Vay vốn ngày càng khó khăn
Hội Doanh nhân trẻ Ðồng Nai có hơn 500 hội viên, đa số là những doanh nghiệp nhỏ, doanh thu chỉ vài tỷ đồng mỗi năm. Hầu hết các doanh nghiệp đều ít vốn, chỉ đủ thuê nhà xưởng rồi mua máy móc sản xuất là cạn tiền. Muốn có vốn mở rộng hoạt động phải đi vay. Nhưng vay ngân hàng khó quá bởi yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Không ít doanh nghiệp phải vay bên ngoài với lãi suất rất cao. Thiếu vốn khiến các doanh nghiệp cứ nhỏ bé mãi, không thể phát triển.
Khó khăn về tiếp cận vốn còn là tình trạng chung của hầu hết doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Chỉ có 17,8% số doanh nghiệp tư nhân được hỏi cho biết có khoản vay từ các tổ chức tín dụng trong năm 2022, theo báo cáo của VCCI. Như vậy, tuyệt đại đa số doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay ngân hàng.
Vấn đề là tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần. Năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp có khoản vay từ các tổ chức tín dụng là gần 49%, sang năm 2018 tỷ lệ này giảm còn 45%, năm 2019 còn 43%, năm 2020 còn hơn 43%, năm 2021 còn trên 35% và năm 2022 chỉ còn gần 18%.
Khảo sát PCI 2022 cũng cho thấy, có hơn 79% doanh nghiệp cho biết trở ngại lớn nhất khi vay vốn là không có tài sản thế chấp. Không vay được vốn từ các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp phải xoay sở từ các nguồn khác.
Năm 2022 có gần 76% doanh nghiệp cho biết phải vay mượn bạn bè người thân… cao hơn con số 51% của năm 2021. Đáng ngại hơn cả, có gần 13% số doanh nghiệp cho biết phải vay tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ”, tăng cao hơn con số 4% của năm 2021.
Thiếu vốn đang là vấn đề nghiêm trọng bậc nhất của doanh nghiệp Việt Nam. Để họ dễ tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hơn, cần phải giải quyết 2 điểm nghẽn lớn.
Điểm nghẽn tiếp cận đất đai
Trong các loại tài sản thế chấp được các tổ chức tín dụng chấp nhận, đất đai và tài sản gắn liền với đất là phổ biến nhất. Chính vì thế, doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng hơn đồng nghĩa với việc họ có thể có một loại tài sản thế chấp hữu hiệu khi muốn vay vốn ngân hàng.
Tuy nhiên, tiếp cận đất đai ngày càng khó khăn với các doanh nghiệp tư nhân. Từ năm 2013 trở về trước, các doanh nghiệp tiếp cận đất đai khá thuận lợi, nhưng sau đó, họ gặp ngày càng nhiều khó khăn. Theo khảo sát hàng năm của VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân có quyền sử dụng đất cao nhất vào năm 2008 với 81,2%, sau đó tủ lệ này giảm dần, và chỉ còn hơn 40% hiện nay. Việc quản lý đất đai ở các địa phương dường như không có chuyển biến từ năm 2013 đến nay.
Không có quyền sử dụng đất đồng nghĩa với việc doanh nghiệp thiếu đi một loại tài sản thế chấp để có thể tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. Khi không tiếp cận được tín dụng, nhiều doanh nghiệp sẽ không thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, bỏ lỡ các cơ hội đầu tư mới. Đây là một cái vòng luẩn quẩn, kiềm chế sự phát triển lâu dài của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho phép các doanh nghiệp được hưởng nhiều quyền lợi, trong đó có quyền tiếp cận đất đai. Tuy nhiên, trên thực tế, chẳng ai biết có bao nhiêu doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng quyền lợi này theo luật.
Những khó khăn chủ yếu khi tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp được chỉ ra là: quy hoạch đất đai của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều địa phương luôn “thiếu quỹ đất sạch”; thông tin dữ liệu về đất đai thiếu minh bạch; các thủ tục hành chính phức tạp; giá đất theo quy định của Nhà nước cao; công tác giải phóng mặt bằng chậm và việc xử lý hồ sơ về đất đai quá lâu.
Trong khi các doanh nghiệp tư nhân vẫn loay hoay với câu hỏi, làm sao có đất thì các doanh nghiệp FDI lại được “trải thảm đỏ” ở hầu hết các tỉnh thành. Họ được ưu tiên tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh. Điều này đã tạo ra một môi trường kinh doanh thiếu bình đẳng, các doanh nghiệp tư nhân vốn đã nhỏ bé càng khó có cơ hội vươn lên.
Các doanh nghiệp kỳ vọng, Luật Đất đai sửa đổi tới đây sẽ góp phần gỡ bỏ nhiều nút thắt, để dễ dàng tiếp cận hơn và bình đẳng hơn.
Nút thắt quyền tài sản
Quyền tài sản là một nhóm quyền, được bảo vệ bởi luật pháp của các cá nhân và tổ chức trong việc nắm giữ hay định đoạt những tài sản nhất định và trong việc nắm giữ lợi ích từ quá trình sử dụng những tài sản đó.
Hiện tại, pháp luật Việt Nam vẫn chưa rõ ràng và đầy đủ để xác định quyền tài sản. Điều này dẫn đến khó khăn cho cá nhân, pháp nhân khi có nhu cầu sử dụng các quyền liên quan tới tài sản. Chẳng hạn, có nhiều loại quyền tài sản chưa được thừa nhận một cách rõ ràng như: quyền thuê bất động sản, quyền khai thác khoáng sản, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, quyền nhận số tiền bảo hiểm...
Nếu quyền tài sản được pháp luật bảo vệ tốt, người dân và doanh nghiệp sẽ luôn cố gắng khai thác tối ưu những lợi thế và công năng của tài sản, nhằm đạt được năng suất và hiệu quả cao nhất. Họ có thể sử dụng tài sản để thế chấp vay vốn hoặc chuyển nhượng, nhằm thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh. Ngược lại, quyền tài sản không được bảo vệ hữu hiệu sẽ hạn chế cơ hội và sự sáng tạo của người dân trong việc khai thác giá trị của tài sản.
Quyền tài sản là một trong những tiêu chí quan trọng của môi trường kinh doanh ở mỗi quốc gia. Tuy nhiên, hầu hết các xếp hạng về quyền tài sản dành cho Việt Nam của các tổ chức quốc tế đều ở vị trí rất thấp. Cần có đánh giá lại thực chất nội dung quyền tài sản và hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan, để quyền tài sản được thừa nhận và bảo vệ, giúp các tổ chức, cá nhân khai thác hiệu quả.
Chúng ta muốn chủ động hội nhập và vận hành một nền kinh tế độc lập, tự chủ thì cần có cách tiếp cận khác đi để doanh nghiệp dân tộc có không gian tốt hơn để phát triển.
Theo Tuần Vietnamnet