Theo Tân Hoa xã, Đại hội Đại biểu toàn quốc CPC lần thứ 20 sẽ khai mạc tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh vào ngày 16/10 và dự kiến kéo dài trong khoảng một tuần. Sự kiện diễn ra vào một thời điểm mang tính bước ngoặt, khi CPC đang lãnh đạo người dân tiến vào một hành trình mới nhằm xây dựng Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng xã hội thịnh vượng về mọi mặt vào năm 2021.
Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc sáng 16.10. Ảnh: THX/TTXVN
Năm nay, tổng cộng 2.296 đại diện của tất cả các tỉnh thành và khu vực trên khắp Trung Quốc đã được bầu tham dự đại hội.
Ngoài việc đặt ra các mục tiêu chính sách quốc gia, đại hội sẽ bầu ra các thành viên Ban Chấp hành Trung ương (khoảng 200 ủy viên và 170 ủy viên dự khuyết), Bộ Chính trị (25 người), Ban Thường vụ Bộ Chính trị (7 người) và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng khóa mới.
Bầu chọn nhân sự
Truyền thông Trung Quốc dẫn lời các nhà quan sát nhận định, đại hội có thể chứng kiến sự thay đổi về giới lãnh đạo chủ chốt trong cơ cấu quyền lực của Trung Quốc, đồng thời bổ nhiệm những nhân vật có tác động đến chính sách kinh tế, ngoại giao, an ninh và xã hội trong ít nhất 5 năm tiếp theo.
Cơ quan quyền lực nhất hiện nay ở Trung Quốc là Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Hiện không có văn bản nào quy định số lượng thành viên. Kể từ năm 1927, số thành viên dao động từ 3 - 11 người. Khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, ông đã giảm quy mô xuống còn 7 người.
Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc hiện tại bao gồm Tổng Bí thư Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, các ông Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hộ Ninh, Triệu Lạc Tế và Hàn Chính. Mỗi thành viên có một phiếu bầu về các quyết định chính sách quan trọng. Ông Tập Cận Bình có vị trí tối cao, là người vạch ra chương trình nghị sự cho các cuộc họp quan trọng của Thường vụ.
Ngoài vai trò là Tổng bí thư CPC, ông Tập Cận Bình còn là Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Tổng kết thành tựu và đề ra mục tiêu “phục hưng dân tộc”
Theo China Daily, hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương CPC khóa 19, kéo dài 4 ngày tại Bắc Kinh, đã bế mạc hôm 12/10. Sự kiện quy tụ 199 ủy viên và 159 ủy viên dự khuyết này được xem là bước hoàn thiện các khâu trù bị cuối cùng cho đại hội sắp tới.
Tại các phiên họp toàn thể vừa qua, ông Tập đã thay mặt Bộ Chính trị có bài phát biểu quan trọng, trình bày dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa 19 gửi tới Đại hội Đại biểu toàn quốc khóa 20. Các đại biểu cũng nghe ông Vương Hộ Ninh, Bí thư thứ nhất Ban Bí thư Trung ương, trình bày dự thảo thảo luận của phiên bản điều chỉnh Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thông cáo sau hội nghị toàn thể nhấn mạnh, trong 5 năm qua, trước tình hình quốc tế phức tạp, đầy thách thức cũng như yêu cầu nhiệm vụ tăng cường cải cách, thúc đẩy phát triển, giữ vững ổn định trong nước, Bộ Chính trị CPC đã đoàn kết, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và các lực lượng vũ trang Trung Quốc đạt được những thành tựu “quan trọng và phi thường”, thực hiện thắng lợi các chủ trương mới, chủ trương lớn của đảng và nhà nước.
Thông cáo cũng nêu bật những nỗ lực kiên quyết chống lại các âm mưu ly khai và sự can thiệp của nước ngoài, giữ vững nguyên tắc “Một Trung Quốc” trong các vấn đề Hong Kong, Đài Loan để bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ.
Theo thông cáo, CPC đã xác lập “vị trí cốt lõi” của ông Tập Cận Bình trong Ban Chấp hành Trung ương và trong toàn Đảng nói chung, đồng thời xác định vai trò chỉ đạo của “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” cho một kỷ nguyên mới.
Phát biểu tại một hội thảo hồi tháng 7, ông Tập từng thông báo, Đại hội Đại biểu toàn quốc CPC lần thứ 20 sẽ nhấn mạnh những nhiệm vụ chiến lược và các bước đi then chốt mà Đảng sẽ thực hiện trong 5 năm tới và xa hơn, vốn đóng vai trò quan trọng trong quá trình "hiện đại hóa đất nước và phục hưng dân tộc".
Theo Vietnamnet