Trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng và phát triển nhanh chóng, là một lĩnh vực đầy tiềm năng, có thể tác động làm thay đổi cách thức hoạt động của các ngành công nghiệp và đời sống của con người. Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong hai năm vừa qua, kinh tế số đã có những đóng góp tích cực đối với GDP của Việt Nam, tăng từ mức 11,91% năm 2021 lên mức 14,26% năm 2022 và phấn đấu đến năm 2025 đạt mức 20%. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2022 cũng đạt khoảng 7,5%. Với việc AI ngày càng được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, giáo dục đại học theo đó cũng phải đối mặt với các thách thức và cơ hội mới, đòi hỏi sự trang bị về những kỹ năng, kiến thức và hiểu biết mới liên quan tới AI.
Ảnh minh họa. Internet
Trong buổi Tọa đàm "Trí tuệ nhân tạo (AI) trong kinh tế số: Hướng tới giáo dục đại học thông minh" do Khoa Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (IFI), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB) và trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội (UET) đồng tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học đã thảo luận, chia sẻ thông tin và phân tích việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào giáo dục, những lợi ích tiềm năng và thách thức; đề xuất các giải pháp nhằm phát triển và nâng cao vai trò của AI trong kinh tế số và lĩnh vực giáo dục đại học; đưa ra các ý tưởng và giải pháp để giáo dục đại học thích ứng, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, gắn với Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cơ hội và tiềm năng từ ứng dụng AI nhằm hướng tới giáo dục đại học thông minh
Vai trò quan trọng của việc tích hợp công nghệ cao nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng trong giáo dục đại học; sự kết hợp giữa công nghệ, trí tuệ nhân tạo và các vấn đề khoa học, học thuật thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính tạo ra những tiềm năng rất lớn cho sinh viên, cho người học để họ có thể tiếp cận những cơ hội mới trong quá trình phát triển nghề nghiệp, cho các nhà nghiên cứu trong việc sáng tạo, hướng tới sản phẩm công bố quốc tế có thứ hạng cao trên thế giới. Đồng thời, ứng dụng AI có thể giúp các nhà quản lý giáo dục phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định thông minh, hiệu quả hơn trong việc quản lý các hoạt động giáo dục. Ví dụ, họ có thể sử dụng công nghệ AI để phân tích dữ liệu về kết quả học tập của sinh viên và đưa ra các chương trình giảng dạy phù hợp, cá thể hóa đối với từng sinh viên; có thể ứng dụng công nghệ AI để dự đoán nhu cầu tuyển sinh trong tương lai và đưa ra các kế hoạch phát triển giáo dục; sử dụng AI để đặt ra các câu hỏi vấn đáp là một trong những ứng dụng tiềm năng của công nghệ này. Vai trò của giảng viên sẽ thay đổi đáng kể. Nhiều chức năng của AI sẽ thay thế nhiều chức năng giảng dạy và khảo thí của giảng viên. PGS. TS Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế cho rằng, trí tuệ nhân tạo đã và đang ngày càng trở thành một công cụ hữu hiệu trong việc quản trị đại học thông minh, giúp các trường đại học nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện quản lý và tối ưu hóa nguồn lực. Các trường đại học trên thế giới đang không ngừng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ AI để đáp ứng nhu cầu giáo dục ngày càng cao của xã hội.
Một số vấn đề cần đặt ra khi ứng dụng AI
Với sự phát triển như vũ bão, AI sử dụng các thuật toán để học từ dữ liệu và tự động tối ưu hóa các kết quả. Các nhà khoa học máy tính, các công ty công nghệ cũng đang phát triển các công nghệ như học sâu và học tăng cường để đạt được các mục tiêu cao hơn, nhưng AI vẫn chưa thể hoàn toàn thay thế con người. Thực tế, con người đã bắt đầu ứng dụng AI vào nhiều mặt trước khi ChatGPT ra đời. Con người là nhân tố quan trọng trong việc tạo ra và kiểm soát các hệ thống AI và làm các nhiệm vụ mà chỉ con người mới có thể làm được. Tuy nhiên, việc sử dụng AI đặt ra nhiều thách thức. Ví dụ, trước đây một bài tập mất nhiều ngày hoặc hàng tuần để hoàn thành, với ChatGPT chỉ cần khoảng 5 phút. Vậy giải pháp nào để có thể đánh giá đúng phần làm thực sự của sinh viên? Trước đây, làm bài tập nhóm đã đặt ra một thách thức rất lớn trong việc đánh giá đóng góp của từng cá nhân. ChatGPT đã đặt một thách thức có mức độ lớn hơn. Những vấn đề ấy đặt ra sự cấp thiết tìm ra các giải pháp.
Mặt khác, cần lưu ý về các rủi ro mà AI mang lại. AI và công nghệ đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong lĩnh vực thu thập dữ liệu người dùng. Việc thu thập dữ liệu trái phép đang trở thành vấn đề đạo đức và pháp lý nghiêm trọng, có thể xâm phạm sự riêng tư của người dùng và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nếu thông tin cá nhân của người dùng bị lộ ra, họ có thể trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng, lừa đảo hoặc vi phạm quyền riêng tư. Ngoài ra, việc thu thập dữ liệu trái phép có thể gây ra sự mất cân bằng trong quyền lợi giữa người dùng và những tổ chức thu thập dữ liệu, có thể dẫn đến việc lạm dụng thông tin cá nhân của người dùng để đạt được lợi ích khác.
Về việc trang bị kiến thức và kĩ năng về công nghệ mới cho đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên, TS. Hồ Tường Vinh lưu ý, trong thời đại của AI, việc thích nghi và sử dụng các công nghệ mới là cần thiết để không bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, các công nghệ AI không phải lúc nào cũng đúng. Do đó, cần phải có sự phản biện và đối chứng trong việc sử dụng chúng. Theo một khảo sát trên Tạp chí Nature với 800 độc giả, có đến 30% sử dụng AI để hỗ trợ trong việc xây dựng dàn ý và nội dung, 40% sử dụng AI để hỗ trợ viết bài và chỉ có 30% sử dụng AI để hỗ trợ ý tưởng. Rõ ràng AI đã trở thành một công cụ hỗ trợ quan trọng trong việc viết bài và nghiên cứu. Tuy nhiên, khi sử dụng AI, cần phải là người chủ động và có sự phản biện đối với các câu trả lời được đưa ra bởi AI, cân nhắc và đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của thông tin mà AI đưa ra.
AI có thể thay thế hoạt động của con người trong một số công việc, tuy nhiên AI và robot không thể thay thế được con người về mặt đạo đức. Máy tính và robot là những công cụ không có khả năng đánh giá một tình huống hay đưa ra quyết định như con người. Đạo đức là một khía cạnh của con người yêu cầu năng lực phán đoán và khả năng chịu trách nhiệm. Vì vậy, việc ứng dụng các công nghệ đòi hỏi vấn đề đạo đức cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo rằng chúng chỉ hỗ trợ chứ không thay thế con người.
Đề xuất một số giải pháp
Ở Việt Nam, ngành giáo dục cần phải nhanh chóng tiếp cận theo các yêu cầu: Giảng viên, người học sẽ phải thay đổi, điều chỉnh để tận dụng được những lợi thế và giảm thiểu những tác động tiêu cực, những mặt trái của AI mang lại. Giảng viên cần trang bị cho sinh viên các kỹ năng cơ bản để sử dụng AI hiệu quả, giúp họ hiểu được tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi và phân tích dữ liệu để tạo kết quả tin cậy, đồng thời cần thúc đẩy sự phát triển kỹ năng tư duy phản biện và khả năng đưa ra các câu hỏi sáng tạo.
Trong lĩnh vực đào tạo kinh tế - tài chính, sinh viên thời đại AI sẽ đối mặt với những cơ hội và thách thức. Khi một công nghệ mới ra mắt, tài chính là một trong những lĩnh vực đầu tiên được quan tâm bởi tác động rộng rãi của nó và khối lượng dữ liệu lớn được tạo ra. Các công nghệ tiên tiến như AI và Blockchain tạo ra những đột phá trong lĩnh vực tài chính, góp phần xây dựng nên những ứng dụng Fintech. Nhưng ở nhiều trường đại học, các môn học vẫn giữ nguyên phương pháp truyền thống, sinh viên tốn nhiều thời gian và công sức rồi lại phải đào tạo lại sau khi ra trường để thích ứng với thị trường việc làm. Vì vậy, cần cải tiến các chương trình đào tạo để phù hợp với xu hướng phát triển.
Để sẵn sàng cho sự phát triển của AI, các sinh viên cần có cách tiếp cận phù hợp khi học tập. Thay vì sợ hãi và tránh xa, sinh viên nên tiếp tục học hỏi và nghiên cứu về AI để có thể hiểu rõ hơn về công nghệ này và sử dụng nó một cách hiệu quả, cần phải tìm hiểu về các tiến bộ trong lĩnh vực AI và các ứng dụng của nó trong các ngành công nghiệp khác nhau. Việc tiếp cận với AI từ trên ghế nhà trường giúp sinh viên có được chuyên môn sâu hơn về các công nghệ mới nhất. Thông qua các khóa học đào tạo, hội thảo và nghiên cứu, sinh viên có thể có kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm việc với AI trong tương lai. Có thể bắt đầu bằng cách học các khóa học trực tuyến, tìm hiểu các ứng dụng thân thiện với người dùng, dần dần tăng cường kỹ năng và kiến thức của mình trong lĩnh vực công nghệ. Các nhà phát triển công nghệ và AI cần đảm bảo rằng việc thu thập dữ liệu được thực hiện theo đúng quy trình và có sự đồng ý của người dùng. Các cơ quan chức năng cần có các quy định pháp lý để kiểm soát việc thu thập và sử dụng dữ liệu người dùng.
Trước những vấn đề phức tạp xung quanh AI trong giáo dục và khoa học, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân nhắc những lợi ích và thách thức của công nghệ AI để đưa ra quyết định sáng suốt. Các trường đại học, cơ sở giáo dục đào tạo nên xem xét việc kết hợp học máy, phân tích dữ liệu, mô hình ngôn ngữ lớn, trí tuệ nhân tạo và đạo đức kỹ thuật số vào các khóa học, chương trình đào tạo để trang bị cho sinh viên, người học những công cụ hữu ích nhất để tự tin bước vào nền kinh tế số và xã hội số. Trong tương lai, sự thông thạo dữ liệu và AI sẽ trở thành những kỹ năng then chốt trong tất cả các lĩnh vực học thuật. Người học cần tìm ra và áp dụng một cách tiếp cận thông minh về việc sử dụng những hệ thống này, đảm bảo tuân thủ các quy tắc chính trực trong học thuật.
Trong bối cảnh công nghệ AI đang phát triển mạnh mẽ, Chính phủ cần sớm nghiên cứu, ban hành những quy định, khung pháp lý để kiểm soát và quản lý các hoạt động liên quan đến AI.
Cẩm Tú (tổng hợp)