Hôm thứ Tư tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - ngân hàng trung ương đi đầu trong làn sóng tăng lãi suất - triển khai đợt nâng với bước nhảy ngắn nhất kể từ khi chu kỳ thắt chặt bắt đầu. Ngày thứ Năm, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cùng nâng lãi suất, nhưng thị trường ngờ rằng mức đỉnh lãi suất đã rất gần.
Theo hãng tin Reuters, 10 nền kinh tế phát triển lớn đã nâng lãi suất tổng cộng 29,65 điểm phần trăm trong chu kỳ thắt chặt này. Trong đó, Nhật Bản là nền kinh tế duy nhất đứng ngoài cuộc.
CỤC DỰ TRỮ LIÊN BANG MỸ (FED)
Fed vào hôm thứ Tư tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, lên mức 4,5-4,7%, cao nhất kể từ năm 2007. Đây là đợt tăng lãi suất “nhẹ tay” nhất của Fed kể từ khi bắt đầu thắt chặt vào tháng 3/2022.
Chủ tịch Fed Jerome Powell nói “sẽ là không phù hợp” nếu cắt giảm lãi suất trong năm 2023 và cảnh báo lạm phát vẫn còn quá cao - những phát biểu nhằm đẩy lùi kỳ vọng đang nở rộ trên thị trường về việc Fed sẽ hạ lãi suất trong năm nay. Ông Powell không phát tín hiệu gì về việc Fed sẽ tăng lãi suất thêm mấy lần trong năm nay, nói rằng các quyết định lãi suất sẽ được đưa ra “theo từng cuộc họp”. Dù vậy, ông thừa nhận lạm phát đang giảm, và điều này cũng đủ để giới đầu tư lạc quan và tăng đặt cược vào khả năng Fed hạ lãi suất trong 2023.
NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG CANADA (BOC)
Hôm 18/1, BOC tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên 4,5%, mức cao nhất trong 15 năm.
Thống đốc BOC Tiff Macklem nói với Reuters rằng ông hoàn toàn tập trung vào việc liệu lãi suất có cần tăng thêm hay không. Với phát biểu này, ông Macklem tìm cách dập tắt những hy vọng rằng BOC có thể cắt giảm lãi suất ngay từ tháng 10 năm nay.
Trong vòng 10 tháng, BOC đã tăng lãi suất kỷ lục 4,25 điểm phần trăm. Lạm phát ở nước này đã đạt đỉnh 8,1% trong năm 2022 và giảm tốc còn 6,3% vào tháng 12. Dù vậy, mức lạm phát này vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà BOC đề ra.
NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG NEW ZEALAND (RBNZ)
Tháng 11/2022, RBNZ tăng tốc độ nâng lãi suất lên 0,75 điểm phần trăm, sau 5 đợt nâng liên tiếp với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm.
Biên bản các cuộc họp chính sách tiền tệ cho thấy RBNZ thậm chí còn cân nhắc bước nhảy lãi suất tròn 1 điểm phần trăm, nhưng rốt cục đã lựa chọn bước nhảy ngắn hơn. Trong cập nhật mới nhất, RBNZ cũng đã nâng dự báo lãi suất đỉnh lên 5,5%, từ mức 4,1% trước đó.
NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG ANH (BOE)
Lập trường chính sách tiền tệ của BOE chuyển sang cứng rắn vào tháng 12/2021. Ngày thứ Năm, BOE tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp, với mức tăng 0,5 điểm phần trăm, lên 4%, cao nhất từ năm 2008.
Tuy nhiên, BOE đã không lại cam kết trước đó về việc sẽ tăng lãi suất “mạnh mẽ” và nhận định lạm phát ở Anh có thể đã qua đỉnh.
NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG AUSTRALIA (RBA)
RBA có đợt tăng lãi suất với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp vào tháng 12 vừa qua, đưa lãi suất chính sách lên 3,1% - mức cao nhất trong 1 thập kỷ.
Thị trường đang đặt cược RBA sẽ có thêm ít nhất 2 đợt nâng nữa trong chu kỳ thắt chặt này, vì lạm phát ở Australi đã tăng lên mức cao nhất 33 năm vào quý 4 năm ngoái.
NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG NA UY (NORGES BANK – NB)
NB mới là ngân hàng trung ương lớn hành động sớm nhất trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ này của thế giới, với động thái tăng lãi suất đầu tiên vào tháng 9/2021. Trong cuộc họp vào ngày 19/1, NB giữ nguyên lãi suất ở mức 2,75%.
Trong một dấu hiệu cho thấy việc thắt chặt sắp dừng lại, NB nói rằng áp lực lạm phát đang dịu đi và những đợt tăng lãi suất trước đây đang khiến nền kinh tế giảm tốc.
NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG CHÂU ÂU (ECB)
ECB nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm lên 2,5% vào ngày thứ Năm, đánh dấu đợt tăng thứ 5 liên tiếp và mức lãi suất cao nhất kể từ tháng 11/2008.
ECB cho biết ý định tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm nữa vào tháng 3 để kéo lạm phát về mục tiêu 2%. Trong tháng 1, lạm phát toàn phần ở khu vực Eurozone đã giảm thứ ba liên tiếp, còn 8,5% từ mức 9,2% trong tháng 12. Dù vậy, lạm phát vẫn giữ ở mức 5,2%.
NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG THUỴ ĐIỂN (RIKSBANK)
Lạm phát ở Thuỵ Điển đạt mức cao nhất 30 năm ở 10,2% vào tháng 12, gây áp lực buộc Riksbank phải duy trì việc tăng lãi suất.
Hồi tháng 11, Riksbank đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lên 2,5%. Cuộc họp tiếp theo của ngân hàng trung ương này sẽ diễn ra vào ngày 8/2.
NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG THUỴ SỸ (SNB)
Tháng 12, SNB tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm lên 1%, đánh dấu đợt tăng thứ ba trong năm 2022. Giới chức SNB phát tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay.
Tháng 1, Chủ tịch SNB Thomas Jordan nói rằng còn quá sớm để biết chắc lạm phát đã được khống chế hay chưa, dù lạm phát tháng 12 của Thuỵ Sỹ giảm còn 2,8%.
NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG NHẬT BẢN (BOJ)
BOJ là ngân hàng trung ương lớn có lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng nhất hiện nay, hoàn toàn không có động thái nâng lãi suất nào trong lúc cả thế giới “chạy đua” thắt chặt. Dù vậy, BOJ đã có động thái tiến gần tới chấm dứt chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo vào tháng 12 vừa qua, khi điều chỉnh kiểm soát đường cong lợi suất (YYC) – chính sách vốn được thực thi để ghìm lãi suất ở mức thấp.
Trong tháng 1, BOJ không có thêm động thái nào. Nhưng với lạm phát tăng lên ở Nhật, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã khuyến nghị BOJ để lợi suất trái phiếu chính phủ biến động tự do hơn và cân nhắc tăng lãi suất ngắn hạn. Bất kỳ một động thái nào như vậy của BOJ cũng đều có thể gây ra biến động lớn trên thị trường tài chính, vì các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ bán tài sản ở nước ngoài để chuyển vốn về nước.
Theo Vneconomy