Sản xuất tại một doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai.
Theo đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 8 tháng năm 2022 của tỉnh Đồng Nai đạt khoảng 656 triệu USD, bằng 68% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 28 dự án cấp mới với vốn đăng ký hơn 343 triệu USD và 57 dự án tăng bổ sung 313 triệu USD. Lũy kế đến ngày 22/8, tỉnh Đồng Nai có 1.545 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn 32,74 tỷ USD.
Về thu hút vốn đầu tư trong nước, 8 tháng năm 2022, Đồng Nai chỉ đạt khoảng 927 tỷ đồng, bằng 6,93% so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 đạt 13.379 tỷ đồng).
Khoảng 30 năm trở lại đây, Đồng Nai luôn nằm trong tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trong nước và FDI. Thế nhưng, với số vốn thu hút đầu tư từ đầu năm 2022 đến nay, Đồng Nai không còn nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư. Việc dòng vốn thu hút giảm, đồng nghĩa với việc các dự án đầu tư mới, tăng vốn giảm sâu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Lý giải về thu hút vốn đầu tư đạt thấp, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho rằng, do vướng mắc trong một số quy định của pháp luật và tỉnh đang thực hiện quy hoạch chung nên các dự án muốn được cấp phép đầu tư phải đợi quy hoạch được phê duyệt. Mặt khác, các khu công nghiệp ở những địa bàn trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh diện tích cho thuê đất còn lại không nhiều khiến nhiều dự án FDI có quy mô lớn đã dịch chuyển sang các địa phương lân cận.
Các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, như: Công nghệ cao Long Thành; Thạnh Phú; Sông Mây; Hố Nai. Đồng thời, phối hợp các bộ, ngành trung ương đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục thành lập các khu công nghiệp mới với diện tích hơn 6.500ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có quỹ đất công nghiệp lớn.
Trong giai đoạn tới, tỉnh Đồng Nai sẽ ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ hiện đại, ít thâm dụng lao động, lĩnh vực thương mại dịch vụ, logistics.
Theo nhandan.vn