Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó có mục tiêu: Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam. Nghị quyết đã chỉ rõ nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa, trong đó khẳng định: Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển. Đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa. Nâng cao ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội. Củng cố và tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý và thực thi quyền tác giả từ Trung ương đến địa phương.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Chính phủ
Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, nội dung xây dựng, phát triển văn hóa, con người tiếp tục chỉ rõ: Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa. Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển. Đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường dịch vụ, sản phẩm văn hóa, sản phẩm văn hóa lành mạnh; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa; tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam. Nâng cao ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội.
Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ Chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ/TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã chỉ rõ các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng…
Tuy nhiên, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng. Nhận diện rõ vấn đề đó, trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII, phần nội dung thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ tiếp tục chỉ rõ: Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới. Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch. Đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau.
Trên thế giới, công nghiệp văn hóa đã và đang trở thành ngành kinh tế trọng điểm của nhiều quốc gia. Ở nước ta công nghiệp văn hóa bước đầu đã phát triển và đạt được một số kết quả đáng khích lệ, một số lĩnh vực dần vươn lên trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng. Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Để nhanh chóng triển khai có hiệu quả đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa cần khẩn trương thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền đường lối của Đảng về đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục quán triệt và nhận thức sâu sắc về đường lối chỉ đạo của Đảng, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, vai trò của công nghiệp văn hóa trong đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Xác định công nghiệp văn hóa là một trong những nguồn lực nội sinh quan trọng, từ đó có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa đáp ứng mục đích yêu cầu trong tình hình mới, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.
Hai là, quán triệt sâu sắc đường lối chỉ đạo của Đảng về khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam. Cần có các giải pháp để triển khai thực hiện ngay việc xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của nguồn lực văn hóa phong phú, bề dày truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường và đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành và các chủ thể trong quá trình triển khai thực hiện.
Xác định trọng tâm, trọng điểm những ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển theo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Các ngành, đơn vị, địa phương phải xác định rõ những tiềm năng, lợi thế của mình để lựa chọn phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Những sản phẩm, dịch vụ cần tập trung đầu tư để tạo hiệu quả tích cực và có sức lan tỏa cao. Có giải pháp phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch.
Tăng cường đầu tư cho công nghiệp văn hóa theo hướng tập trung nguồn lực, tránh đầu tư dàn trải để tạo các bước đột phá. Xác định trọng tâm, trọng điểm những ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng cũng là giải pháp tiết kiệm, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực để phát triển một cách bền vững.
Ba là, khuyến khích ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo thuận lợi cho phát triển các doanh nghiệp văn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp văn hóa. Phát triển công nghiệp văn hóa đặc biệt quan tâm phát triển các sản phẩm có tính chất sáng tạo; tiếp thu có chọn lọc các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Bốn là, kịp thời bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi các chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết; tạo điều kiện tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ văn hóa; tạo môi trường pháp lý thuận lợi xây dựng, phát triển thị trường văn hóa lành mạnh.
Năm là, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam. Trước mắt xem xét ban hành các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với các chủ thể thực hiện. Tăng cường công tác quản lý về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả nhằm nâng cao ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả đối với các sản phẩm sáng tạo./.
Tài liệu tham khảo :
- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI,XII,XIII của Đảng
- Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước
Hoàng Văn Long, Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế