Cùng với sự phát triển của đất nước, các khu công nghiệp mọc lên khắp nơi nhưng khâu quy hoạch nhà ở cho công nhân, người lao động hầu như chưa được quan tâm đúng mức. Chương trình phát triển nhà ở công nhân đến nay không đạt kết quả mong muốn. Hiện tại, phần lớn công nhân - một trong những lực lượng chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư xập xệ. Không ít gia đình công nhân 4 người, vợ chồng con cái sống trong những ngôi nhà chưa đầy chục mét vuông gồm cả nhà vệ sinh, họ không dám mua tủ lạnh, máy giặt, vì không có chỗ để.
Khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở cho công nhân, cho người lao động rất nhiều, đã được bàn thảo suốt thời gian qua và nay cần được giải quyết trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để bảo đảm nhu cầu an cư lạc nghiệp của hàng triệu công nhân. Theo đó, để bảo đảm quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, dự Luật cần bổ sung quy định: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải xác định chỉ tiêu đất làm nhà ở cho công nhân, người lao động tùy theo nhu cầu thực tế và định hướng phát triển của từng địa phương.
Kế thừa Luật Đất đai hiện hành, dự thảo Luật quy định trường hợp nhà nước giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội sẽ được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Điều này rất cần thiết song chưa đủ! Thực tế cho thấy, những căn nhà ở xã hội giá trên dưới 1 tỷ đồng rất xa tầm với của hầu hết công nhân, người lao động. Nhiều khảo sát cho thấy, phần lớn công nhân xác định chỉ ở thành phố làm việc một thời gian, sau đó họ sẽ về quê. Vì vậy, nhu cầu nhà trọ giá thành hợp lý và chất lượng tương đối bảo đảm của công nhân hiện nay rất lớn nhưng không được đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Do đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có cả chính sách ưu đãi với những trường hợp xây nhà để cho công nhân, người lao động thuê nhằm tăng nguồn cung.
Ngoài ra, tuy Luật Đất đai quy định miễn tiền sử dụng đất với các trường hợp xây dựng nhà ở xã hội song Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu hiện hành quy định trường hợp đất đã giải phóng mặt bằng phải đấu giá lựa chọn nhà đầu tư. Bởi sự mâu thuẫn, chồng chéo này mà doanh nghiệp khó tiếp cận quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội. Cơ quan soạn thảo cũng cần tính phương án xử lý nút thắt này như một giải pháp giúp mở rộng nguồn cung nhà ở xã hội.
Bên cạnh chuyện an cư của công nhân ở thành phố thì ở nông thôn hiện nay có thực tế là nhiều hộ gia đình chia đất cho các con để các con làm nhà sinh sống. Theo quy định hiện hành, người dân sẽ phải nộp tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở. Với nhiều người, đây là khoản tiền rất lớn, lên tới hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng. Khi không có khả năng nộp tiền sử dụng đất, người dân sẽ xây nhà trái phép. Tình huống này xảy ra sẽ làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật về đất đai vì địa phương cũng khó có đủ nhân lực, vật lực để xử lý vi phạm; trong khi người dân cảm thấy bức xúc vì cho rằng nhu cầu có đất để ở của mình là hoàn toàn chính đáng.
Trước thực tế này, cần có chính sách, mức thu tiền sử dụng đất phù hợp hơn với những trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất; công nhận (cấp Giấy chứng nhận) quyền sử dụng đất lần đầu khi được chuyển mục đích sử dụng từ đất không phải là đất ở sang đất ở. Như vậy sẽ bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận đất ở của người dân, nhất là ở nông thôn.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” là điều lãnh đạo và chính quyền các cấp thường nhắc đến. Tiến trình sửa Luật Đất đai vì thế cần quan tâm đến nhóm yếu thế để họ bớt khó khăn trong hành trình hiện thực hóa giấc mơ “an cư”.
Theo Nguyễn Hữu Thông, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận (Báo Đại biểu nhân dân)