Nhằm đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu tôm sú Cà Mau, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp Trung tâm Phát triển nông thôn xây dựng chỉ dẫn địa lý, lô-gô chung. Tôm sú Cà Mau đã được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận ASC, B.A.P, GlobalGAP, EU, Nuturland…, có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Người dân xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) chăm sóc tôm. Ảnh: ANH QUỐC
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, dự án xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý Cà Mau cho sản phẩm tôm sú thuộc chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020, đến nay đã hoàn thiện và đưa vào khai thác. Thời gian tới, đơn vị chuyển giao các kiến thức về sở hữu trí tuệ và hệ thống công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý tôm sú Cà Mau cho các địa phương tiếp nhận, đưa vào khai thác, bảo đảm sử dụng hiệu quả cao nhất.
Theo đó, để giữ gìn thương hiệu tôm sú Cà Mau, những người sản xuất, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước phải nỗ lực hơn nữa để bảo đảm môi trường sinh thái, con giống, nguồn thức ăn và dinh dưỡng... Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ; đồng thời tổ chức các hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý tôm sú Cà Mau. Mục tiêu bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm sú tự nhiên của địa phương là rất cần thiết, tạo cơ sở cho sản xuất bền vững, bảo vệ danh tiếng, giá trị sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, thúc đẩy quá trình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ðây cũng là cơ sở để đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho tôm sú Cà Mau.
* Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số PCI tỉnh Lạng Sơn năm 2020 đạt 62,43 điểm (giảm 1,36 điểm so với năm 2019), thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đạt chất lượng điều hành kinh tế trung bình, xếp hạng 49 trong số 63 tỉnh, thành phố (tăng 1 bậc so với năm 2019), xếp thứ 9 trong số 14 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía bắc. Bởi vậy, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu năm 2021, chỉ số PCI đạt từ 65 điểm trở lên, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế khá.
UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các sở, ngành, huyện, thành phố đẩy mạnh triển khai hoạt động cải thiện chỉ số PCI ưu tiên tính trọng tâm, trọng điểm, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể; kiểm tra, đôn đốc thường xuyên kế hoạch thực hiện; tập trung xây dựng cơ chế phối hợp thực hiện chính sách, nhiệm vụ được giao; trong đó xác định rõ ràng trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của các đơn vị có liên quan. Cùng đó, tăng cường rà soát môi trường kinh doanh theo từng lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực cần cải thiện; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, đăng ký doanh nghiệp; tập trung áp dụng công nghệ số để cải tiến mọi quy trình, thủ tục của các cơ quan hành chính - công vụ….