Đoàn công tác Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW làm việc với Huyện ủy Con Cuông và khảo sát một số khu du lịch cộng đồng; cửa khẩu Thanh Thủy
Sáng ngày 19/11/2022, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp tục làm việc với Huyện ủy Con Cuông; khảo sát khu vực miền núi Tây Nam và chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã khu vực biên giới tỉnh Nghệ An.
Đoàn công tác thăm nơi trưng bày sản phẩm của Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An
Thế mạnh phát triển du lịch cộng đồng
Báo cáo Đoàn công tác, đồng chí Vi Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết, Con Cuông là huyện miền núi vùng cao, biên giới thuộc Miền Tây Nam của tỉnh Nghệ An, huyện có diện tích tự nhiên 173,831 ha. Có đường biên giới với nước bạn Lào dài 61,8 km. Là huyện được UNESCO đưa vào danh sách các địa danh thuộc Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An. Toàn huyện có 18.340 hộ, 77.577 khẩu, có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, bao gồm: Thái, Kinh, Nùng, Hoa, Khơ Mú, Tày, tộc người Đan Lai, trong đó dân tộc Thái chiếm hơn 70%, còn lại là các dân tộc khác. Huyện có 12 xã, 01 thị trấn, có 02 xã biên giới là Môn Sơn và Châu Khê.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với đại diện lãnh đạo Tỉnh Nghệ An, lãnh đạo Huyện uỷ Con Cuông tại nơi trưng bày sản phẩm
của HTX Dệt thổ cẩm Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An
Huyện có nhiều di tích lịch sử, danh thắng (có 39 di tích, danh thắng, trong đó có 2 di tích lịch sử cấp Quốc gia, 01 cấp tỉnh ), văn hóa của các đồng bào dân tộc huyện Con Cuông còn giữ được nhiều nét đặc trưng riêng có, nhất là văn hóa đồng bào dân tộc Thái; Hạ tầng du lịch, hệ thống nhà hàng, khách sạn bước đầu đáp ứng nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng của du khách.
Đoàn công tác thăm Chợ phiên Mường Quạ - Con Cuông
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ chính trị về phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Nghị quyết Đảng bộ huyện Con Cuông lần thứ XXVII cũng đã khẳng định: “...phấn đấu xây dựng huyện Con Cuông thành thị xã theo hướng đô thị sinh thái...”.
Đoàn công tác khảo sát khu vực sông Giăng, Con Cuông
Theo lãnh đạo tỉnh Nghệ An, định hướng giai đoạn 2021-2025, Con Cuông trở thành một đô thị sinh thái của tỉnh; có ảnh hưởng quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây sẽ là khu vực phát triển năng động, toàn diện về dịch vụ du lịch. Có môi trường đầu tư thuận lợi; là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại, du lịch sinh thái của vùng Tây Nam Nghệ An.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại buổi làm việc
Tập trung khai thác du lịch sinh thái Vườn quốc gia Pù Mát, thu hút đầu tư xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Pha Lài - Sông Giăng, Tạ Bó, phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng, hang động, bảo tồn và xây dựng các di lích lịch sử. Xây dựng các Tour, tuyến, điểm du lịch trên địa bàn gắn kết với các tuyến du lịch của tỉnh, phấn đấu Con Cuông trở thành một trong những trung tâm du lịch của miền Tây Nghệ An, có cơ sở vật chất, kỹ thuật tương xứng, xây dựng Con Cuông là một điểm đến hấp dẫn trong tỉnh.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc
Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã khu vực biên giới
Tính đến ngày 30/10/2022, huyện Con Cuông có 03 xã/12 xã được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) đạt 25%, có 23 thôn, bản/107 thôn, bản được công nhận thôn đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí của tỉnh (QĐ 2337/QĐ-UBND ngày 01/06/2017 của UBND tỉnh Nghệ An), đến nay bình quân toàn huyện đạt 12,4/19 tiêu chí/xã
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo đoàn công tác
Theo đó, số xã đạt từ 10-15 tiêu chí: 07 xã; số xã đạt dưới 10 tiêu chí: 02 xã. Đến năm 2021 có 03 vườn được công nhận chuẩn nông thôn mới. Năm 2022, sẽ công nhận thêm 03 hộ đạt vườn chuẩn NTM. Hiện nay có 13 sản phẩm được phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 7 sản phẩm 4 sao và 6 sản phẩm 3 sao.
Đồng chí Nguyễn Thị Thành An, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An báo cáo đoàn công tác
Kết quả thực hiện xây dựng NTM xã biên giới cho thấy: Ngoài nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM chung, đối với 02 xã biên giới của huyện được bổ sung nguồn lực từ Đề án xây dựng NTMtại 27 xã khu vực Biên giới tỉnh Nghệ An nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 61/TTg, ngày 12 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ trong đó, xã Môn Sơn: Xã có 14 thôn, bản (trong đó có 5/14 thôn bản đạt chuẩn thôn bản NTM theo tiêu chí của tỉnh qui định. Bình quân toàn xã đã đạt 12/19 tiêu chí NTM). Thu nhập bình quân đầu người đạt 23,7 triệu đồng/năm, Tỷ lệ hộ nghèo 21,7% (số liệu 6 tháng đầu năm 2022). Số trường đạt chuẩn quốc gia hiện tại là 5/6 trường; là xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Đồng chí Phan Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nghệ An
Xã Châu Khê: đã đạt 12/19 tiêu chí NTM (trong đó có 3/9 thôn bản đạt chuẩn thôn bản NTM). Thu nhập bình quân đầu người đạt 24,7 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo 35,78% (số liệu 6 tháng đầu năm 2022). Số trường đạt chuẩn hiện tại là 3/4 trường; là xã đạt chuẩn quốc gia về Y tế.
Mục tiêu chung thực hiện chương trình NTM năm 2023 và những năm tiếp theo của huyện xác định sẽ cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: Giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế; nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân.
Đồng chí Phạm Trọng Hoàng, UVBCH Đảng bộ, Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình trên địa bàn toàn huyện, xây dựng kế hoạch lộ trình tiếp tục thực hiện xã đạt chuẩn theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu), thôn/bản đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), vườn chuẩn. Duy trì và nâng cao chất lượng NTM các cấp (xã, thôn/xóm/bản) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu).
Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân; Giữ vững môi trường cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp.
Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025 có ít nhất 5 xã đạt chuẩn NTM, tương đương 41,6% số xã toàn huyện (trong đó, có 01 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, tương đương 20% số xã NTM). Bình quân đạt 14,67 tiêu chí/xã. Không còn xã dưới 10 tiêu chí. Thu nhập bình quân đến năm 2025 tăng 1,5 lần so với năm 2020; tiếp tục giữ vững và nâng cao tiêu chí với 03 xã đã đạt chuẩn NTM ( Yên Khê, Bồng Khê, Chi Khê). Xây dựng NTM nâng cao đối với xã Bồng Khê, phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới thêm 2 xã; tiếp tục quan tâm xây dựng NTM đối với 2 xã biên giới nhằm đạt chỉ tiêu Quyết định 60/TTg đề ra; có 25 thôn, xóm, bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III và xã biên giới đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí. (lũy kế đến 2025 có 43 thôn, bản đạt chuẩn NTM); có 22 Vườn chuẩn NTM đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí.
Đồng chí Nguyễn Đình Hùng, UVBCH Tỉnh uỷ, Bí thư Huyện uỷ Con Cuông
Trao đổi với lãnh đạo Huyện Con Cuông, Đoàn công tác đề nghị phân tích về những chỉ tiêu chưa đạt được trong xây dựng NTM, phát triển du lịch; phân tích rõ về những nguyên nhân khách quan, chủ quan và các đề xuất kiến nghị về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển vùng này phù hợp với đặc thù.
Đồng chí Vi Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông báo cáo Đoàn công tác
Tại buổi làm việc, các đại biểu đều thống nhất lựa chọn đặc thù phát triển khu vực: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái; sản xuất kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường...
Quang cảnh buổi làm việc tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An
Phát biểu tại buổi làm việc với huyện Con Cuông, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ Biên tập xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW bày tỏ vui mừng, ấn tượng đối với vùng miền Tây của Nghệ An. Đời sống của bà con được nâng lên, cơ sở hạ tầng ngày càng tốt, nhất là sự gần gũi, quan tâm của các cấp chính quyền địa phương.
Chia sẻ và ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của địa phương, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện Con Cuông làm rõ một số nội dung yêu cầu của Đoàn công tác và tổng hợp các kiến nghị, đề xuất gửi Đoàn công tác.
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác khảo sát cửa khẩu Thanh Thủy và làm việc với Đồn Biên phòng Thanh Thủy.
Đồng chí Hồ Quyết Thắng, Phó Chỉ huy trưởng kiêm TMT Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Tỉnh Nghệ An báo cáo sơ bộ Đoàn công tác tình hình phát triển hệ thống cửa khẩu, cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó đặc biệt là cửa khẩu chính Thanh Thủy.
Cửa khẩu chính Thanh Thủy thuộc xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương là điểm cuối của Quốc lộ 46 thông thương sang Cửa khẩu Nậm On (tỉnh Bô Ly Khăm Xay - Lào). Cửa khẩu Thanh Thủy mặc dù đã được Chính phủ Việt Nam có quyết định nâng cấp thành cửa khẩu chính. Tuy nhiên, do phía đối diện là cửa khẩu Nậm On, huyện Xay Chăm Phon, tỉnh Bô Ly Khăm Xay, Chính phủ Lào chưa có quyết định nâng cấp cửa khẩu Nậm On thành cửa khẩu chính. Vì vậy, 2 bên chưa tổ chức khai trương cặp cửa khẩu chính Thanh Thủy (Việt Nam) - Nậm On (Lào). Do vậy, trê thực tế hiện nay, quy trình hoạt động của cặp cửa khẩu Thanh Thủy - Nậm On vẫn đang là cặp cửa khẩu phụ.
Đoàn công tác thăm cửa khẩu Thanh Thủy
Chính phủ Việt Nam và Lào đã thống nhất giao Bộ Giao thông vận tải hai nước nghiên cứu để xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viên Chăn đi qua cửa khẩu Thanh Thủy. Tuyến đường cao tốc kết nối Thủ đô Hà Nội - Viêng Chăn được đánh dấu tại Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về Chiến lược hợp tác giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2030 ký ngày 14/9/2015 tại Viêng Chăn.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn phát biểu chỉ đạo
Khi tuyến đường cao tốc từ Thủ đô Hà Nội - Thanh Thủy -Pạc Xan -Viêng Chăn được triển khai thực hiện sẽ mở ra nhiều triển vọng trong đẩy mạnh phát triển kinh tế không chỉ của cả 2 nước Việt Nam - Lào mà cả các nước trong khu vực. Tuyến đường sẽ giúp đáp ứng nhu cầu tăng kim ngạch thương mại hai chiều hai nước và tạo tiền đề để giúp Lào trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực. Việc mở ra tuyến cao tốc nối hai Thủ đô sẽ là sự kết hợp, tận dụng vị trí trung tâm của Lào trong ASEAN và lợi thế cảng biển của Việt Nam.
Đoàn công tác nghe Đại diện Lãnh đạo Đồn Biên phòng báo cáo công tác
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Việc phát triển kinh tế cửa khẩu với Lào là đặc biệt quan trọng, đồng thời vừa giúp ta kết nối với Lào, với các nước ASEAN...
Ngay từ năm 2013, khi ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Bộ Chính trị đã xác định: Đẩy mạnh phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, nâng cấp cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy thành cửa khẩu quốc tế, trở thành đầu mối giao thương quan trọng với Lào, Thái Lan, Miama.
Tại Nghị quyết 26-NQ/TW mới đây về vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cũng nhấn mạnh: Phát triển bền vững khu vực phía Tây trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế cửa khẩu, rừng và lịch sử văn hóa... Vì vậy, việc nâng cấp, phát triển kinh tế cửa khẩu là đặc biệt quan trọng.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, sau nhiều năm thì cửa khẩu Thanh Thủy chưa có hoạt động kinh tế kinh tế. Do vậy, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn đề nghị tỉnh Nghệ An có nghiên cứu, phân tích và đề xuất các phương án phù hợp với cửa khẩu Thanh Thủy. Bản thân Ban Chỉ đạo cũng sẽ nghiên cứu, làm việc với các bộ, ngành liên quan để có những dữ liệu phục vụ cho công tác tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI cũng như đề xuất những chủ trương, chính sách để phát triển khu cửa khẩu Thanh Thủy trong thời gian tới./.
Đoàn công tác làm việc với Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy
Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế