Kiến nghị của người dân về tính pháp lý trong việc thu phí đấu nối đồng hồ theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP; giá nước sinh hoạt chậm điều chỉnh; tỷ lệ đấu nối đồng hồ thấp; nhiều đồng hồ đã lắp đặt nhưng chưa sử dụng nước hoặc sử dụng với lưu lượng không đáng kể... là những khó khăn, thách thức lớn cho việc đầu tư cấp nước sinh hoạt nông thôn ở Hưng Yên.
Đồng hồ sử dụng nước tại cụm dân cư
Theo số liệu tổng hợp từ Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMTNT Hưng Yên, tổng dân số của địa phương này khoảng 1,2 triệu người, bao gồm trên 300.000 hộ gia đình. Để đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt sạch thường ngày cho số hộ dân nói trên, từ tháng 8/2017 tỉnh đã phê duyệt quy hoạch cấp nước sạch đến năm 2020, định hướng tới năm 2030, trong đó sẽ xây dựng 45 hệ thống cấp nước tập trung cho 161 xã, phường, thị trấn. Mục tiêu tới năm 2020 có 100% số dân sống trên địa bàn được sử dụng nước sạch.
Kết quả đến nay, đã có 88 xã, phường, thị trấn hoàn thành lắp đặt đường ống cấp nước, 44 xã đang tiến hành lắp đặt đường ống. Tuy nhiên giá nước sinh hoạt chậm điều chỉnh, tỷ lệ hộ dân đấu nối đồng hồ sử dụng nước thấp, nhiều đồng hồ đã lắp đặt nhưng chưa sử dụng nước hoặc sử dụng với lưu lượng không đáng kể; đặc biệt là những thắc mắc, kiến nghị của người dân về tính pháp lý trong việc thu phí đấu nối đồng hồ sử dụng nước theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP, ngày 11/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về sản xuất cung ứng nước sạch đang là những khó khăn, thách thức lớn cho mục tiêu quy hoạch đã đề ra.
Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy: Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn còn gần 300.000 hệ thống cấp nước nhỏ lẻ (giếng khoan, giếng đào, bể chứa nước mưa). Tỷ lệ hộ dân đấu nối đồng hồ sử dụng nước sạch từ các trạm cấp nước tập trung của tỉnh đạt khoảng 31%. Lưu lượng nước sử dụng/1 đồng hồ/1 tháng khoảng 7m3. Doanh thu từ kinh doanh nước sạch của DN chỉ đạt 50 - 70 nghìn đồng/hộ dân/tháng. Đơn giá nước (6.800 đồng/m3) được phê duyệt từ năm 2010 đến nay chưa được điều chỉnh (thấp hơn các địa phương trong khu vực như Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng...), trong khi tốc độ trượt giá bình quân 8 năm qua khoảng 41%.
Mặt khác, để xây dựng và vận hành hiệu quả một công trình cấp nước sạch, các DN phải đầu tư kinh phí lớn, phải vay vốn theo lãi suất thương mại thông thường, nhưng thời gian thu hồi vốn lại rất chậm.
Tại thời điểm này, nhiều hộ dân đang đấu tranh không lắp đặt, và khiếu nại với chính quyền địa phương về việc các đơn vị cấp nước thu phí lắp đặt đồng hồ đo nước là trái với Điều 42, Nghị định 117/2007/NĐ-CP. Vì vậy DN cấp nước đã khó khăn lại càng thêm khó khăn.
Ông Lê Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt & VSMTNT Hưng Yên cho biết: Hầu hết người dân ở nông thôn đều có nhu cầu sử dụng nước sạch. Nhưng việc đầu tư đồng bộ nhà máy, đường ống, cụm đồng hồ... dẫn đến giá nước quá cao. Vì thế bà con khó có khả năng mua nước. Thực tế đã xảy ra tình huống bà con đăng ký lắp đặt hàng nghìn đồng hồ nước nhưng do giá nước cao đã không sử dụng, đồng hồ đã lắp đặt lại bỏ không. DN thì gặp khó khăn về mức vốn đầu tư ở nông thôn cao hơn ở đô thị, do mật độ dân cư thưa và địa bàn dàn trải, trong khi vốn đầu tư phải vay theo lãi suất thương mại thông thường.
Để tháo gỡ các khó khăn trên, phù hợp với điều kiện kinh tế ở nông thôn, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, các đơn vị cấp nước đã căn cứ Mục 2, Điều 55, Nghị định 117/2007/NĐ-CP: "Đơn vị cấp nước có nghĩa vụ đầu tư lắp đặt đường ống đến điểm đấu nối bao gồm cả đồng hồ nước cho khách hàng sử dụng nước, trừ trường hợp có các thoả thuận khác".
Vận dụng điều khoản này, DN đầu tư xây dựng phần nhà máy, đường ống dẫn nước tới điểm đấu nối. Và thỏa thuận để người sử dụng nước đầu tư cụm đồng hồ (quyền sở hữu tài sản cụm đồng hồ là của người sử dụng nước). Khi đó, việc hạch toán giá nước sẽ không bao gồm khấu hao kinh phí đầu tư cụm đồng hồ, giá nước sạch sẽ thấp hơn, DN sẽ giảm được chi phí đầu tư cơ bản, để đầu tư chiều sâu nâng cao chất lượng nước sạch. Việc vận dụng Nghị định 117/2007/NĐ-CP trong trường hợp trên là đúng và phù hợp với các quy định của pháp luật. Bản chất là các bên cùng đầu tư để có mức giá nước hợp lý hơn.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, các DN, chính quyền địa phương chưa giải thích, tuyên truyền đầy đủ, rộng rãi cho người dân hiểu rõ, để cùng chia sẻ, nên đã dẫn đến sự khiếu nại.
"UBND tỉnh sớm điều chỉnh giá nước sinh hoạt sát với tốc độ trượt giá hàng năm trên thị trường. Việc huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân cùng tham gia đầu tư, đấu nối sử dụng nước sạch là rất cần thiết", ông Lê Trung Kiên, GĐ Trung tâm Nước sinh hoạt & VSMTNT Hưng Yên đề nghị.
Theo nong nghiep.vn