Người dân xã Ðồng Thịnh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ đưa máy gặt đập liên hoàn vào sản xuất nông nghiệp.
Những năm gần đây, tỉnh Phú Thọ luôn luôn quan tâm đầu tư khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, cải thiện mức sống của người dân. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là mục tiêu mà tỉnh Phú Thọ hướng tới, nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. |
Những mô hình chất lượng cao Cách đây hai năm, một số hộ dân trên địa bàn xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa triển khai nuôi bò thịt BBB theo mô hình chất lượng cao đầu tiên của tỉnh. Bò BBB được chăn nuôi theo quy trình khép kín, thức ăn chính là ngô, cỏ voi được ủ men vi sinh, bảo đảm không có tác động của các chất kích thích. Ðây cũng là hướng đi mới đang được tỉnh Phú Thọ triển khai nhân rộng trong thời gian tới. Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hạ Hòa, Hoàng Mạnh Thắng cho biết, qua hai năm triển khai mô hình chăn nuôi bò thịt BBB cho thấy năng suất, chất lượng của bò BBB cao hơn nhiều so với chăn nuôi bò thịt thông thường, bình quân một con bò BBB mỗi năm tăng từ 400 đến 500 kg. Theo đó, người dân đang từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi manh mún, lạc hậu, khâu kỹ thuật và tăng khối lượng sản phẩm cũng như giá trị gia tăng ngày càng được chú trọng nhiều hơn. Từ mô hình nêu trên, ngành nông nghiệp đã tìm hiểu và xem xét để nhân rộng trong toàn tỉnh thời gian tới. Còn tại xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, vườn nấm ứng dụng công nghệ cao Minakami được triển khai trên diện tích hơn 8.000 m2, cung ứng ra thị trường 60 tấn nấm tươi/năm đang là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Nấm được trồng theo quy trình khép kín, nhiệt độ, độ ẩm phòng được kiểm tra thường xuyên, tạo điều kiện lý tưởng cho nấm được sinh trưởng tốt. Ông Nguyễn Tiến Lực, công nhân vườn nấm Minakami cho biết, nguyên liệu chính để trồng nấm là mùn cưa từ gỗ bồ đề. Ðây là mùn cưa của loại gỗ mềm, không có độc tố, sau khi ngâm nước được trộn thêm cám gạo, cám sắn, qua hệ thống máy trộn, nguyên liệu được đóng thành bịch trong các túi nilon PE, gần miệng túi có gắn màng lọc khí nhằm hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn. Ngoài việc xây dựng các mô hình nhằm khuyến khích người dân tích cực áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ còn chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao như mô hình cánh đồng lớn trồng lúa, ngô với tổng diện tích đạt 13,4 nghìn héc-ta; dự án trồng cây ăn quả có múi và nhà máy chế biến với diện tích 86 ha tại xã Ðông Thành, huyện Thanh Ba; mô hình trồng cây ăn quả có múi (bưởi, cam, chanh) với quy mô lớn, ứng dụng tưới tiết kiệm tại các huyện Lâm Thao, Hạ Hòa, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn; trồng chuối xuất khẩu tại thị xã Phú Thọ và các huyện Tam Nông, Hạ Hòa, Thanh Ba. Ðến nay, diện tích bưởi Ðoan Hùng là 1.256 ha, sản lượng ước đạt 10,7 nghìn tấn (tăng 3,3 nghìn tấn so năm 2013); diện tích bưởi Diễn đạt 2.091 ha, sản lượng đạt 8,9 nghìn tấn (tăng 6,5 nghìn tấn so năm 2013). Ðồng thời, hình thành một số mô hình sản xuất theo chuỗi có thị trường tiêu thụ ổn định như mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao J02 của Công ty CP Vật tư giống công nghệ cao Việt Nam cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 5 đến 10 triệu đồng/ha; sản xuất giống ngô lai F1 LVN99 tại huyện Lâm Thao với quy mô 50 đến 70 ha/năm, thu lãi 40 triệu đồng/ha... Luồng gió mới cho nông nghiệp Từ hiệu quả bước đầu, hiện ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đã và đang tập trung triển khai xây dựng cải thiện hệ thống tưới, tiêu cùng với thúc đẩy phát triển và ứng dụng các thực hành nông nghiệp tốt thích ứng biến đổi khí hậu, sản xuất lúa theo hướng cánh đồng lớn, tăng vụ trên đất ruộng chiêm trũng với diện tích 200 ha tại huyện Tam Nông và Thanh Thủy; xây dựng hai nhà lưới sản xuất rau an toàn tại huyện Tam Nông và Lâm Thao… Những kỹ thuật hiện đại này được áp dụng vào sản xuất sẽ tạo ra "luồng gió mới" cho nông nghiệp Phú Thọ. Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Phú Thọ Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thực hiện chương trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp, điều cảm nhận rõ nét nhất chính là cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi có chuyển biến tích cực theo hướng thâm canh giống mới có năng suất, chất lượng cao; ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao và các tiêu chuẩn sản xuất an toàn ngày càng được triển khai rộng rãi góp phần cải thiện nâng cao năng suất, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng; hiệu quả sản xuất được nâng cao rõ rệt, giá trị sản phẩm cây trồng hằng năm/ha đất canh tác tăng 8,4%, giá trị sản phẩm thủy sản/ha nuôi trồng tăng 78,8%. Cũng trong giai đoạn 2014 - 2017 đã thu hút 42 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có 19 dự án đã đi vào sản xuất, kinh doanh. Một số doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại đã và chuẩn bị đi vào sản xuất, đóng góp vào tăng trưởng của ngành. Tiêu biểu như nhà máy sản xuất trứng gà sạch trị giá 800 tỷ đồng tại xã Tề Lễ, huyện Tam Nông của Công ty cổ phần ÐTK đưa vào hoạt động từ đầu năm 2017. Ðây là nhà máy sản xuất trứng gà sạch công nghệ cao ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhất trong chăn nuôi gà đẻ trứng của Nhật Bản, Mỹ, I-xra-en. Giám đốc Nhà máy trứng gà sạch ÐTK Khương Ngọc Hải cho biết, đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam có khả năng kiểm soát an toàn sinh học trong toàn bộ quy trình sản xuất trứng sạch. Thời gian cung ứng sản phẩm từ khi gà đẻ tới hệ thống cửa hàng, siêu thị chỉ trong vòng 24 giờ. Nhà máy có công suất khoảng 500 nghìn quả trứng/ngày, tương đương 175 triệu quả trứng/năm. Những quả trứng giống được lựa chọn theo tiêu chuẩn của Hy-line Mỹ dưới sự hướng dẫn và giám sát của các chuyên gia Tập đoàn ISE Food - Nhật Bản. Môi trường Nhà máy sản xuất trứng gà sạch ÐTK luôn được giữ sạch sẽ, bảo đảm cách ly và an toàn sinh học tuyệt đối. Các phương tiện chuyên dụng, hay công nhân vào nhà máy làm việc đều phải tuân thủ quy trình khử trùng cách ly nghiêm ngặt. Trong thời gian tới, việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp sẽ được tỉnh Phú Thọ ưu tiên hàng đầu, gắn việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Trong đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong nội bộ ngành nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao vào sản xuất. Ngoài ra, tập trung nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi quy trình kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, ứng dụng công nghệ cao và phát triển các vùng sản xuất tập trung; sản xuất, chế biến an toàn theo chuỗi; quy trình thực hành sản xuất tốt; tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích phát triển trang trại, gia trại tăng quy mô sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung phát huy lợi thế từng địa phương; tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản. Ðáng chú ý là đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển mạnh từ sản xuất, lấy số lượng làm mục tiêu sang sản xuất nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng cao, trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, phát triển nông nghiệp cận đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, địa phương. Theo nhandan.com.vn |