(Ảnh minh họa: Reuters)
Theo tài liệu mà hãng tin Reuters có được, Ủy ban châu Âu đã gửi các nước thành viên bản phân tích việc áp mức trần giá khí đốt được sử dụng để sản xuất điện. Đây là kế hoạch do Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đề xuất vào mùa hè này sau khi giá năng lượng tăng vọt do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Ủy ban châu Âu cho rằng việc áp mức trần giá khí đốt trên phạm vi toàn EU, có thể khiến nhu cầu khí đốt của EU tăng lên tới 9 tỷ m3, đồng thời dẫn đến khả năng tăng xuất khẩu điện giá rẻ hơn sang các nước không thuộc EU như Anh và Thụy Sĩ - các quốc gia không áp giới hạn giá khí đốt.
Theo EC, điều này đặt ra yêu cầu phải có các biện pháp kiểm soát phù hợp nhằm ngăn chặn điện giá rẻ hơn được đưa sang các nước ngoài EU, như Anh và Thụy Sĩ, vốn không áp mức giá trần.
Ủy ban châu Âu cho biết thêm nếu giá khí đốt thị trường là 180 euro (177 USD)/MWh (megawatt giờ) trong 1 năm, thì kế hoạch trên có thể mang lại lợi nhuận ròng 13 tỷ euro (12,8 tỷ USD) và giúp kiềm chế lạm phát, tuy nhiên mức lợi nhuận này sẽ không được trải đều ở các quốc gia.
Theo kế hoạch này, Pháp - nước nhập khẩu ròng điện sản xuất từ khí đốt - sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, trong khi Đức, Hà Lan và Italia - những nước sản xuất phần lớn điện từ khí đốt - có thể đối mặt với mức chi phí cao nhất để tài trợ cho kế hoạch này.
Đồng quan điểm với Ủy ban châu Âu, Đức và Hà Lan cũng đã cảnh báo việc áp mức trần để giảm giá khí đốt so với mức tăng "phi mã" hiện nay có thể khiến tiêu thụ năng lượng tăng đột biến vào thời điểm các nước đang chạy đua để tiết kiệm nhiên liệu và thay thế nguồn cung từ Nga. Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Nga cung cấp đến 155 tỷ m3 khí đốt cho EU.
Theo kế hoạch, ngày 25/10, Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên EU sẽ nhóm họp để bàn các phương án áp giá trần khí đốt trong bối cảnh một số quốc gia vẫn còn chia rẽ về vấn đề này cùng biện pháp thực hiện sau nhiều tuần thảo luận.
Theo nhandan.vn