Người dân đến mua sắm tại siêu thị Aeon Mall Bình Dương.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,2% so với cùng kỳ 10 tháng năm 2023 là một dấu hiệu tích cực về sự đa dạng và phát triển của nền kinh tế Bình Dương. Sự tăng trưởng đặc biệt ấn tượng ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 4,3%, cho thấy ngành sản xuất trong tỉnh có sức chống chịu tích cực trước tác động của thị trường.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, hoạt động thương mại và dịch vụ là một điểm sáng khác của kinh tế Bình Dương. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 10 tăng 1,9%, chứng tỏ sự hồi phục của nhu cầu tiêu dùng.
Bình Dương tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong thương mại quốc tế, với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong kim ngạch xuất khẩu tháng 10. Tuy lũy kế 10 tháng giảm nhẹ, nhưng đà tăng trưởng trong tháng 10 là một tín hiệu tích cực. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 25,2 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu hơn 18 tỷ USD; xuất siêu duy trì hơn 7 tỷ USD.
Tỉnh Bình Dương luôn đồng hành hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; tập trung vào lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu hàng hóa với các ngành hàng chủ chốt như: đồ gỗ, may mặc, điện tử…
Theo ghi nhận, một số doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất và xuất khẩu trở lại đang có nhu cầu tuyển lao động từ nay đến cuối năm 2023. Cụ thể, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Leading Star may mặc xuất khẩu cần tuyển 1.000 lao động, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vision sản xuất gậy golf cần tuyển 1.000 lao động, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Esprinta may mặc tuyển 400 lao động, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Accasete may mặc tuyển 500 lao động nữ…
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên dự báo nhu cầu tuyển dụng từ nay đến cuối năm của các doanh nghiệp khoảng 12.000 lao động; trong đó, lao động có tay nghề, lao động phổ thông sẽ chiếm khoảng 70%, còn lại là lao động có trình độ chuyên môn để đáp ứng cao điểm vụ mùa sản xuất cuối năm lấy đà tăng trưởng mới cho năm sau 2024.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có sự chuyển biến tích cực; sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xuất khẩu tăng, giá cả một số sản phẩm nông nghiệp tăng so với tháng trước.
Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng duy trì tốc độ tăng so với cùng kỳ năm ngoái, thu ngân sách nhà nước cơ bản đảm bảo dự toán và khả năng hoàn thành kế hoạch.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn; xuất khẩu, nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoai; giải ngân vốn đầu tư công chưa bền vững; thời tiết diễn biến bất thường kèm theo các cơn mưa lớn gây ngập úng cục bộ, sạt lở tại một số khu vực; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch.
Tại hội nghị đánh giá về kinh tế - xã hội trong 10 tháng năm 2023 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh chỉ đạo các sở, ban, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết; hoàn thiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp. Theo dõi sát tình hình thời tiết, chủ động phòng chống thiên tai, chống ngập úng.
Cùng đó, Bình Dương điều hành thu - chi ngân sách nhà nước 2023 theo dự toán, tiết giảm tối đa chi thường xuyên; xây dựng dự toán thu ngân sách năm năm 2024; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thẩm định dự toán các gói thầu mua sắm của các cơ quan, đơn vị; điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2023; phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm.
Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp hưởng ứng, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính; hoàn thiện chính sách hỗ trợ các nhóm đối tượng thực hiện việc chuyển đổi số, đề án thành phố thông minh, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
Theo baotintuc.vn