Một số tư duy phát triển bền vững, bao trùm về khu vực kinh tế phi chính thức, lao động phi chính thức trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam
Một số tư duy phát triển bền vững, bao trùm về khu vực kinh tế phi chính thức, lao động phi chính thức trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam
TS. Triệu Tài Vinh,
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
Kết quả đổi mới của Việt Nam nổi lên như một "hiện tượng" của thế giới, do cách tiếp cận đúng đắn từ quan điểm, mục tiêu và giải pháp thực hiện phù hợp, hiệu quả. Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với 8 kỳ Đại hội, Đảng ta luôn chú trọng tới công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, nhất là qua 4 kỳ Đại hội gần đây.
Nhìn tổng quát, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những thành tựu to lớn và rất quan trọng, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình[1].
Ảnh minh họa
Mục tiêu của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là để góp phần vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, nắm vững quy luật khách quan. Các chính sách kinh tế nhằm mục đích giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Những tiến bộ kinh tế phải thể hiện trong việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Rõ nét nhất là đổi mới nhận thức, tư duy kinh tế trong 35 năm qua. Trong đó, tư duy kinh tế về bản chất kinh tế thị trường và những nội hàm của tính định hướng xã hội chủ nghĩa, được xác định và ngày càng cụ thể trong các kỳ đại hội Đảng, đã thực sự trở thành tư duy lý luận có sức sáng tạo, không chỉ làm sáng rõ con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam mà còn là sự bổ sung cho kho tàng lý luận về xã hội chủ nghĩa. Từ tư duy đơn sở hữu sang tư duy đa sở hữu, đa thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế được tự do kinh doanh, bình đẳng trước pháp luật. Có thể nói, bước chuyển đổi mới tư duy này thực sự là khâu đột phá trong nhận thức lý luận kinh tế, cởi trói tư duy và tạo động lực cho công cuộc đổi mới thực hiện thuận lợi, có hiệu quả. Từ tư duy quản lý theo cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, làm cho con người ỷ lại, thụ động, sang tư duy quản lý theo cơ chế thị trường, đòi hỏi tính năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của con người. Từ tư duy phân phối bình quân, cào bằng, không thừa nhận đến thừa nhận đa dạng hóa hình thức phân phối mà phân phối theo lao động là chủ yếu, gắn với phân phối theo vốn, tài sản. Từ tư duy đảng viên không làm kinh tế tư nhân sang đảng viên được làm kinh tế tư nhân theo quy định; tư duy kinh tế "khép kín" sang tư duy mở, chủ động hội nhập quốc tế, chấp nhận kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Từ "Nhà nước làm thay thị trường" sang tư duy nhà nước chủ yếu thực hiện vai trò kiến tạo phát triển, khắc phục các hạn chế của thị trường, đa dạng hóa các chủ thể làm kinh tế, giảm độc quyền nhà nước, xoá bỏ độc quyền doanh nghiệp; nhà nước đóng vai trò phân bổ các nguồn lực là chủ yếu, sang phân bổ các nguồn lực theo tín hiệu của thị trường là chủ yếu, sử dụng nguồn vốn xã hội hoá theo cơ chế thị trường. Từ tư duy mô hình kinh tế tăng trưởng theo chiều rộng với năng suất, chất lượng và hiệu quả thấp, sang mô hình kinh tế tăng trưởng chủ yếu theo chiều sâu với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, phát triển nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Những đặc trưng đổi mới tư duy kinh tế nêu trên là nền tảng nhận thức lý luận của tư duy đổi mới hiện nay trên các lĩnh khác về chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại… Không nắm bắt, giải mã được những tín hiệu đặc trưng tư duy kinh tế mới đó thì không thể có tư duy lý luận đổi mới đúng đắn, sáng tạo, bền vững và bao trùm[2].
Hiện nay chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với khâu đột phá chiến lược là: tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập. Do vậy việc nghiên cứu các khu vực kinh tế là một việc làm cần thiết. Trong quá trình này tồn tại một số khái niệm cả về khu vực kinh tế và người lao động, cụ thể đó là khu vực kinh tế phi chính thức và lao động phi chính thức. Sự tồn tại và có sự khác biệt về tỷ lệ việc làm trong nền kinh tế phi chính thức giữa các quốc gia được giải thích theo một số cách khác nhau. Một số luận điểm cho rằng việc làm trong khu vực kinh tế phi chính thức là một di tích từ thời kỳ sản xuất tiền hiện đại và sẽ dần biến mất khi nền kinh tế chính thức hiện đại chiếm ưu thế. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, sự thừa nhận rằng nền kinh tế phi chính thức không biến mất đã dẫn đến những giải thích mới. Hai khái niệm "Khu vực kinh tế chính thức" và "Khu vực kinh tế phi chính thức" tồn tại là một tất yếu, luôn chịu sự tác động của các quy luật kinh tế, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội cũng như hệ thống pháp luật ở mức độ khác nhau tùy thuộc vào mỗi quốc gia. Việc này đã trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế của tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển.
Khu vực kinh tế phi chính thức được hiểu một cách chung nhất, là tập hợp các đơn vị sản xuất ra sản phẩm vật chất và dịch vụ với mục tiêu chủ yếu nhằm tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động. Các đơn vị này thường hoạt động với tổ chức quy mô nhỏ, quan hệ lao động chủ yếu dựa trên lao động không thường xuyên, quan hệ họ hàng hoặc quan hệ cá nhân hơn là những quan hệ lao động qua hợp đồng với những đảm bảo chính thức về quyền lợi trách nhiệm lao động. Đặc điểm của các đơn vị sản xuất của khu vực kinh tế phi chính thức thường là những cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, doanh nghiệp hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Các đơn vị này không thể ký kết hợp đồng, mọi chi phí sản xuất không phân biệt với chi phí chung của gia đình. Trong thực tế hiện nay có những hộ gia đình hoạt động như một doanh nghiệp và đã có các hợp đồng được ký kết. Họ hoàn toàn có thể trở thành một doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là các quy định có liên quan đến thành lập doanh nghiệp phải thay đổi quyền lợi, trách nhiệm…ở đây mặc dù không có tư cách pháp nhân nhưng họ vẫn ký hợp đồng, vì pháp luật không cấm.
Khi xem xét dưới góc độ quá trình phát triển của một nền kinh tế, thì khu vực kinh tế phi chính thức là sản phẩm, là kết quả của quá trình đổi mới, hay nói cách khác nhờ có đổi mới kinh tế mới có được đội ngũ các doanh nghiệp, doanh nhân và các khu vực kinh tế phi chính thức như hôm nay. Khu vực này cần được nhìn nhận mặt tích cực và thấy được những hạn chế của nó để tập trung giải quyết trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nó là khu vực tích tụ quan điểm chính sách và cũng là khu vực lưu giữ những tồn tại mặt trái của thị trường và các vấn đề xã hội. Tích cực là chỗ từ đổi mới tư duy kinh tế đã thúc đẩy dịch vụ phát triển, khuyến khích các thành phần kinh tế, các cá nhân được tham gia vào tất cả các hoạt động kinh tế mà pháp luật không cấm, đây là khu vực tạo được công ăn việc làm rất lớn, là khu vực giải quyết được những vấn đề mà khu vực chính thức không làm. Hạn chế là ở chỗ chưa được bao phủ hết chính sách đảm bảo an sinh cho người lao động và thể chế, giải pháp quản lý, thậm chí có cả tồn tại như trục lợi chính sách không muốn trở thành chính thức… Ngay cả việc định vị khu vực này dường như có thành kiến khi cho rằng đây là khu vực phi chính thức, và vì vậy việc chính thức hóa không phản ánh tính linh hoạt của nền kinh tế, trong khi khu vực này có nhiều nội hàm như nó đang trong quá trình chuyển đổi từ khu vực chính thức này sang khu vực chính thức khác, nó có thể là quá độ trong quá trình chuyển đổi, sự quá độ này không phải do độ trễ về mặt thời gian mà là độ trễ về trình độ phát triển, về quản lý và một phần do chính sách chưa bao phủ được hết.
Việc nghiên cứu lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức hiện nay tập trung theo cách tiếp cận đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, quyền lợi của người lao động. Cụ thể là người lao động trong khu vực này ít hoặc không được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội cơ bản như bảo hiểm và hợp đồng lao động do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên quan điểm mục tiêu của Đảng ta hiện nay là phấn đấu bao phủ bảo hiểm toàn dân, vậy yếu tố này về cơ bản sẽ được giải quyết, do vậy bản chất của lao động phi chính thức sẽ dần thay đổi có thể đánh giá được, và đánh giá theo quan điểm mới cần được xem xét (theo quan điểm lao động không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm sẽ không còn là vấn đề định vị vị trí của người lao động). Còn yếu tố hợp đồng lao động, hiện nay dưới tác động của tình hình phát triển mới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mọi mặt đời sống xã hội, trong đó lao động phi chính thức có thể chuyển đổi thành chính thức khi ứng dụng công nghệ mới, chuỗi giá trị toàn cầu (ví dụ, như sự chuyển đổi xe taxi truyền thống sang xe công nghệ, xe ôm truyền thống sang xe công nghệ, chuỗi cửa hàng theo thương quyền và ứng dụng phần mềm quản trị …) phải chăng vấn đề là cần đổi mới trong tư duy quản lý, quản trị.
Khi nghiên cứu bản chất của khu vực kinh tế phi chính thức, chính là giải quyết các vấn đề xã hội với các chính sách kinh tế phù hợp. Bên cạnh đó nghiên cứu lao động trong khu vực phi chính thức cũng góp phần thấy rõ bản chất mất việc làm, thất nghiệp ở nước ta hiện nay khác với các nước trên thế giới liên quan đến sở hữu tư liệu sản xuất. Lao động ở Việt nam vẫn làm chủ tư liệu sản xuất, có thể mất việc nhưng không mất nghiệp, mất nghề, khi cần thiết họ chuyển đổi nghề nghiệp một cách linh hoạt vì họ vẫn làm chủ tư liệu sản xuất của mình. Điều này khác nhiều với tình trạng thất nghiệp và mất việc của các nước trên thế giới đó là mất việc sẽ không còn cơ hội chuyển đổi sang lĩnh vực khác vì không còn tư liệu sản xuất.
Trong một số kết quả nghiên cứu của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế thời gian qua chỉ ra rằng: Trong khu vực kinh tế chính thức có cả lao động phi chính thức và lao động chính thức có cả việc làm trong khu vực phi chính thức. Đây là một phát hiện rất đáng quan tâm khi xem xét các quan điểm, tư duy trong phát triển kinh tế của nước ta. Nó phù hợp với quan điểm một người có thể có nhiều việc làm mà pháp luật không cấm; đảng viên làm kinh tế tư nhân; cam kết mở cửa dịch vụ, xã hội hóa dịch vụ công; hoặc sự chuyển đổi linh hoạt việc làm giữa các khu vực kinh tế…
Hiện nay Việt Nam đã tham gia và thực hiện nhiều công ước, cam kết quốc tế, với độ mở của nền kinh tế lớn, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phấn đấu thực hiện mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 thì việc tư duy, định vị đúng, thấy rõ bản chất, phân tích phù hợp, có quan điểm, cách tiếp cận về chính sách cho các khu vực kinh tế, nhất là khu vực kinh tế phi chính thức, lao động phi chính thức sẽ thúc đẩy quá trình phát triển bền vững và bao trùm trong tương lai.
TS. Triệu Tài Vinh,
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương