Đa số các quốc gia, chí ít, cũng đang cân nhắc đến việc phát hành đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC - Central Bank Digital Currency). Tính đến giữa năm 2023 , 81 trong số 86 ngân hàng trung ương, đại diện cho các nước chiếm 94% GDP và 81% dân số toàn cầu, đang nghiên cứu khả năng phát hành CBDC. Đến cuối năm 2024 , chỉ có ba quốc gia đã phát hành CBDC, cụ thể là: Bahamas (Sand Dollar, từ năm 2020), Nigeria (e-Naira, từ năm 2021) và Jamaica (JAM-DEX, từ năm 2022). Và khoảng 1/3 các quốc gia tham gia phát triển CBDC đã bước vào giai đoạn thí điểm, trong đó có tất cả thành viên sáng lập BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Kinh nghiệm của các quốc gia đã triển khai hoặc “thử nghiệm” CBDC vài năm cho thấy trong quá trình triển khai thí điểm sẽ gặp nhiều khó khăn tương đồng. Người sử dụng chưa hiểu được lợi ích của giải pháp thanh toán bổ sung, người bán hàng chậm cập nhật hạ tầng thanh toán và các ngân hàng chưa thực sự sẵn sàng tham gia một cách tích cực vào việc mở rộng công nghệ thanh toán mới. Đề án thí điểm CBDC lớn nhất - đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY) - là minh chứng rõ nhất về điều này mà kết quả đã được các chuyên gia kinh tế của Đại học Cornell, Đại học Thanh Hoa và Tổng Công ty Đầu tư Trung Quốc (China Investment Corporation - CIC, quỹ đầu tư quốc gia của Trung Quốc gồm các cổ đông là một số ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc) phân tích, đánh giá .
Theo đó, Trung Quốc là quốc gia tiên phong trong phát triển CBDC, bắt đầu nghiên cứu khả năng phát hành đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương vào năm 2014 và đến năm 2019, khi các nước lớn khác trên thế giới bắt đầu cân nhắc đến khả năng này, Trung Quốc đã khởi động đề án thí điểm. Vì vậy, việc phân tích kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc triển khai CBDC trong hoạt động bán lẻ nhằm hướng tới nhiều đối tượng người sử dụng có thể mang ý nghĩa quan trọng giúp các quốc gia khác xác định và tránh được những rủi ro, khó khăn tiềm ẩn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số: Khởi đầu
Thí điểm triển khai đồng nhân dân tệ kỹ thuật số là đề án lớn nhất, xét về cả khối lượng tiền kỹ thuật số đưa vào lưu hành lẫn số lượng người sử dụng. Ngoài ra, việc dùng đồng e-CNY trong đề án thí điểm còn bao gồm nhiều phương án khác nhau, từ hoạt động thanh toán các giao dịch mua sắm hàng ngày cho đến việc nộp thuế.
Quá trình nghiên cứu phát triển đồng e-CNY Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bắt đầu nghiên cứu CBDC vào năm 2014 trên cơ sở việc thành lập một nhóm đặc biệt để nghiên cứu các phương pháp phát hành, công nghệ cốt lõi, những đặc điểm lưu thông đồng tiền kỹ thuật số và kinh nghiệm quốc tế vào thời điểm đó. Năm 2016, Viện Nghiên cứu đồng tiền kỹ thuật số được thành lập tại Trung Quốc, nơi nguyên mẫu đầu tiên của CBDC được phát triển và đến cuối năm 2017 bắt đầu được PBOC hợp tác với các ngân hàng thương mại để phát triển và thử nghiệm sản phẩm. Năm 2019, PBOC đã triển khai thí điểm tại Thẩm Quyến, Tô Châu, Hùng An, Thành Đô và các địa điểm tổ chức Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh. Đến mùa hè năm 2024, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đã có mặt ở một nửa các địa phương của Trung Quốc. |
Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số tuân thủ theo hệ thống ngân hàng hai cấp, với cấp cao là ngân hàng trung ương và cấp thấp là các tổ chức tín dụng. PBOC phát hành và mua đồng e-CNY thông qua 10 ngân hàng thương mại được ủy quyền. Các ngân hàng này đóng vai trò là trung gian chính và phân phối đồng e-CNY ra thị trường, khi cung cấp dịch vụ tạo ví tiền kỹ thuật số để thực hiện giao dịch giữa những người sử dụng. Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, giống như tiền mặt thông thường, không mang lại lợi tức cho người sử dụng - điều giới hạn khả năng của đồng tiền này thay thế tiền gửi ngân hàng. PBOC không thu phí của các ngân hàng khi xử lý các giao dịch liên quan đến đồng e-CNY và theo đó, các ngân hàng cũng không được phép thu phí từ người sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.
Các tổ chức tài chính trung gian phi ngân hàng như nền tảng thanh toán AliPay và WeChat Pay được khuyến khích thúc đẩy việc sử dụng đồng e-CNY như một trong những phương thức thanh toán trong hệ sinh thái kinh doanh của mình.
Đề án thí điểm ứng dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số bắt đầu vào năm 2019 tại một số tỉnh và đến năm 2024 đã có 17 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương tham gia. Có sử dụng nhiều phương pháp để quảng bá đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đến người sử dụng: (i) Quay xổ số và phân phát miễn phí đồng nhân dân tệ kỹ thuật số thông qua hình thức “phong bì đỏ” kỹ thuật số (phong bì đỏ là món quà truyền thống được tặng ở Trung Quốc trong những ngày lễ, tết). Các phiếu trúng thưởng bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể được sử dụng để thanh toán hàng hóa tại các cửa hàng bán lẻ, nạp tiền vào thẻ giao thông, nhưng không thể chuyển đổi thành tiền mặt. Điển hình, vào tháng 2/2023, chương trình tặng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số diễn ra đúng với dịp Lễ hội Thẩm Quyến đã là tăng tốc độ đăng ký sử dụng ví e-CNY từ khoảng 145.000 ví trong ba ngày trước lễ hội lên gần 190.000 ví trong ba ngày tiếp theo. (ii) Giảm giá khi thanh toán hàng hóa hoặc dịch vụ. Ví dụ, vào tháng 10/2022, đã có một ngân hàng áp dụng giảm giá khi thanh toán bằng e-CNY, góp phần đưa số lượng từ 30.000 ví được khởi tạo trước đó ba ngày lên thành gần 140.000 ví trong hai ngày tiếp theo. (iii) Thanh toán khi sử dụng giao thông công cộng. Năm 2022, Quảng Châu, thành phố lớn thứ ba Trung Quốc về dân số, bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền này khi đi xe điện bằng cách tạo mã QR trong ứng dụng ví nhân dân tệ kỹ thuật số. Một số thành phố khác cũng đã áp dụng thanh toán phương tiện giao thông công cộng bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Năm 2021, tất cả các máy bán vé tự động được lắp đặt trên tuyến tàu điện ngầm mới mở cửa đều chấp nhận thanh toán bằng đồng e-CNY. (iv) Các khoản thanh toán của nhà nước và cho nhà nước. Trong năm 2022-2023, Bank of Communications, một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất Trung Quốc, đã hợp tác với Trung tâm việc làm Thượng Hải để chi trả trợ cấp thất nghiệp bằng đồng e-CNY; các công chức tại Thiên Tân và Thường Thục được yêu cầu thiết lập ví điện tử CNY để nhận lương bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số; một số địa phương bắt đầu chấp nhận thanh toán các khoản thuế từ cá nhân bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. (v) Mở rộng số lượng người tham gia hệ thống e-CNY. Vào năm 2021, các nền tảng thương mại điện tử sử dụng WeChat hoặc AliPay, chẳng hạn như JD và Ctrip đã bắt đầu đưa e-CNY vào làm phương thức thanh toán thay thế sau khi được các cơ quan quản lý yêu cầu. Apple, Huawei, Xiaomi, Vivo, OPPO và các doanh nghiệp sản xuất điện thoại thông minh khác triển khai đưa ứng dụng e-CNY vào danh mục sản phẩm của mình. (vi) Mở rộng số lượng các phương thức sử dụng e-CNY. Trong năm 2023, các sản phẩm tài chính bằng e-CNY được một công ty môi giới cung cấp; người dân có thể mua các gói tập gym e-CNY trả trước; giao dịch dầu đầu tiên trên Sàn giao dịch dầu mỏ Thượng Hải bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đã được China Petroleum thực hiện …
Đến giữa năm 2024, khối lượng giao dịch bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đã đạt 7 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 986 tỷ USD) , tăng gần gấp 4 lần chỉ trong vòng 1 năm . Tuy nhiên, theo ước tính của nhóm các chuyên gia kinh tế kể trên, quá trình đưa đồng nhân dân tệ kỹ thuật số vào sử dụng vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu. Số dư bình quân đầu người của ví tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành chỉ khoảng 12 nhân dân tệ, so với số dư bình quân đầu người của tiền gửi ngân hàng là 98.000 nhân dân tệ. Người sử dụng vẫn ưa chuộng thẻ ngân hàng và ví điện tử của các ứng dụng thanh toán, cụ thể: năm 2023, khối lượng giao dịch bằng các ứng dụng này lên tới 572,3 nghìn tỷ nhân dân tệ, trong khi bằng thẻ ngân hàng cao gấp gần gấp 2 lần. Trong cơ cấu lượng tiền mặt đang lưu hành của Trung Quốc (M0), tỷ trọng của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số chỉ chiếm chưa đến 0,2%.
Nguyên nhân của hạn chế trong triển khai e-CNY
Các chuyên gia kinh tế chỉ ra một số nguyên nhân việc áp dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số vẫn còn hạn chế. Nhờ công nghệ thanh toán di động, Trung Quốc đã là một nền kinh tế gần như không dùng tiền mặt vào thời điểm đồng e-CNY được triển khai. Đồng CBDC như giải pháp thay thế tiền mặt không phải là sáng kiến mới đối với người dùng Trung Quốc và vì thế phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các phương thức thanh toán điện tử hiện có (AliPay, WeChat Pay).
Ngân hàng trung ương khó có thể liên tục tạo ra động lực cho tất cả các bên tham gia vào các hoạt động giao dịch tiền kỹ thuật số. Các ngân hàng không thể tạo ra doanh thu từ e-CNY giống như từ thẻ ngân hàng hoặc sử dụng tiền kỹ thuật số để mở tài khoản tiền gửi và tạo ra các khoản vay, nhưng vẫn phải chịu các chi phí vận hành để điều chỉnh các công nghệ hiện có của mình hoạt động được với ví e-CNY.
Hệ sinh thái e-CNY cũng kém hấp dẫn hơn so với hệ sinh thái của những doanh nghiệp công nghệ khổng lồ như Alibaba và WeChat. Người bán đã quá quen thuộc với những nền tảng này; bản thân các nền tảng cung cấp những sản phẩm có lợi tức, những sản phẩm được cá nhân hóa để mua sắm trực tuyến, cũng như các dịch vụ “xã hội” như trò chuyện và chia sẻ video. Các nền tảng cũng được hưởng lợi từ khối lượng lớn dữ liệu người dùng, cho phép họ phát triển thêm “các tiện ích bổ sung” vào các hệ sinh thái của mình.
Động lực để người dân sử dụng e-CNY không đủ mạnh do sự tồn tại của các hệ thống thanh toán điện tử cho những khoản chi tiêu nhỏ và thẻ ngân hàng cho các khoản chi tiêu lớn. Lợi ích của việc chuyển sang đồng CBDC vẫn chưa rõ ràng, mặc dù nhiều phần thưởng được áp dụng dành cho người dùng. Tuy nhiên, không giống như tiền mặt, người sử dụng e-CNY không thể ẩn danh.
Trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường với các hệ thống thanh toán điện tử hiện có, Chính phủ hạn chế về nguồn lực để thúc đẩy sử dụng e-CNY - về bản chất, phương pháp hiệu quả nhất đó là sự áp đặt phải thực thi quy định của Nhà nước.
Hơn cả tiền mặt kỹ thuật số
Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy những vấn đề triển khai CBDC tại một thị trường đã có sẵn các giải pháp thanh toán. Với việc có thêm nhiều kinh nghiệm triển khai CBDC từ Trung Quốc, phạm vi và mục đích sử dụng tiền kỹ thuật số phải rộng hơn, không chỉ là phiên bản kỹ thuật số của tiền mặt truyền thống.
Từ việc chỉ thay thế tiền mặt trong bán lẻ, đồng CBDC sẽ cần phát triển thành một công cụ thanh toán đa chức năng trong và ngoài nước. Theo đó, sẽ bổ sung thêm chức năng hợp đồng thông minh cho các trường hợp sử dụng, như thanh toán xuyên biên giới, những giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau, mua những sản phẩm tài chính hoặc cấp các khoản vay ngân hàng.
PBOC đang phát triển hệ sinh thái các hợp đồng thông minh bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số: Các mô-đun hợp đồng trong hệ thống này có thể được phát triển bởi chính ngân hàng trung ương và cả những bên tham gia khác, với điều kiện ngân hàng trung ương sẽ đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật và cấp phép cho các mô-đun này. Các ngân hàng tham gia sẽ có thể điều chỉnh các hình thức hợp đồng cho phù hợp với nhu cầu kinh doanh. Chẳng hạn, đã có mô-đun “thanh toán an toàn” (cung cấp khả năng lưu trữ khoản tiền đặt cọc trả trước từ người mua, nơi người mua xác nhận với người bán việc chuyển tiền, điều này đảm bảo sự an toàn cho các khoản tiền của người mua).
Mặc dù PBOC né tránh việc định vị e-CNY như một công cụ thúc đẩy việc quốc tế hoá đồng nhân dân tệ, nhưng sự phát triển của e-CNY thực sự có thể là biện pháp nữa để cụ thể hoá tiến trình này. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc đang tạo nên những cơ hội để e-CNY được sử dụng như một sản phẩm thay thế cho SWIFT, và sự tham gia của Trung Quốc vào mBridge - dự án nền tảng đang được phát triển dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế để hỗ trợ thanh toán trên bằng nhiều loại đồng CBDC , có thể làm gia tăng sức hấp dẫn của e-CNY trên thị trường thế giới.
Các vấn đề kỹ thuật số
Ngân hàng trung ương các quốc gia khác cũng gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai đồng CBDC , và vấn đề quan trọng nhất chính là mức độ quan tâm thấp của người dân và các doanh nghiệp bán lẻ đối với công cụ mới này.
Ngân hàng Trung ương Bahamas đã chỉ ra một loạt yếu tố lý giải tỷ lệ sử dụng đồng Sand Dollar ở mức thấp , cụ thể như sự tham gia hạn chế của các điểm kinh doanh bán lẻ vào mạng lưới CBDC, cũng như sự tích hợp không đầy đủ với hệ thống ngân hàng truyền thống. Các ngân hàng và liên minh tín dụng tham gia một cách chậm trễ vào đề án và còn nhiều khoảng trống trong công tác tuyên truyền đến người dùng về những ưu điểm và các phương thức sử dụng hệ thống đồng tiền kỹ thuật số.
Ở Jamaica, người dùng thiếu thông tin, những khó khăn trong việc thu hút người bán, các vấn đề nâng cấp thiết bị đầu cuối thanh toán và thiếu động lực tích hợp JAM-DEX vào hệ thống của mình từ phía các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các máy ATM cũng là những rào cản đối với việc sử dụng đồng CBDC .
Việc sử dụng đồng e-Naira tại Nigeria diễn ra chậm một phần là do cách tiếp cận riêng của ngân hàng trung ương, khi đưa hệ thống này vào vận hành theo từng giai đoạn. Một năm sau khi hệ thống ra mắt, có đến 98,5% ví e-Naira vẫn chưa được sử dụng, mặc dù đề án này đã chứng minh được tính ổn định về khía cạnh kỹ thuật.
Ngân hàng trung ương của Liên minh tiền tệ Đông Caribe triển khai chương trình thí điểm đồng DCash vào năm 2021 thừa nhận quá tập trung vào việc phát triển công nghệ, thay vì quan tâm đúng mức vào việc ứng dụng đồng tiền kỹ thuật số này . Do vậy, đồng DCash đã gặp phải những vấn đề liên quan đến tích hợp với các thiết bị đầu cuối thanh toán tại các điểm bán lẻ và sự quan tâm của người dân ở mức thấp. Thêm vào đó, niềm tin vào DCash bị suy giảm do hệ thống ngừng hoạt động kéo dài, cùng với công tác truyền thông thiếu kịp thời từ phía ngân hàng trung ương. Cuối cùng, chương trình thí điểm DCash đã bị dừng lại vào năm 2024; dự kiến ngân hàng trung ương của Liên minh sẽ triển khai phiên bản mới - DCash 2.0 .
Kết quả ứng dụng đồng CBDC của Ấn Độ được triển khai thí điểm vào cuối năm 2022, giống như kinh nghiệm Trung Quốc, sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự tương tác của đồng tiền kỹ thuật số này với các phương tiện thanh toán thay thế, cụ thể là với Giao diện thanh toán hợp nhất (Unified Payments Interface - UPI), hệ thống thanh toán nhanh hiện có tại quốc gia này. Tính đến tháng 5/2024, đồng e-Rupee đã đưa vào lưu hành là 3,23 tỷ, tăng khoảng 200% trong vòng 1,5 năm, nhưng vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số lượng tiền mặt đang lưu hành (đến giữa năm 2023 là khoảng 36 nghìn tỷ rupee ).
Một số giải pháp khả thi
Nhìn chung, có thể thấy không một đồng tiền kỹ thuật số nào kể trên được sử dụng rộng rãi trong vài năm, khi chỉ chiếm tỷ trọng chưa đến 0,2% tổng số tiền mặt đang lưu hành. Như vậy, việc phân tích những vấn đề liên quan đến hoạt động thí điểm và triển khai đồng CBDC tại khu vực Caribe (Sand Dollar, DCash, JAM-DEX) cho phép đưa ra một số kết luận cơ bản .
Trước tiên, dù mục tiêu chính và ngay từ ban đầu của từng đề án đồng CBDC là phát triển công nghệ cần thiết, nhưng giải pháp công nghệ lại không ảnh hưởng đến việc sử dụng CBDC (cả 3 đồng tiền kỹ thuật số được phân tích đều dựa trên các công nghệ thiết kế khác nhau: Lấy ví dụ, đồng Sand Dollar của Bahamas được xây dựng theo công nghệ sổ cái phân tán, trong khi đồng JAM-DEX của Jamaica - sổ cái tập trung).
Thứ hai, đồng CBDC phải được tích hợp vào hệ sinh thái thanh toán một cách toàn diện. Đối với người dùng, ví CBDC có thể được tích hợp với tài khoản ngân hàng, cho phép chuyển tiền “liền mạch” giữa các tài khoản, trong khi đối với các doanh nghiệp bán lẻ, hệ thống này phải được kết nối với thiết bị đầu cuối thanh toán và tài khoản ngân hàng của mình.
Theo số liệu khảo sát của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, 75% ngân hàng trung ương các nước phát triển và 78% ngân hàng trung ương các nước đang phát triển coi việc tích hợp với các hệ thống thanh toán hiện có là yếu tố chính để phát triển đồng CBDC.
Cuối cùng, để người tiêu dùng sử dụng đồng CBDC, cần phải chứng minh về giá trị gia tăng mà đồng tiền kỹ thuật số này mang lại cho họ - điều mà không một ngân hàng trung ương nào thực hiện được.
Sự gia tăng những hình thức sử dụng các hệ thống thanh toán nhanh (FPS) cho thấy những lợi ích thực sự mang lại cho người tiêu dùng đã thúc đẩy sự lan toả mạnh mẽ của FPS - và cũng chính ngân hàng trung ương là đơn vị phát triển các hệ thống đó. Theo đánh giá của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, việc bổ sung một phương thức sử dụng trung bình sẽ làm tăng thêm 2% số lượng giao dịch bình quân đầu người thông qua FPS. Và việc bổ sung thêm một kết nối xuyên biên giới vào hệ thống cũng mang lại kết quả tương tự.
Ngân hàng Dự trữ Úc, lấy ví dụ, đã yêu cầu chính những bên liên quan tham gia thị trường đề xuất các phương án sử dụng đồng CBDC, mà có thể góp phần cải thiện đáng kể các dịch vụ thanh toán . Các công ty mong muốn tham gia chương trình thí điểm của Ngân hàng trung ương Úc (diễn ra vào năm 2023) đã đề xuất khoảng 110 phương án, trong đó có 16 phương án được lựa chọn để thử nghiệm. Theo đó, tất cả các ý tưởng có thể được chia thành 4 nhóm chủ đề: (i) Tạo ra các khoản thanh toán “thông minh hơn” (cụ thể như thực hiện các giao dịch bằng hợp đồng thông minh, nơi hoạt động thanh toán được tiến hành tự động khi đáp ứng các điều kiện cụ thể, cho phép triển khai các thoả thuận nhiều giai đoạn và giảm thiểu các rủi ro); (ii) Những sáng kiến đổi mới trên thị trường tài chính và thị trường vốn khác (như mã hóa tài sản, bao gồm cả các chứng chỉ carbon); (iii) Phát triển các sáng kiến về tiền kỹ thuật số tư nhân (khi đồng CBDC đảm bảo tính tương tác giữa các loại hình tiền tệ mới); (iv) Tăng cường tính bền vững và bao trùm, nhất là khả năng thanh toán ngoại tuyến khi gặp sự cố mất điện hoặc mạng viễn thông (ví dụ, sau thảm họa thiên nhiên), cũng như đơn giản hóa khả năng tiếp cận hệ thống tài chính đối với những đối tượng không có khả năng sử dụng các dịch vụ ngân hàng truyền thống của quốc gia (ví dụ: khách du lịch).
Trong sổ tay hướng dẫn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về đồng CBDC dành cho các ngân hàng trung ương lưu ý việc áp dụng tuần tự các kịch bản sử dụng hướng đến nhóm đối tượng mục tiêu cụ thể có thể mang lại hiệu quả, bởi vì việc cùng lúc thu hút tất cả các bên liên quan trên thị trường vào hệ thống có thể gặp khó khăn. Chẳng hạn, dịch vụ thanh toán Swish của Thụy Điển và hệ thống M-PESA của châu Phi được triển khai từ các giao dịch cá nhân ngang hàng (tức là thanh toán giữa những người dùng với nhau - P2P) và sau đó mới mở rộng giao dịch sang các phân khúc khác (như thương mại điện tử hoặc thanh toán bằng mã QR). Việc được sử dụng để thực hiện các khoản thanh toán của chính phủ như phúc lợi xã hội, các chương trình kích thích tài chính bằng đồng CBDC (Trung Quốc đã triển khai) cũng có thể tạo xung lực cho việc lan toả đồng CBDC.
Các bên trung gian cung cấp khả năng tiếp cận đồng CBDC cho người dùng cuối cũng cần những động lực về lợi ích khi cung cấp khả năng tiếp cận, chẳng hạn như hỗ trợ vay vốn và ưu đãi thuế. Phương pháp này đã được Chính phủ Ấn Độ triển khai khi ra mắt đồng UPI và đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt là khi các bên trung gian không được phép thu phí của người dùng khi truy cập vào hệ thống. Bên cạnh đó, việc giảm các chi phí giao dịch cũng là một phương pháp mà được Ngân hàng Trung ương Brazil triển khai có hiệu quả với hệ thống thanh toán nhanh Pix.
Cơ hội đối với các bên trung gian trong việc thiết kế và thu lợi từ các dịch vụ bổ sung giúp họ có được nguồn doanh thu từ việc tham gia vào hệ thống, qua đó thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền kỹ thuật số một cách tích cực hơn. Với sự cho phép của chính người dùng, các bên trung gian cũng có thể thu lợi từ các dữ liệu thanh toán của họ (để đánh giá chấm điểm, bán chéo cho nhau, quảng cáo, v.v.).
Để thu hút được nhiều hơn người dùng cuối, ngoài những ưu đãi về tài chính khi mở ví điện tử như trường hợp Trung Quốc, các ưu đãi đối với việc sử dụng lại (hoàn tiền, chương trình khách hàng thân thiết) và ưu đãi cho các doanh nghiệp bán lẻ (các phần thưởng để giảm các chi phí ứng dụng công nghệ hoặc các chi phí giao dịch) cũng có thể sẽ mang lại hiệu quả./.
Tài liệu tham khảo
1. Embracing diversity, advancing together - results of the 2023 BIS survey on central bank digital currencies and crypto.
2. Central Bank Digital Currency (CBDC) - Virtual Handbook.
3. Adoption of central bank digital currencies: Initial evidence from China - ScienceDirect.
4. JD là công ty bán lẻ lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh thu với hơn 340 triệu người dùng hoạt động hàng tháng; Ctrip là ứng dụng du lịch có gần 70 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
5. Crude oil deal in e-CNY marks breakthrough - Chinadaily.com.cn.
6. China's digital yuan transactions hit 7 trln yuan | english.scio.gov.cn
7. China's digital yuan transactions seeing strong momentum, says cbank gov Yi | Reuters
8. Project mBridge reached minimum viable product stage
9. Central Bank Digital Currency (CBDC) - Virtual Handbook
10. The Bahamas’ Experience with the Sand Dollar Remarks by Governor John Rolle- Central Bank of the Bahamas
11. Observations from the Retail CBDCs of the Caribbean - Federal Reserve Bank of Kansas City
12. Nigeria’s eNaira, One Year After.
13. ECCB Governor views expansion of merchant network to boost DCash use in A&B, subregion - Antigua Observer Newspaper
14. Region-Wide Service Interruption of DCash Platform
15. ECCB Launches DCash Public Survey: Have Your Say and Win Up to $3,000
16. Wayback Machine
17. Observations from the Retail CBDCs of the Caribbean - Federal Reserve Bank of Kansas City
18. bis.org/publ/bppdf/bispap147.pdf
19. rba.gov.au/payments-and-infrastructure/central-bank-digital-currency/pdf/australian-cbdc-pilot-for-digital-finance-innovation-project-report.pdf
20. Central Bank Digital Currency (CBDC) - Virtual Handbook
Nguyễn Quang Huy,
Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Chính sách, chiến lược TW.