Ban Kinh tế Trung ương trân trọng giới thiệu tác phẩm đoạt giải khuyến khích cuộc thi "Cán bộ, đảng viên các cơ quan Đảng Trung ương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Bài viết của đồng chí Đào Thị Nhung, Ban Kinh tế Trung ương.
"Người nữ cán bộ một đời tận tụy với công tác Văn thư"
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta một di sản vô giá, đó là tư tưởng của Người. Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn hóa nhân loại... Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không những đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/6/2016 của Bộ Chính trị khóa XII; Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 23/01/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua Ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018) và kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước đã được Ban Kinh tế Trung ương triển khai, thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Toàn thể cán bộ, đảng viên và người lao động đều nhận thức sâu sắc, hành động thiết thực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong số những tấm gương đã công tác tại Ban Kinh tế Trung ương thì người học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không ai khác là Chị Nguyễn Thị Nhiên, nguyên Hàm Trưởng phòng Hành chính - Quản trị, Văn phòng Ban, nay là cán bộ hưu trí của Ban Kinh tế Trung ương đã có nhiều năm gắn bó với công tác văn thư - lưu trữ.
Thật vây, Công tác văn thư lưu trữ có vai trò quan trọng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Vì vậy Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ. Ngay từ những ngày đầu Nhà nước giành được độc lập, Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa đã ký Thông đạt số 1C/VP ngày 03/01/1946 về công tác công văn, giấy tờ, trong đó Người chỉ rõ: "Xét rằng một vài công sở đã tự tiện hủy bỏ hay bán các công văn và hồ sơ cũ. Hành động ấy có tính cách phá hoại, vì sợ làm mất những tài liệu có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia. Vậy yêu cầu các ông Bộ trưởng ban chỉ thị cho nhân viên các Sở phải gìn giữ tất cả các công văn, tài liệu và cấm không được hủy những công văn, tài liệu ấy nếu không có lệnh trên rõ rệt cho phép hủy bỏ. Xin nhắc rằng những hồ sơ hoặc công văn không cần dùng sau này sẽ phải gửi về những Sở lưu trữ công văn thuộc Bộ quốc gia Giáo dục tàng trữ. Những viên chức không tuân lệnh này sẽ bị nghiêm trị"; Người còn nói: "Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết Quốc gia" và đánh giá: "Tài liệu lưu trữ là tài sản vô cùng quý báu, có tác dụng rất lớn trong việc nghiên cứu tình hình, tổng kết kinh nghiệm, định hướng chương trình, kế hoạch công tác và phương châm chính sách về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa cũng như khoa học kỹ thuật". Do đó công tác văn thư, lưu trữ giữ một vai trò mắt xích đặc biệt quan trọng trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể.
Cùng với pháp lệnh về bảo vệ an toàn lưu trữ quốc gia công bố năm 1982, trước và sau đó nhiều văn bản quan trọng khác cũng đã được ban hành làm nền tảng cho sự phát triển công tác lưu trữ và công tác giấy tờ ở nước ta trong đó Ban Kinh tế Trung ương là một điển hình, suốt 68 năm qua (năm 1950 - 2018), dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động của Ban Kinh tế Trung ương trong mỗi giai đoạn cách mạng của Đảng, của dân tộc đã luôn nỗ lực phấn đấu, đem hết sức mình phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong hoạt động thực tiễn như vậy, bộ phận văn thư lưu trữ của Ban Kinh tế Trung ương cũng từng bước hình thành, các hồ sơ, tài liệu có độ mật cao như "tối mật", "tuyệt mật" và "mật" cần được lưu giữ theo quy định. Chính vì vậy, người được giao nhiệm vụ làm công tác văn thư, lưu trữ không ai khác là chị Nguyễn Thị Nhiên, nguyên Hàm Trưởng phòng Hành chính - Quản trị thuộc Văn phòng Ban Kinh tế Trung ương.
Với kinh nghiệm trong nghề, chị đã chọn cho mình một lộ trình hợp lý cho từng nội dung, công việc, phân công, trách nhiệm đến từng cán bộ trong phòng để phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ quan, chị đã làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như trong di chúc để lại cho toàn Đảng toàn dân trước lúc đi xa, trước hết người nói về Đảng: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi Đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Thấm nhuần quan điểm của Người, chị cùng các đồng nghiệp đã ngày đêm tận tụy sắp xếp, chỉnh lý một cách khoa học các hồ sơ, tài liệu của cơ quan bao gồm: Quyết định, quy định, tờ trình, chương trình, kế hoạch, thông báo, báo cáo, công văn... các bản dự thảo văn bản do Ban Kinh tế Trung ương soạn thảo hoặc phối hợp với các Bộ, ngành; tài liệu đi, đến của Ban Chấp hành Trung ương, Văn phòng Trung ương và các Ban Đảng, đảng ủy trực thuộc, đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương cũng như tài liệu của Chính phủ, Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương gửi đến (Nghị quyết, quyết định, chỉ thị, thông tư, thông báo, báo cáo, công văn...); Tài liệu về tham mưu, đề xuất xây dựng văn bản trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, triển khai nghiên cứu các chuyên đề , đề án phục vụ các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về thẩm định, tham gia cùng các cơ quan đề án về cơ chế, chính sách kinh tế - xã hội.
Với đội ngũ, cán bộ công chức làm công tác văn thư lưu trữ còn khá mỏng nhưng trong công tác khai thác, sử dụng tài liệu phục vụ cho các Hội nghị, tọa đàm đã được chị cùng các đồng nghiệp phối hợp kịp thời, có hiệu quả, đáp ứng đầy đủ yêu cầu khai thác, sử dụng tài liệu khi tra cứu. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn thư, lưu trữ đã được chị và các đồng nghiệp tập hợp, hoàn chỉnh tương đối đầy đủ, nổi bật là: Quy chế công tác văn thư lưu trữ; hướng dẫn công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu lưu trữ của cơ quan…. Công tác kiểm tra, hướng dẫn, giám sát văn thư các vụ, đơn vị được nâng lên rõ rệt, trong đó chú trọng công tác bảo quản, hồ sơ tài liệu theo quy định hiện hành.
Không chỉ có công việc mà chị luôn là người tiên phong tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ do Công đoàn cơ quan Ban Kinh tế Trung ương và Khối thi đua các cơ quan đảng Trung ương phát động. Những lời ca, tiếng hát được chị truyền tải cảm xúc đến người nghe; những lời thơ tâm tình ngọt ngào tha thiết khi chị viết về Mẹ đẻ của mình trong những lần Cơ quan tổ chức sơ kết và tổng kết cuối năm. Chị là người mẫn cán, năng nổ, tháo vát và có hiệu quả trong công việc. Chị chân thật trong từng lời nói và hành động của mình. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng mà chị luôn học hỏi ở Hồ Chí Minh. Chị không chấp nhận gian dối ở bất kỳ việc gì, bất kỳ hoàn cảnh nào. Trung thực đã làm nên tính tự trọng thẳng thắn gắn liền với trách nhiệm cá nhân chị. Chị trung thực với chính bản thân mình, trung thực với đồng nghiệp và những người xung quanh, từ những hành động nhỏ trong việc tiết kiệm giấy in hai mặt, từ những chiếc ghim kẹp tài liệu được chị thu hồi và dùng lại nhiều năm, từ việc chỉ bảo, hướng dẫn các đồng nghiệp, các cán bộ hợp đồng mới được tiếp nhận vào công tác tại Ban Kinh tế Trung ương trong việc lập hồ sơ công việc; giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan, tổ chức theo đúng quy định của Nhà nước cho tới việc chị gom các giấy tờ, công văn photo bị hỏng đóng thành quyển để tạo thành các quyển viết nháp cho mọi người. Chị gắn công việc của mình với tinh thần trách nhiệm cá nhân cao, tự mình xác định việc hằng ngày phải tiếp xúc với chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương trong đó có cả những vấn đề có tính chất "tuyệt mật". Vì vậy, đòi hỏi đầu tiên đối với người nữ cán bộ một đời tận tụy với công tác văn thư chính là yêu cầu về phẩm chất chính trị phải có lòng trung thành. Lòng trung thành ấy được chị thể hiện bằng sự trung thành với chế độ xã hội chủ nghĩa, trung thành với cơ quan và trung thành với chính bản thân mình; Chị Nguyễn Thị Nhiên tuyệt đối tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, giữ vững lập trường của giai cấp vô sản trong bất cứ tình huống nào, luôn luôn có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước, coi việc chấp hành luật pháp là nghĩa vụ của mình. Chị đã rèn luyện bản thân, coi việc học tập chính trị, nâng cao trình độ hiểu biết về Đảng, về Nhà nước, về giai cấp vô sản là nhiệm vụ thường xuyên, chị luôn kiên định trong việc bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái tích cực; dũng cảm đấu tranh với cái sai, thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm cá nhân và thực sự cầu thị.
Giờ đây, chị đã nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của Nhà nước, là bà nội, bà ngoại của những đứa trẻ trong gia đình, dù bận rộn công việc nhà nhưng chị vẫn tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt của phường cũng như của Hội hưu trí Ban Kinh tế Trung ương. Chị mang công việc văn thư – lưu trữ đã gắn với cuộc đời chị tham gia các buổi sinh hoạt chuyên đề hoặc dạy cho các con, các cháu việc tiết kiệm sử dụng giấy hai mặt cùng với sự tỉ mỉ thực hiện hoàn chỉnh đến từng chi tiết nhỏ trong việc ghi chép, lưu trữ, sắp xếp ngăn nắp gọn gàng các giấy tờ, đồ dùng học tập trong nhà hay ở cơ quan.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã có một sức lan tỏa rộng trong cả nước nói chung và của Ban Kinh tế Trung ương nói riêng. Nhiều kế hoạch, phong trào đã được Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương ban hành, mỗi cán bộ đảng viên là một bông hoa tỏa ngát hương cùng nhau rèn luyện đạo đức, phong cách, tác phong của Người. Chị Nguyễn Thị Nhiên là đảng viên thực hiện "nói đi đôi với làm". Chị đã phấn đấu hết mình trong công việc và là một tấm gương đạo đức cho tôi và các đồng nghiệp noi theo về lối sống giản dị, thanh bạch, khiêm tốn của chị với các công việc cụ thể trong cuộc sống hàng ngày cho nên, ai cũng có thể học theo, làm theo để trở thành người cán bộ, đảng viên tốt, công dân mẫu mực trong xã hội hiện nay.
| Tác giả Đào Thị Nhung Ban Kinh tế Trung ương |