Nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã quyết liệt trong cải thiện môi trường cạnh tranh, thu hút đầu tư bằng những chủ trương, chính sách cụ thể. Theo đó, tỉnh đã ưu tiên lựa chọn hạng mục cấp thiết, có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển và mang lại hiệu quả thu ngân sách.
Một khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước. (Nguồn: Báo Bình Phước)
Tỉnh Bình Phước có lợi thế lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ, đó là địa phương này đang sở hữu một quỹ đất lớn. Không chỉ có diện tích đất tự nhiên là trên 6.857 km2, chiếm 22,5% diện tích toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà đất có độ phì nhiêu cao thuận lợi phát triển các loại cây công nghiệp như điều, cao su, tiêu, cây ăn quả, trồng cỏ, chăn nuôi đại gia súc. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho phát triển ngành công nghiệp chế biến nông - lâm sản, thực phẩm... phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng; khai thác nguyên liệu tại chỗ như xi măng, gạch, đá, gỗ, cát xây dựng... phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp.
Là địa bàn năng động và có nhiều cơ hội khởi nghiệp nên Bình Phước đã và đang thu hút số lượng lớn người trong độ tuổi lao động từ nhiều tỉnh, thành phố đến lập nghiệp, tạo thuận lợi về nhân lực và thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp khi đến Bình Phước đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng công trình hạ tầng quan trọng như giao thông, điện, nước, bưu chính viễn thông, hạ tầng đô thị.
Cùng với đó, hạ tầng điện cũng được tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng đầu tư kịp thời, có hiệu quả. Công tác xúc tiến đầu tư - thương mại được tích cực triển khai. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, các chính sách về thu hút và ưu đãi đầu tư được cụ thể hóa.
Theo ông Nguyễn Anh Hoàng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Phước, do quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú, nhiều sản phẩm công nghiệp có giá trị đầu tư lớn, sản phẩm chất lượng cao tập trung ở nhiều lĩnh vực nên tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp.
Năm 2018, ngành Công thương tỉnh Bình Phước tập trung đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn tỉnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, xây dựng và củng cố thương hiệu doanh nghiệp, chỉ dẫn địa lý có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Hoàng, ngành đã và đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, dịch vụ hành chính công, cải thiện môi trường kinh doanh; rà soát, kiến nghị bãi bỏ các thủ tục hành chính gây phiền hà cho doanh nghiệp, nhân dân; công khai minh bạch hoạt động quản lý nhà nước của ngành, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước. Toàn ngành quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008; rà soát cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.
Để công nghiệp chế biến phát huy lợi thế, ngành công thương còn đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu hàng hóa tỉnh Bình Phước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đẩy mạnh xuất khẩu, thực hiện những giải pháp cụ thể, tập trung cho các lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh của tỉnh, như cao su, điều, dệt may, giày da... Tích cực triển khai, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại vào các thị trường mà Việt Nam có tham gia các hiệp định thương mại tự do nhằm củng cố, phát triển thị trường xuất khẩu truyền thống và khai thác thị trường xuất khẩu mới. Đồng thời, tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá sản phẩm đến các tỉnh biên giới thuộc Vương quốc Campuchia nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tỉnh có cơ hội tìm kiếm thị trường, nhà đầu tư nước ngoài.
Nhằm đảm bảo các mục tiêu của năm 2018, Bình Phước đã đề xuất 8 kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương tham mưu Chính phủ hỗ trợ, trong đó, có 5 đề xuất kiến nghị liên quan đến hạ tầng giao thông, 2 đề xuất về hỗ trợ phát triển cây điều, phát triển hợp tác xã kiểu mới và 1 đề xuất về nguồn vốn chỉnh trang đô thị thị xã Đồng Xoài nhằm phấn đấu lên thành phố trong năm 2018.
Được biết, năm 2017, Bình Phước đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế là 6,64%, trong đó nhiều khu vực tăng so với năm 2016 như công nghiệp - xây dựng tăng 9,9%; dịch vụ tăng 6,32%; nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 3%... Cơ cấu kinh tế theo hướng ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 26,94%. Công nghiệp - xây dựng chiếm 37,18%; dịch vụ chiếm 35,88%. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu tăng 29% và nhập khẩu tăng 33,2%.
Hiện nay, tỉnh Bình Phước có 13 khu công nghiệp, với diện tích 4.686 ha. Trong đó, 8 khu công nghiệp với 97 doanh nghiệp đang hoạt động, diện tích 1.191 ha, thu hút 164 dự án. Tổng vốn đăng ký 3.344 tỷ đồng và trên 1 tỷ USD. Diện tích đất đã cho thuê 631 ha. Tạo việc làm cho 39.600 lao động. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có trên 4.200 doanh nghiệp, 30 cụm công nghiệp, tạo việc làm cho trên 142.000 lao động, góp phần quan trọng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh này./.
Theo dangcongsan.vn