Từ mức tăng trưởng âm của năm 2021, kinh tế thành phố đã bật tăng và đang dần bắt kịp tốc độ tăng cùng kỳ các năm trước. Dự báo, mức tăng trưởng cả năm sẽ đạt hơn 9,4% - vượt xa mục tiêu chính quyền thành phố đặt ra.
Đáng chú ý, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ đầu năm tới nay ước đạt 804.728 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ.
Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng ước đạt 466.000 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ. Trong đó nhiều nhóm hàng tăng cao như nhóm hàng vật phẩm văn hóa giáo dục (+54,3%); nhóm hàng xăng dầu (+36,0%); nhóm hàng may mặc (+30,2%); nhóm hàng ô tô (+26,4%); nhóm hàng lương thực thực phẩm (+11,4%); nhóm hàng may mặc (+37,4%).
Doanh thu lưu trú và ăn uống 9 tháng đầu năm 2022 đạt 60.955 tỷ đồng, tăng 92,1% so với cùng kỳ. Bao gồm dịch vụ lưu trú tăng 134,4%; dịch vụ ăn uống tăng 88,5%. Doanh thu dịch vụ lữ hành 9 tháng đạt 4.715 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,6% trong tổng mức bán lẻ và tăng 147,3% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ và tiêu dùng khác 9 tháng đạt 273.058 tỷ đồng tăng 23,8% so với cùng kỳ…
Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 10,4%. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng hơn 19,6%.
Một góc TP Hồ Chí Minh nhìn từ sông Sài Gòn. (Ảnh: NLĐ)
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cho biết, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp quý 3/2022 tăng 0,69% so với quý 2 và tăng 2,34% so cùng kỳ. Trong đó, chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng tăng 1,05% so với quý trước; sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,69%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,79%; cung cấp nước, và xử lý rác thải tăng 0,06%.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố tăng 19,6% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 77,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,3%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 10,2%.
Với ngành công nghiệp cấp II, có 26/30 ngành có IIP 9 tháng đầu năm 2022 tăng so cùng kỳ. Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, IIP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 24,4% so cùng kỳ. Trong 4n ngành công nghiệp trọng điểm, ngành hóa dược tăng 35,1%; ngành lương thực, thực phẩm và đồ uống tăng 32,8%; ngành cơ khí tăng 14,2%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 5,3%.
Với 3 ngành công nghiệp truyền thống (dệt, sản xuất trang phục, sản xuất da và các sản phẩm liên quan), IIP ba quý đầu năm 2022 tăng 26,3% so cùng kỳ.
Du lịch cũng có sự phục hồi ấn tượng với lượng khách du lịch nội địa đạt hơn 20 triệu lượt, khách quốc tế đạt hơn 2 triệu lượt.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng như: thị trường lao động, chậm giải ngân vốn đầu tư công, sức hút, khả năng hấp thụ vốn đầu tư từ nhiều lĩnh vực. Thành phố đang tiếp tục đồng hành, gỡ khó cho doanh nghiệp, đồng thời xác định các động lực mới để bứt phá mạnh mẽ.
"Mặc dù tăng trưởng cao, nhưng nhìn chung chúng ta còn chưa hài lòng. Tình hình hiện nay là một thử thách không nhỏ đối với chúng ta, cần đẩy mạnh hơn nữa cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, ưu tiên nguồn lực thực hiện các đột phá chiến lược, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực", ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh.
Theo cafef