhập trung bình, nơi đang vật lộn với nhiều vấn đề đan xen, không chỉ tắc nghẽn giao thông đô thị mà còn bởi tác động ngập lụt, ô nhiễm không khí. Ông cho rằng chính sách cần đặt trọng tâm chính là công tác quy hoạch đất và việc thực thi quyết sách tại các khu đô thị lớn, liên quan đến giải phóng mặt bằng và đền bù.
Ban chủ toạ cùng một số chuyên gia tham dự Hội nghị
Trần Hữu Đồng, Ban Kinh tế Trung ương