Tham dự buổi làm việc có các thành viên Tổ Biên tập các đề án của Ban Kinh tế Trung ương cùng đại diện Lãnh đạo các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đồng chí Nguyễn Thế Phương, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đại diện lãnh đạo một số các vụ, đơn vị chức năng trực thuộc Bộ.
Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương
phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Đồng chí Cao Đức Phát nhấn mạnh rằng, hiện Ban Bí thư Trung ương Đảng đang giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tiến hành xây dựng các đề án đánh giá về : (1) Kết quả triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, cơ chế, chính sách phát triển hợp tác xã kiểu mới trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; (2) Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ chính trị về định hướng khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; (3) Sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Châp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng đến năm 2010 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Do vậy, mục đích của buổi làm việc là được nghe Bộ kế hoạch và Đầu tư báo cáo đánh giá sơ bộ về 3 vấn đề trọng tâm trên.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo một số vụ liên quan của Bộ kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo chi tiết những kết quả đạt được trong thời gian qua, những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại, nguyên nhân chủ yếu và đặc biệt là xác định những giải pháp chủ yếu để tiếp tục thực hiện việc phát triển hợp tác xã, khoáng sản và đất đai trong giai đoạn tới phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đồng chí Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại buổi làm việc
Về phát triển Hợp tác xã
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tới nay toàn quốc có 19.216 hợp tác xã, thu hút trên 6 triệu thành viên tham gia. Từ sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực tới giữa năm 2016 thì cả nước tăng thêm 165 hợp tác xã (0,9%) nhưng số xã viên giảm hơn 286.000 thành viên và số lao động giảm hơn 200.000 người.
Tuy tổng số hợp tác xã tăng không nhiều nhưng hoạt động đã đi vào thực chất, hợp tác xã mới thành lập hoạt động tương đối đúng luật và hiệu quả. Doanh thu bình quân của một hợp tác xã đạt hơn 3,4 tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2013, trong đó doanh thu bình quân của hợp tác xã với thành viên cũng tăng từ 1,7 tỷ đồng lên 2,1 tỷ đồng. Lãi bình quân của một hợp tác xã tăng từ 194,5 triệu đồng lên 225,6 triệu đồng. Thu nhập bình quân của lao động tăng tới 35%, hiện ở mức 35,2 triệu đồng. Kết quả này là xu hướng tốt, hợp tác xã hoạt động đúng bản chất, vì lợi ích thành viên và phát triển bền vững.
Tuy có những chuyển biến tích cực trong những năm qua nhưng hợp tác xã vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém, còn nhiều khó khăn, bất cập lớn như bộc lộ tính không đồng bộ giữa mục tiêu và nội dung hoạt động kinh tế - xã hội phức tạp; trình độ tổ chức, năng lực quản lý trong các hợp tác xã nhìn chung còn yếu; hoạt động của các hợp tác xã còn thiếu gắn bó với nhau, chưa có sự liên kết hệ thống chặt chẽ cả về mặt kinh tế, xã hội và tổ chức.
Về khai thác khoáng sản
Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đã có những chuyển biến rõ nét; tình trạng cấp phép tràn lan cơ bản được khắc phục; Hoạt động khai thác khoáng sản đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục vạn lao động, đóng góp quan trọng cho nguồn thu cho ngân sách nhà nước hằng năm... Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, trong hai thập kỷ qua, nhiều loại khoáng sản của Việt Nam đã được khai thác ở quy mô lớn và đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Tình trạng thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xảy ra thường xuyên ở hầu hết các dự án khai thác khoáng sản, do công tác lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch, quyết định đầu tư dự án thiếu cơ sở, chưa tính toán đến các chi phí, lợi ích về mặt xã hội và môi trường. Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản quy mô nhỏ đang diễn ra khá phổ biến. Do vốn đầu tư của các doanh nghiệp hạn chế, khai thác bằng phương pháp thủ công, bán cơ giới, công nghệ lạc hậu và chạy theo lợi nhuận, ý thức chấp hành luật pháp chưa cao nên các chủ doanh nghiệp ít quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, để lại nhiều hậu quả xấu đến môi trường. Do vậy, đòi hỏi trong thời gian tới cần nhanh chóng xây dựng các cơ chế quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường.
Về quản lý đất đai
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tuy không triển khai trực tiếp các nội dung chỉ đạo trong Nghị quyết nhưng trong quá trình thực thi chức năng và nhiệm vụ của mình, Bộ cũng sơ bộ đánh giá rằng: vấn đề về quy hoạch sử dụng đất đã đảm bảo không gian phân bổ lực lượng sản xuất theo các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương và các ngành; công tác giao đất, cho thuê đất đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều chủ thể có điều kiện ổn định đầu tư trên đất mở rộng, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản và sản xuất nông nghiệp; chính sách về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư đã tạo điều kiện cho Nhà nước và các tổ chức kinh tế thuận lợi hơn trong việc điều chỉnh các mục tiêu phát triển; việc đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nhiều đổi mới, đơn giản hóa, từ đó góp phần đưa đất đai vào phục vụ sản xuất, thúc đẩy mở rộng và yên tâm đầu tư; việc xác định và thực hiện quyền, nghĩa vụ của các chủ thể được giao sử dụng đất được xác định tương đối rõ ràng; thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp đã được hình thành và hoạt động.
Đồng chí Phùng Quốc Chí, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại buổi làm việc
Tuy nhiên, trong thực tế còn tồn tại một số bất cập như: hiện đang có nhiều quy hoạch liên quan đến đất đai bị "quy hoạch treo" gây lãng phí, sử dụng không hiệu quả tài nguyên đất; hình thức giao đất không thu tiền gây tình trạng đất bỏ hoang nhưng không giao lại cho Nhà nước; việc thu hồi, bồi thường đất còn nhiều bất cập do giá bồi thường thấp hơn so với giá thị trường; mức độ hoạt động của thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp còn chậm, giá chuyển nhượng có sự khác nhau rõ rệt giữa các hộ gia đình và giữa các vùng,…
Cũng tại buổi làm việc, đại diện của các bộ, ngành, các thành viên Ban biên tập đề án cũng đã trao đổi, thảo luận những vấn đề về cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp tác xã, vấn đề khai thác khoáng sản và những hạn chế trong việc bán sản phẩm thô; cũng như cơ chế quản lý đối với đất đai như vấn đề quyền sở hữu đất, vấn đề định giá đất, sử dụng nguồn lực đất nông, lâm trường quốc doanh …
Phát biểu kết luận, Phó Trưởng ban Cao Đức Phát đánh giá cao những kết quả đạt được của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện các chính sách quản lý nhà nước về phát triển hợp tác xã, khoáng sản và đất đai trong thời gian qua, đồng thời, cũng đề nghị đại diện các bộ, ngành và tổ biên tập các đề án của Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục làm rõ hơn những đề xuất, kiến nghị và các giải pháp có liên quan đến 3 vấn đề trên, từ đó tổng hợp, biên tập và hoàn thiện các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian sớm nhất.
Tin, ảnh: Lan Anh