Để thực hiện mục tiêu đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm thương mại, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao của khu vực Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; văn hóa và con người phát triển đáp ứng yêu cầu hội nhập những vẫn giữ vững bản sắc xứ Nghệ; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, Nghệ An đưa ra một số giải pháp về cơ chế chính sách lớn nhằm thu hút vốn từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế xã hội tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ nhất, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, gắn quy hoạch với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Khẩn trương hoàn thiện nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch phải xác định được các định hướng phát triển chủ đạo có tính đột phá cho các ngành, lĩnh vực theo hướng phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội - môi trường, nâng cao sức chống chịu của kinh tế, nâng cao chất lượng phát triển các ngành trụ cột. Quan tâm đến tổ chức không gian phát triển, trên cơ sở đó rà soát, cập nhật danh mục dự án kêu gọi đầu tư phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển. Đặc biệt thu hút các dự án trọng điểm vào các khu vực kinh tế động lực, khai thác lợi thế về các khu kinh tế, cảng biển để phát triển các hành lang kinh tế, kết nối vùng.
Thứ hai, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng: (i) cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ (gồm các tuyến cao tốc, cầu yếu, quốc lộ trọng yếu, nút thắt trong giao thông vận tải); (ii) đầu tư hạ tầng số; (iii) nâng cấp hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, nhà ở xã hội; (iv) đào tạo và kết nối thị trường lao động; (v) cải thiện môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; qua đó, làm giảm chi phí xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội trong trung và dài hạn.
Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành trung ương đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông lớn trên địa bàn. Phát triển toàn diện, ưu tiên đầu tư từ ngân sách địa phương, tập trung phát triển các trường, các nghề trọng điểm, tạo điều kiện ưu đãi tốt nhất cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Thứ ba, xác định cụ thể định hướng thu hút đầu tư trong từng giai đoạn: 2021-2025, 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm và kế hoạch của cả nước. Cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực...; phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, tập trung các giải pháp:
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo bốn định hướng lớn là: chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, có sự cam kết chuyển giao công nghệ và lao động có kỹ năng cao. Cụ thể:
- Tranh thủ cơ hội từ tác động thuận chiều do các công ty, tập đoàn quốc tế tái cơ cấu đầu tư từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam). Chủ động, quyết liệt, tập trung nghiên cứu các giải pháp hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia lớn đang tái cơ cấu, kinh doanh, dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam, đề ra các giải pháp phù hợp mang tính cạnh tranh cao đáp ứng lợi ích của cả hai phía nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài về quỹ đất sạch, nhân lực, hạ tầng phục vụ sản xuất; tìm hiểu khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI để kịp thời tháo gỡ; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ cấp phép đầu tư cho các dự án.
- Giai đoạn 2021-2025, các địa phương cần tập trung phát triển ngành công nghiệp, thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, cảng biển, nhất là các ngành công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, các dự án có quy mô lớn, có sức lan tỏa mang tính động lực phát triển vùng. Đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch thu hút đầu tư các dự án về du lịch, dịch vụ có quy mô lớn theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Thu hút dự án FDI vào xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng, chú trọng hình thức PPP hoặc liên doanh với các đối tác Việt Nam tại các Khu kinh tế, Khu công nghiệp theo tiêu chuẩn xanh, bảo vệ môi trường; các cơ sở hạ tầng khác để phục vụ đầu tư: Cảng biển, đường bộ, đường sắt, năng lượng tái tạo; phát triển công nghiệp phục vụ kinh tế biển sử dụng công nghệ tiên tiến, ưu tiên các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ thông tin, sản xuất năng lượng sạch, những ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao, các ngành dịch vụ hiện đại; xây dựng hình thành đô thị thông minh, trang thiết bị sản xuất y tế, vật liệu xây dựng, chế biến lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo tính liên kết vùng. Thu hút phát triển ngành logistic, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế mới, đổi mới sáng tạo; Xúc tiến đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường nhằm đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
- Xây dựng và ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư; rà soát các dự án trong các lĩnh vực và quy mô quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Luật PPP; Điều 2 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP để nghiên cứu, lựa chọn dự án phù hợp.
Thu hút vốn ODA tập trung cho các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội lớn, hạ tầng đô thị trọng điểm, hỗ trợ đầu tư các ngành y tế, giáo dục, xoá đói, giảm nghèo ở nông thôn, bảo đảm đạt mục tiêu về hiệu quả kinh tế - xã hội, tác động lan tỏa trên các lĩnh vực và phạm vi thụ hưởng, tạo điều kiện phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho khu vực vùng dự án nói riêng và của cả vùng nói chung.
Thu hút vốn đầu tư trong nước từ các tập đoàn, công ty lớn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hoạt động sản xuất, làm dịch vụ trên biển, đảo nhất là ở tuyến đảo xa bờ, nơi có hoạt động sản xuất kinh doanh kết hợp với quốc phòng an ninh và tại các khu vực trọng điểm.
Thứ tư, tăng cường hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư cả trong và ngoài nước. Đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư đối với các dự án lớn; tăng cường xúc tiến đầu tư trực tuyến, tại chỗ, phát huy hiệu quả của các kênh xúc tiến thông qua tổ chức, doanh nghiệp tư vấn quốc tế để chủ động tiếp cận và vận động Chính phủ các nước, các tập đoàn lớn để thu hút các dự án lớn, quan trọng. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; lấy công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ làm hạt nhân; cần tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, gắn với yêu cầu chuyển giao công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp tư nhân trong nước, ưu tiên thu hút làn sóng đầu tư từ các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi giá trị, sản xuất; các đối tác có công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Châu Âu...
Phối hợp, liên kết với các trung tâm xúc tiến đầu tư trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hiệp hội ngành hàng, tổ chức quốc gia và quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài;
Đẩy mạnh công tác thông tin - truyền thông đến với các đối tác, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài về hình ảnh miền đất, con người, văn hóa, lịch sử, tiềm năng thế mạnh, môi trường đầu tư, các hoạt động xúc tiến đầu tư của vùng nói chung và từng địa phương nói riêng, gắn kết với các hoạt động xúc tiến du lịch, thương mại, các hoạt động giao lưu văn hóa sự kiện lớn trong năm.
Xây dựng chiến lược mở rộng thị trường mục tiêu đối với từng lĩnh vực. Mở rộng phát triển các sản phẩm du lịch mới thông qua các chính sách định hướng thu hút đầu tư, các chương trình, kế hoạch liên kết phát triển với các tỉnh trong khu vực và hợp tác quốc tế… Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình năm du lịch, tuần lễ du lịch với các chương trình, sự kiện văn hóa, giải trí hấp dẫn mang tầm quốc tế; đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế và khu vực, tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế định kỳ, tham gia các sự kiện văn hóa, du lịch đa phương để quảng bá văn hóa, hình ảnh du lịch đặc trưng của tỉnh.
Tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản, thủy sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; ưu tiên thị trường nội địa; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản.
Lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh để xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường theo từng giai đoạn cụ thể nhằm phát triển thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa, tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA.
Thứ năm, tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế. Các giải pháp cụ thể: Thúc đẩy phát triển kinh tế số, nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh; thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp trên địa bàn nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế của vùng.
Tăng cường cải cách hành chính thông qua cải thiện các chỉ số: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI Index), Cải cách thủ tục hành chính (PAR Index), Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI Index) và Mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) nhằm đạt kết quả thực chất, tốt hơn nữa góp phần nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn, tỉnh Nghệ An cần tăng cường sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo trong việc định hướng và triển khai các giải pháp tăng cường thu hút vốn đầu tư, chú trọng cải thiện và nâng cao các chỉ số thành phần PCI như: Nâng cao chỉ số gia nhập thị trường, thông qua giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, giảm thời gian chờ đợi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính thức. Nâng cao tính minh bạch, thông qua quán triệt các sở, ngành, địa phương phải tổ chức cung cấp công khai và thường xuyên các thông tin liên quan đến quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng mới, các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chính sách hỗ trợ và các lĩnh vực liên quan đến người dân và các doanh nghiệp. Nâng cao dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tạo lập môi trường kinh doanh thân thiện hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin, đối tác kinh doanh tư vấn thông tin pháp luật, dịch vụ liên quan đến công nghệ, xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm, đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với việc thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp được đầu tư vào các khu công nghiệp khu kinh tế và cụm công nghiệp và làng nghề. Cải thiện chỉ số đào tạo lao động, xây dựng và triển khai thực hiện chương trình phát triển nguồn nhân lực, đề án đẩy mạnh phát triển đào tạo nghề giai đoạn 2021-2030, tập trung phát triển các hoạt động giới thiệu việc làm, nâng cao chất lượng hoạt động sàn giao dịch việc làm các trung tâm giới thiệu việc làm.
Tập trung cải cách hệ thống hành chính, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến quy trình đầu tư và xây dựng nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khi tiến hành đầu tư, kinh doanh trên địa bàn. Để tiếp tục cải thiện chỉ số về cải cách hành chính một cách bền vững trong những năm tiếp theo đòi hỏi các địa phương phải tiến hành cải cách hành chính một cách đồng bộ, toàn diện, liên tục và thực chất, công khai minh bạch, đúng quy định các thủ tục hành chính.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh thực hiện văn bản điện tử, nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích, thanh toán trực tuyến; đồng bộ hóa toàn bộ dịch vụ công mức độ 3, 4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Đẩy mạnh tuyên truyền công tác nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, cải cách hành chính và hiệu quả quản trị cũng như hành chính công cấp tỉnh. Đưa ứng dụng công nghệ thông tin tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân để giúp họ nâng cao nhận thức, tăng niềm tin và cùng đồng hành thực hiện với chính quyền để thúc đẩy sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
- Tăng cường năng lực cho cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật; bố trí đủ nguồn lực cho công tác xây dựng, tổ chức và thực hiện cơ chế, chính sách pháp luật.
- Tăng cường công tác giám sát, đánh giá về thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, có chế tài xử phạt đủ mạnh, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. Giao cho các cơ quan độc lập, có đủ thẩm quyền và tăng cường công tác giám sát ban hành thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực theo thẩm quyền.
Thứ sáu, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn trong và ngoài ngân sách có hiệu quả theo tinh thần “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”. Tập trung thực hiện các dự án theo thứ tự ưu tiên đối với các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, liên kết vùng; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn hàng năm đạt 100%. Thực hiện tốt quy định Luật Đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư thông qua việc kiểm soát chặt chẽ quy trình đầu tư, nâng cao trình độ chuyên môn của chủ đầu tư, các cơ quan tư vấn…/.
Cẩm Tú (tổng hợp)