Ảnh minh họa: Cảng Bangkok trên sông Chao Phraya, Thái Lan.
Được giao nhiệm vụ, Bộ Thương mại cùng các cơ quan của Chính phủ Thái Lan sẽ triển khai kế hoạch thúc đẩy phục hồi nền kinh tế trong ba tháng tới. Theo đó, Thái Lan tạm dừng thu phí thuê mặt bằng hằng tháng tại các khu ẩm thực, chợ và cửa hàng trực thuộc một số bộ.
Bên cạnh đó, các địa phương ở Thái Lan sẽ cung cấp địa điểm cho các doanh nghiệp nhỏ bán những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu với giá rẻ. Những điểm bán hàng tiềm năng được cho là các điểm du lịch, trạm xăng, trường học...
Ở những vùng sâu, vùng xa, xe tải bán hàng lưu động và tình nguyện viên sẽ được huy động để triển khai kế hoạch hiệu quả. Ngoài ra, các sự kiện bán hàng quy mô lớn cũng sẽ được tổ chức.
Bộ Thương mại Thái Lan khẳng định, chính phủ cam kết xúc tiến kế hoạch nêu trên nhằm tăng thu nhập cho doanh nghiệp và tạo việc làm cho người lao động ở các địa phương. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng sẽ giúp người tiêu dùng Thái Lan dễ dàng tiếp cận các điểm bán hàng và mua được sản phẩm với giá phải chăng hơn.
Điều này sẽ góp phần giảm chi phí sinh hoạt của người dân, song vẫn kích thích chi tiêu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cuối năm 2024. Bộ Thương mại tin tưởng kế hoạch sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Kế hoạch nêu trên được thực hiện nhằm tạo tiền đề cho việc khởi động chương trình ví điện tử. Theo Bộ Tài chính Thái Lan, mỗi công dân đủ điều kiện sẽ được cấp 10.000 baht thông qua ví điện tử để sử dụng tại các cửa hàng đã đăng ký với các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, khoản tiền này không thể dùng để mua một số mặt hàng, như rượu bia, thuốc lá, đồ trang sức... Người dân Thái Lan bắt đầu đăng ký tham gia chương trình từ đầu tháng 8 và dự kiến sẽ nhận được khoản tiền trợ cấp vào cuối năm nay. Trong lúc đó, hàng triệu nhà bán lẻ cũng sẽ nộp đơn để tham gia chương trình.
Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira nhận định, chương trình ví điện tử cho thấy chính phủ đã vào cuộc nhằm hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho người có thu nhập thấp. Chính phủ Thái Lan kỳ vọng, chương trình sẽ giúp được hơn 40 triệu người dân, đồng thời thúc đẩy chi tiêu trên cả nước.
Trong khi đó, người phát ngôn của chính phủ Thái Lan Chai Watcharong tin tưởng rằng, chương trình sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, mang lại lợi ích cho nền kinh tế và xã hội Thái Lan trong tương lai. Chương trình được dự báo có thể giúp tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Thái Lan tăng trưởng ít nhất 1,2 điểm phần trăm.
Dù được đặt nhiều kỳ vọng, song chương trình ví điện tử cũng đối mặt một số khó khăn. Chương trình đáng lẽ được triển khai từ đầu năm 2024, song bị trì hoãn do những thách thức về tài chính. Huy động khoản ngân sách hàng trăm tỷ baht rõ ràng là nhiệm vụ không dễ dàng với chính phủ Thái Lan.
Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế nhận định, lợi ích mà chương trình mang lại sẽ không cao như mong đợi; cho rằng, khoản tiền trợ cấp chủ yếu sẽ chảy đến các doanh nghiệp lớn thay vì doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp địa phương.
Như các chuyên gia nhận định, những kế hoạch ngắn hạn mà chính phủ Thái Lan thúc đẩy cần có sự giám sát chặt chẽ để những lợi ích đem lại hướng đến đúng đối tượng. Chỉ có vậy, các biện pháp này mới có thể vực dậy sức mua và tăng cường niềm tin của người dân vào triển vọng của nền kinh tế.
Theo nhandan.vn