Thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 9 đã tăng lên mức cao nhất kể từ
tháng 4/2022.
Cụ thể, thâm hụt thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 9 tăng 19,2% lên 84,4 tỷ USD, với nhập khẩu tăng 3%. Con số này cao hơn nhiều so với mức dự báo 74 tỷ USD của trang Briefing.com.
Kim ngạch nhập khẩu đạt 352,3 tỷ USD, nhờ gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm tiêu dùng, máy tính và thiết bị bán dẫn. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu là 267,9 tỷ USD, thấp hơn 3,2 tỷ USD so với tháng 8, khi xuất khẩu máy bay dân dụng và dược phẩm đều giảm.
Theo các nhà quan sát, nhập khẩu tăng mạnh một phần là do kỳ nghỉ lễ cuối năm đang đến gần. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu nội địa mạnh mẽ và dự đoán khả năng tăng thuế đối với hàng hóa.
Các nhà phân tích lưu ý, các công ty đang tăng cường nhập khẩu để chuẩn bị cho khả năng áp thuế mới, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang diễn ra. Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã cam kết thực hiện thuế quan đáng kể đối với hàng hóa nhập khẩu nếu đắc cử, đặc biệt hàng hóa từ Trung Quốc và Mexico.
Sự gia tăng thâm hụt thương mại đã có tác động đáng kể đến nền kinh tế Mỹ trong quý III vừa qua, khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này giảm 0,56%.
Nền kinh tế Mỹ đã chứng kiến thâm hụt thương mại đóng vai trò là lực cản đối với tăng trưởng trong 3 quý liên tiếp, ngay cả khi GDP Mỹ trong quý III vừa qua đạt mức tăng trưởng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo, đà tăng trưởng trong quý III/2024 của Mỹ có sự đóng góp lớn từ chi tiêu tiêu dùng, với tốc độ tăng trưởng đạt 3,7% sau khi đã điều chỉnh yếu tố lạm phát. Đây là kết quả tốt nhất kể từ quý I/2023.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, trong tháng 8, thâm hụt thương mại của nước này ghi nhận ở mức 70,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng này có thể là động lực thúc đẩy hơn nữa đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới./.
Theo dangcongsan.vn