Trong bài viết quan trọng nhân dịp kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ nhiều quan điểm lí luận mang tầm chiến lược về phát triển đất nước gắn với sự lãnh đạo của Đảng thời gian tới, trong đó nhấn mạnh: “mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế”[1]. Thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển là một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đã khẳng định: thực hiện tốt chính sách xã hội là “thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa; tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm chính sách xã hội[2]. Những quan điểm trên đây thống nhất với đường lối cách mạng của Đảng ta từ khi ra đời và là một điểm chốt tạo nên thành công của Cách mạng Việt Nam thời kỳ đấu tranh giành và bảo vệ chính quyền (1930 -1946).
Khối liên minh đấu tranh của hai giai cấp nông dân và công nhân làm cho đế quốc Pháp vô cùng lúng túng và bị động (Ảnh tư liệu)
Ngay từ khi ra đời, ngày 3/2/1930, Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng đã chỉ rõ đường lối đấu tranh chống chế độ thực dân, phong kiến: về kinh tế, tịch thu ruộng đất của tư bản Pháp và đại địa chủ để làm của công chia cho dân cày nghèo, bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo; mở mang phát triển công nghiệp và nông nghiệp; thi hành luật ngày làm 8 giờ[3]. Hai khẩu hiệu ''Độc lập dân tộc'' và ''Ruộng đất dân cày'' được thể hiện rõ nét nhất trong cao trào cách mạng 1930 - 1931. Như vậy, ngay từ đầu, đường lối của Đảng đã nhấn mạnh đấu tranh thực hiện một chính sách xã hội tiến bộ, vì quyền lợi của đại đa số người lao động, vì đời sống giai cấp cần lao. Đó chính là một điểm mấu chốt thuyết phục, tập hợp quần chúng theo Đảng, làm nên thắng lợi vỹ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trong cao trào Cách mạng 1936 - 1939, đường lối của Đảng tiếp tục với khẩu hiệu "Chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do dân chủ, cơm áo và hòa bình". Đặc biệt, cao trào cách mạng 1939 - 1945, chủ trương tịch thu ruộng đất của thực dân đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc, chống tô cao, lãi nặng vẫn tiếp tục được thực hiện.
Ngay trước Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám, ngày 16-17/8/1945 Quốc dân Đại hội đã họp tại Đình Tân Trào và thông qua Nghị quyết về Mười chính sách của Việt Minh[4], trong đó có bảy điều liên quan trực tiếp đến thực hiện chính sách xã hội tiến bộ, gồm: (1) Tịch thu tài sản của giặc nước và của Việt gian, tuỳ từng trường hợp sung công làm của quốc gia hay chia cho dân nghèo; (2) Bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra; đặt một thứ thuế công bằng và nhẹ; (3) Ban bố những quyền của dân cho dân: Nhân quyền, Tài quyền (quyền sở hữu), Dân quyền; (4) Chia lại ruộng công cho công bằng, giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ, cứu tế nạn dân; (5) Ban bố luật lao động; ngày làm tám giờ, định lương tối thiểu, đặt xã hội bảo hiểm; (6) Xây dựng nền kinh tế quốc dân, phát triển nông nghiệp. Mở quốc gia ngân hàng; (7) Xây dựng nền quốc dân giáo dục; chống nạn mù chữ, phổ thông và cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ cấp. Kiến thiết nền văn hoá mới. Mười chính sách này nhanh chóng được triển khai thực hiện rộng rãi ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, giành chính quyền trong cả nước. Trước tình hình nạn đói hoành hành dữ dội, làm chết hàng triệu người, Đảng đưa ra khẩu hiệu: “Phá kho thóc giải quyết nạn đói”, vận động cứu đói dân nghèo để giải quyết khó khăn trước mắt, đồng thời, để xóa nạn đói bền vững, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập phiên họp đầu tiên của Chính phủ và nêu ra 6 việc cấp bách cần phải làm ngay, trong đó có ba việc thuộc chính sách xã hội: (1) Phát động ngay một chiến dịch tăng gia sản xuất để chống đói, mở một cuộc lạc quyên để giúp đỡ người nghèo; (2) Phát động phong trào chống nạn mù chữ; (3) Bỏ ngay 3 thứ thuế: thuế thân, thuê chợ và thuế đò, cấm hút thuốc phiện. Đó là những nhiệm vụ trước mắt, nhưng cũng là những nhiệm vụ chiến lược, được nhân dân tuyết đối tin tưởng, nhiệt liệt hưởng ứng, thu được kết quả rất to lớn trong chống giặc đói, giặc dốt, góp phần giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ vừa thành lập.
Các mục tiêu giành ruộng đất cho dân cày, tăng lương, giảm giờ làm, xóa mù chữ, thực hiện giáo dục phổ thông bắt buộc là những mục tiêu rất tiến bộ thời bấy giờ, trở thành động lực cách mạng lớn lao của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng để làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, phát huy nhân tài trong kháng chiến kiến quốc.
Giai đoạn ngay sau Cách mạng tháng Tám (1945 - 1946) mặc dù chính quyền cách mạng non trẻ vừa thành lập, gặp muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, chủ trương, chính sách xã hội vì đời sống nhân dân vẫn được ban hành, nêu cao thực hiện. Đường lối của Đảng, Chính sách của Mặt trận Việt Minh và các chính sách của Chính phủ lâm thời đã đề ra vẫn được thống nhất thực hiện trong các vùng tự do và ngay trong hoàn cảnh kháng chiến. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên, đời sống của chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Các chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sĩ được Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra kịp thời, góp phần ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sĩ. Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL "Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ". Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, tạo nên động lực lớn cho tinh thần cống hiến, hy sinh của nhân dân, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của chuộc Kháng chiến chống Pháp sau này.
Nhìn chung, trong giai đoạn lãnh đạo giành và bảo vệ chính quyền, đấu tranh thực hiện chính sách xã hội tiến bộ, vì đời sống người lao động cần lao và nhân dân luôn được Đảng nêu cao. Ngày nay, đồng chí Tổng Bí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh quan điểm “Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”[5]; chính sách xã hội phải luôn vì con người là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng./.
---------------------------------------------------------
[1] Nguyễn Phú Trọng, Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, Báo Điện tử Đảng cộng sản Việt nam, https://dangcongsan.vn/tieu-diem/tu-hao-va-tin-tuong-duoi-la-co-ve-vang-cua-dang-quyet-tam-xay-dung-mot-nuoc-viet-nam-ngay-cang-giau-manh-van-minh-van-hien-va-anh-hung-658876.html, truy cập ngày 04/02/2024.
[2] Nghị quyết Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
[3] Văn Tâm, Chánh cương vắn tắt và thành tựu của Đảng qua hơn 9 thập niên phát triển, Trang tin Điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/chanh-cuong-van-tat-va-thanh-tuu-cua-dang-qua-hon-9-thap-nien-phat-trien-1491890502, truy cập ngày 04/02/2024.
[4] Giành chính quyền toàn quốc và thi hành mười chính sách lớn của Việt Minh, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/huong-toi-ky-niem-90-nam-ngay-truyen-thong-nganh-tuyen-giao/thong-tin-tu-lieu/gianh-chinh-quyen-toan-quoc-va-thi-hanh-muoi-chinh-sach-lon-cua-viet-minh-552580.html, truy cập ngày 04/02/2024.
[5] Nguyễn Phú Trọng, Tài liệu đã dẫn.
Tác giả: TS. Đậu Văn Côi, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương