1. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao
Ngành nông, lâm, thủy sản thời gian qua đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo và đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ, đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; làm tốt công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ. Liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng được cũng cố và phát triển (Tiêu biểu như: Liên kết sản xuất thức ăn xanh cho chăn nuôi bò sữa ở Thái Hoà, Nghĩa Đàn của Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH và Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk; Liên kết sản xuất mía nguyên liệu cho chế biến đường của 3 nhà máy đường; Liên kết sản xuất nguyên liệu nhà máy chế biến tinh bột sắn; liên kết sản xuất sản xuất chè, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cam Vinh…) ; hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm. Vì vậy, ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá cao, luôn khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản tăng từ 19.336 tỷ đồng năm 2013 lên 35.563 tỷ đồng năm 2020 và đạt 38.192 tỷ đồng năm 2021. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014 - 2020 đạt 4,46% (trong đó, giai đoạn 2014 - 2019 tăng trưởng 4,37%) và năm 2021 đạt mức tăng trưởng 5,59%, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ. Cơ cấu nội ngành nông, lâm, thủy sản cơ bản đang chuyển dịch đúng hướng.
Ngành trồng trọt từng bước có sự chuyển dịch rõ nét theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tỉnh đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích những cây có lợi thế so sánh, giá trị cao và nhu cầu thị trường lớn, thích ứng với biến đổi khí hậu để hướng tới nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả sản xuất. Đến nay, đã hình thành và phát triển một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như chè 8.318 ha, cao su 9.696 ha, mía 20.206 ha, lạc 12.902 ha, cam 4.735 ha, dược liệu 1.460 ha và một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị (diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh ước đạt 23.184 ha, chiếm 7,65% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; có 70 trang trại và có 29 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp), nhờ vậy đã đưa giá trị thu nhập bình quân trên một ha đất sản xuất nông nghiệp từ 64,7 triệu/ha năm 2013 lên 81,3 triệu/ha năm 2021.
Ngành chăn nuôi đã chuyển mạnh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi. Nhiều tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới về giống, thức ăn, quản lý môi trường được chuyển giao vào sản xuất; sản lượng thịt các loại, sữa tươi tăng nhanh; đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị như: chuỗi giá trị sữa TH và Vinamilk; chăn nuôi lợn của Masan và CP; chăn nuôi lợn, gà của Công ty cổ phần Jafa; xây dựng được 10 xã vùng GAP, 34 hợp tác xã liên kết sản xuất trong chăn nuôi.
Ngành thủy sản được cơ cấu lại theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, tập trung vào các đối tượng có giá trị kinh tế cao với đội tàu khai thác của toàn tỉnh là 3.419 chiếc; đồng thời, tăng nhanh sản lượng các đối tượng nuôi chủ lực có giá trị cao và có thị trường tiêu thụ như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao… gắn với tăng cường ứng dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất; nhiều cơ sở nuôi trồng được đầu tư xây dựng và kinh doanh có hiệu quả, nhất là một số mô hình nuôi trồng mặn lợ với giá trị thu nhập đạt khoảng 350-400 triệu đồng/ha.
Ngành lâm nghiệp đã có chuyển biến mạnh về chất, phát triển bền vững, hiệu quả; bình quân hằng năm trồng mới 17 - 20 ngàn ha rừng, bảo vệ tốt trên 965 ngàn ha, tăng độ che phủ rừng từ 54,6% năm 2013 lên 58,41% năm 2021, cao hơn bình quân cả nước và khu vực Bắc Trung Bộ; chuyển nhanh trồng rừng sản xuất kinh doanh nguyên liệu giấy sang kinh doanh gỗ lớn; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến sâu; sản lượng gỗ khai thác đạt trên 1,38 triệu m3/năm.
2. Thực hiện xây dựng nông thôn mới
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, trở thành phong trào sâu rộng và đạt nhiều kết quả nổi bật, cụ thể:
- Việc huy động nguồn lực thực hiện chương trình đạt kết quả khá: Tổng vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 đạt hơn 67.000 tỷ đồng (trong đó huy động nguồn lực từ nhân dân là hơn 10.200 tỷ đồng, chiếm 15,2%).
- Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh, nhất là giao thông nông thôn. Nhiều cách làm hay, sáng tạo về xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả (Mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn sinh học, theo hướng GAHP, VietGAHP tại các huyện Đô Lương, Quỳ Hợp, Tương Dương, Nam Đàn,... ), góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.
- Từ 1 xã về đích nông thôn mới năm 2013, đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã có 7 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, đạt chuẩn nông thôn mới (gồm: Nam Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, thị xã Thái Hoà, thành phố Vinh); có 299 xã/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 72,74%), cao hơn mức bình quân chung của cả nước (cả nước đạt tỷ lệ 69,4%), đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ về số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 7 xã thuộc các huyện nghèo đạt chuẩn nông thôn mới, có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 6,68%), 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 16,8 tiêu chí/xã, tăng 8 tiêu chí so với năm 2013.
- Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả tích cực, được Ban chỉ đạo Trung ương đánh giá là tỉnh nằm trong tốp 5 địa phương thực hiện tốt nhất Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên cả nước; đến nay, đã có 249 sản phẩm được xếp hạng 3 sao trở lên.
Nông nghiệp của Nghệ An tăng trưởng ở mức cao so với bình quân của Vùng và cả nước; cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh tế; là một trong những địa phương đi đầu trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng, với nhiều cách làm hay và sáng tạo, đạt nhiều kết quả quan trọng, là một trong những điểm sáng của cả nước.
Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới
1. Tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường theo hướng hiệu quả, bền vững
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững gắn với bảo vệ môi trường theo hướng nông nghiệp hiện đại, xanh, sạch, sinh thái, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc ứng dụng các quy trình, công nghệ mới, thông minh, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên.
- Tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp theo các nhóm sản phẩm chủ lực (7 nhóm, gồm: 1. Gạo; 2. Sản phẩm trái cây (cam, bưởi, dứa); 3. Cây nguyên liệu phục vụ chế biến (mía, chè); 4. Thịt các loại (thịt lợn, thịt gia cầm); 5. Sữa tươi; 6. Gỗ và sản phẩm từ gỗ; 7. Tôm, cá) và vùng sinh thái của tỉnh để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến; thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường. Quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng, tự nhiên hiện có và phát triển vùng rừng trồng, nhất là rừng gỗ lớn cung cấp nguyên liệu chế biến tập trung; triển khai hiệu quả khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ. Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đầu tư thâm canh, ứng dụng các quy trình kỹ thuật, công nghệ, đưa vào sản xuất các loại con nuôi có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thị trường ; cơ cấu lại ngành khai thác hải sản theo hướng giảm dần số tàu thuyền khai thác ven bờ, phát triển có kiểm soát các loại tàu thuyền công suất lớn và đẩy mạnh hoạt động khai thác xa bờ.
- Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, gắn với đô thị hóa; bảo đảm thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu trên cơ sở chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản; tổ chức thực hiện tốt Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
2. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nhất là các chính sách hướng đến ứng dụng công nghệ cao.
- Nâng cao chất lượng xây dựng, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, tính khả thi, nhất là các cơ chế chính sách về khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
- Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách được ban hành, nhất là ưu tiên về nguồn lực.
3. Phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp
Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nghiên cứu, ban hành chính sách đặc thù thu hút nguồn nhân lực có trình độ khoa học - kỹ thuật cao từ các trung tâm, viện nghiên cứu, các trường đại học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn về làm việc hoặc hỗ trợ kỹ thuật cho tỉnh. Đặc biệt, thu hút nguồn nhân lực đã được đào tạo chuyên sâu về khối ngành kỹ thuật công nghệ thông tin, công nghệ cảm biến IoT, công nghệ nhà kính, nhà màng, công nghệ sinh học, quản lý nông vụ, truy xuất nguồn gốc… Chú trọng đào tạo nghề cho lực lượng lao động trẻ ở nông thôn, tăng cường hướng dẫn chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong các chương trình khuyến nông.
4. Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững
- Tăng cường huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng sản xuất nông nghiệp, nhất là các công trình, dự án phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu; ưu tiên phát triển hệ thống giao thông, điện cho vùng sản xuất tập trung, kết nối vùng sản xuất với chế biến, thị trường tiêu thụ.
- Đầu tư và phát triển hệ thống thủy lợi đa mục tiêu, thích ứng với biến đổi khí hậu. Củng cố hệ thống thủy lợi, cấp nước chủ động cho cây lúa, phát triển thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, phục vụ tưới cho các loại cây trồng cạn, cây lâu năm. Xây dựng, tu bổ đảm bảo an toàn các hồ chứa, đập, nâng cấp các hệ thống kênh mương đảm bảo đảm tưới tiêu chủ động, áp dụng các kỹ thuật tưới tiết kiệm. Thiết kế hệ thống công trình thuỷ lợi không chỉ phục vụ sản xuất mà còn đảm nhiệm tiêu thoát nước và phòng chống thiên tai, cải tạo môi trường sinh thái.
- Xây dựng, nâng cấp khu neo đậu tàu, thuyền trú bão, gắn với dịch vụ hậu cần thông tin nghề cá. Nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc cảnh báo thiên tai. Đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.
- Đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng lâm nghiệp để bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường, đồng thời tạo tiền đề thu hút và hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng. Phát triển hệ thống đường lâm nghiệp gắn kết vùng nguyên liệu quy mô lớn, tập trung với nhà máy chế biến.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị đảm bảo năng lực cảnh báo, dự báo, khả năng chống chịu trước thiên tai. Nâng cấp trang thiết bị, công nghệ theo dõi, phân tích, dự báo, cảnh báo thiên tai, ứng dụng công nghệ dự báo tiên tiến. Đầu tư củng cố, nâng cấp các công trình phòng chống thiên tai nhất là hệ thống đê điều, cống, đập ngăn lũ. Xây dựng, củng cố hệ thống công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại các khu vực xung yếu, kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, ứng phó thiên tai để phục vụ sản xuất, dân sinh và các hoạt động kinh tế khác.
5. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để từng bước hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, lao động, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững của ngành.
- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Thúc đẩy các mô hình liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân nhằm nâng cao năng lực và kiến thức, kinh nghiệm quản lý vận hành hiệu quả các mô hình. Khuyến khích doanh nghiệp và người sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới (tự động hóa, số hóa, công nghệ sinh học, IoT, AI, dữ liệu lớn) trong lập kế hoạch sản xuất kinh doanh và kết nối cung - cầu, kết nối sản xuất - tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động khuyến nông. Lồng ghép các nguồn vốn (từ chương trình khuyến nông, khuyến lâm; các chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình, dự án đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn…) để phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Đổi mới và nâng cao chất lượng khuyến nông; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phân tích, dự báo thị trường nông sản, hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường.
6. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp
- Phát triển mạnh kinh tế trang trại, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn; nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã; chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp có tiềm lực, có công nghệ cao; hoàn thành công tác sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp bảo đảm hoạt động hiệu quả sau chuyển đổi.
- Triển khai đánh giá, phát triển, nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; ưu tiên hình thành và phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã có hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến ở những vùng sản xuất tập trung.
- Xây dựng và lựa chọn các hình thức tổ chức liên kết sản xuất phù hợp, như liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ; liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông hộ; liên kết theo chuỗi giá trị khép kín từ cung cấp giống, sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Ưu tiên phát triển hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị và sản phẩm chủ lực. Khuyến khích hợp tác xã sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn an toàn, xây dựng các dịch vụ phục vụ liên kết, như cung cấp vật tư đầu vào, các dịch vụ sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản.
- Tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Khuyến khích doanh nghiệp liên kết hình thành vùng ứng dụng công nghệ cao, với các nhóm sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao; ưu tiên hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quản trị tiên tiến, đủ sức tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
- Nghiên cứu cơ chế hỗ trợ cho nông dân và các cơ sở chế biến nông lâm sản tham gia chuỗi liên kết sản phẩm từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
7. Phát triển thị trường, bảo đảm đầu ra cho nông sản
- Đổi mới hệ thống phân phối nông sản; liên kết để đưa nông sản vào các hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, xây dựng các kênh phân phối, liên kết trực tiếp giữa vùng sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm cuối cùng.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản có lợi thế của tỉnh. Phát triển hệ thống thông tin thị trường nông sản. Nâng cao năng lực dự báo, đánh giá, cảnh báo thông tin về thị trường nông sản để kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp và người dân chủ động điều chỉnh sản xuất phù hợp với yêu cầu thị trường. Hỗ trợ năng lực tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và hộ nông dân (xây dựng chỉ dẫn địa lý, bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ bản quyền thương hiệu).
(Cẩm Tú - tổng hợp từ Kỷ yếu Hội thảo “
Phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An
đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045)