Số liệu từ Cục Thống kê Tây Ninh cho thấy, 3 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp địa bàn tỉnh tăng trưởng khá cao, đạt 14,02% so cùng kỳ, chủ yếu nhờ bổ sung thêm năng lực mới đi vào hoạt động, hơn nữa cùng kỳ năm trước một số ngành tăng trưởng âm thì quý I năm nay sản xuất dần đi vào ổn định trở lại.
Trong đó, một số ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao, như: Sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 107,55%; sản xuất kim loại tăng 61,65%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 49,86%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 46,93%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 45,57%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 44,63%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 34,26%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 34,12%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 30,58%.
Nhà máy sản xuất sợi màu Brotex VN, khu công nghiệp Phước Đông, tỉnh Tây Ninh
Đáng nói, đa số sản phẩm sản xuất chủ yếu đều tăng trong quý I/2024 như: Giày các loại ước đạt 18.806 nghìn đôi, tăng (+5,83%); quần áo các loại 51.975 nghìn cái, tăng (+11,61%); điện thương phẩm 1.506 triệu Kw, tăng (+22,82%); điện sản xuất 503 triệu Kw (+0,31%); clanke Poolan 241.572 tấn (+15,97); nước máy sản xuất 3.202 nghìn m3 (+4,57%); vỏ, ruột xe các loại 22.216 nghìn cái (+6,09%); đường các loại 86.154 tấn (+0,21%); gạch các loại 170.038 nghìn viên (+3,63%); bột mì 370.622 tấn (+9,60%)…
Cùng với sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh quý I/2024 cũng tăng đáng kể.
Tại Phiên kỳ họp thường kỳ tháng 3/2024, lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh thông tin, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.562 triệu USD, đạt 25% so kế hoạch, tăng 21% so cùng kỳ. Điều này cho thấy thị trường đang có sự phục hồi tốt, các đơn hàng gia tăng, doanh nghiệp tăng tốc sản xuất.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm chất dẻo nguyên liệu (tăng 55%); hàng dệt may (tăng 28%); xơ, sợi dệt các loại (tăng 26%); phương tiện vận tải và phụ tùng (tăng 21%). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.412 triệu USD, đạt 26,7% so kế hoạch, tăng khoảng 5% so cùng kỳ.
Hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh 3 tháng đầu năm duy trì mức tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ ước đạt 23.039,74 tỷ đồng, tăng 12,23%, các nhóm ngành hàng nhìn chung đều có tốc độ tăng hơn so với cùng kỳ. cụ thể: Lương thực thực phẩm tăng 12,82%; ô tô con (dưới 9 chỗ) tăng 37,83%; xăng, dầu các loại tăng 14,99%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 5,90%; doanh thu gỗ và vật liệu xây dựng tăng 14,12%...
Doanh thu hoạt động dịch vụ, lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành 3 tháng đầu năm đạt 6.254 tỷ đồng, tăng 11,93% so cùng kỳ, trong đó doanh thu của ngành: dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng cao nhất đạt 3.469 tỷ đồng, tăng 16,16%; dịch vụ lưu trú đạt 94,08 tỷ đồng, tăng 13,49%; du lịch lữ hành đạt 4,6 tỷ, tăng nhiều nhất 32,89%. Riêng dịch vụ khác đạt 2.686 tỷ đồng, tăng 6,83% so cùng kỳ.
Bên cạnh công nghiệp, thương mại, Tây Ninh cũng rất chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh. Quý I/2024 tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới 4 dự án với vốn đăng ký 19 triệu USD; có 5 dự án điều chỉnh tăng vốn với vốn bổ sung 33,35 triệu USD.
Trong 3 tháng đầu năm, Tây Ninh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 147 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký là 1.400,4 tỷ đồng, quy mô vốn đăng ký 1 doanh nghiệp 9,52 tỷ đồng, tăng 34,10% so với năm trước; có 101 doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động có thời hạn, giảm 37,65% và 33 doanh nghiệp giải thể, giảm 5,71% so cùng kỳ.
Kết quả tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thương mại của Tây Ninh được ghi nhận khả quan là nền tảng tốt cho địa phương triển khai kế hoạch và đảm bảo mục tiêu đạt được trong quý II/2024. Lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh cũng đề nghị các Sở, ngành tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm theo đúng tiến độ, đặc biệt tập trung giải ngân vốn đầu tư công đến cuối quý II phải đạt từ trên 50% trở lên.
Tiếp tục đẩy mạnh thu ngân sách để bảo đảm phấn đấu đạt dự toán thu năm 2024; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; bảo đảm an sinh xã hội, cải cách hành chính, môi trường đầu tư, nhất là tăng cường kiểm tra công vụ để nâng cao trách nhiệm cán bộ công chức trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính.
Đối với nội dung Nghị quyết quy định một số nội dung chi, mức hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025, lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau khi Nghị quyết được ban hành, hướng dẫn thực hiện cụ thể để khuyến khích Tây Ninh có thêm nhiều và đa dạng sản phẩm OCOP.
Đối với danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến, trao đổi với đơn vị tư vấn để hoàn thiện nội dung chặt chẽ hơn.
Tại phiên họp, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy chế biến gỗ Green Power tại ấp Hòa Đông A, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các thủ tục tiếp theo theo quy định.
Theo baocongthuong.vn