Người chăm lo giáo dục cán bộ về những nhiệm vụ của cách mạng và động viên mọi người hăng hái thực hiện những nhiệm vụ ấy. Ở mỗi bước phát triển của cách mạng, căn cứ vào yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, Người đã ân cần chỉ ra phương hướng phấn đấu và rèn luyện cho đội ngũ cán bộ chúng ta.
Sau Đại hội XII của Đảng, dưới nhiều hình thức khác nhau, đợt sinh hoạt chính trị "Học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng" đã và đang được tiến hành khá sâu rộng trong Đảng và hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, ở tất cả các cấp, các ngành. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, "việc học tập, triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng phải "tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mà trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành"; phải "góp phần tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, chấn chỉnh, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch…" Việc quán triệt và thực hiện đầy đủ tinh thần Nghị quyết chắc chắn sẽ tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ, góp phần to lớn thúc đẩy việc thực hiện những nhiệm vụ cách mạng nặng nề, phức tạp đang đặt ra trước nhân dân ta.
Nhân dịp này, chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ ở các cơ quan Trung ương trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề cập một số luận điểm trong những bài nói và bài viết của Hồ Chủ tịch về Vấn đề cán bộ nhằm góp phần vào việc nghiên cứu và thực hiện Nghị quyết.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chủ tịch đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, đến việc lựa chọn, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ. Người luôn luôn cho rằng vấn đề cán bộ là một trong những vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng và đối với công cuộc xây dựng Đảng. Người dạy: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"[1]."Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công"[2].
Trong mỗi thời kỳ đấu tranh, trước mỗi bước ngoặt của cách mạng, cùng với Trung ương Đảng, Hồ Chủ tịch đã kết hợp một cách sáng tạo lý luận Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam, vạch ra đường lối chính trị đúng đắn, nêu lên nhiệm vụ, phương hướng phấn đấu cho toàn Đảng và cho đội ngũ cán bộ. Người chăm lo giáo dục cán bộ về những nhiệm vụ của cách mạng và động viên mọi người hăng hái thực hiện những nhiệm vụ ấy. Ở mỗi bước phát triển của cách mạng, căn cứ vào yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, Người đã ân cần chỉ ra phương hướng phấn đấu và rèn luyện cho đội ngũ cán bộ chúng ta.
Cách đây trên 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra "những khuôn khổ để lựa chọn cán bộ"[3] cũng là tiêu chuẩn cán bộ như chúng ta thường nói sau này. Người đòi hỏi cán bộ phải là người rất trung thành, luôn luôn hăng hái phấn đấu làm tròn nhiệm vụ, kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng; làm gương cho quần chúng; có đủ sức phụ trách, giải quyết những việc được giao; tích cực học tập về mọi mặt để không ngừng nâng cao trình độ và năng lực công tác; đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, luôn luôn chăm lo đến lợi ích của quần chúng; có tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và kỷ luật; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực và khiêm tốn.
Hồ Chủ tịch luôn luôn dạy rằng muốn hoàn thành nhiệm vụ cách mạng, người cán bộ phải có đủ cả đức và tài, cả phẩm chất và năng lực, không thể thiếu một mặt nào. Có tài không có đức, có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa không giúp ích gì được ai. Người cán bộ tốt nhất thiết phải là người hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phẩm chất và năng lực của cán bộ phải được thể hiện trên kết quả công tác thực tiễn, qua việc thực hiện những nhiệm vụ được giao.
Mối quan hệ khăng khít giữa đức và tài, phẩm chất và năng lực của cán bộ được cụ thể hóa trong phương hướng giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc giữ gìn và nâng cao đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ và nghiêm khắc phê phán những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Trước khi vĩnh biệt chúng ta, Người còn dặn lại: "Đảng ta là đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân"[4].
Người cũng rất quan tâm đến việc nâng cao trình độ kiến thức của cán bộ, đảng viên. Người thường khuyên cán bộ phải ghi nhớ lời dạy của V.I.Lênin: Học, học nữa, học mãi. Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, ở mỗi thời kỳ cách mạng, Hồ Chủ tịch lại đòi hỏi cán bộ học tập theo yêu cầu và nội dung mới. Trong hội nghị bàn về công tác huấn luyện học tập năm 1950, Hồ Chủ tịch căn dặn cán bộ: "Ai lãnh đạo trong ngành hoạt động nào thì phải biết chuyên môn về ngành ấy… Có thế lãnh đạo mới sát"[5]. Trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hồ Chủ tịch chỉ rõ: "Ngày nay Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thạo về chính trị mà còn phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung"[6]. Người yêu cầu cán bộ và đảng viên "phải chịu khó học tập chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng lực, làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống của nhân dân ngày càng no ấm, tươi vui"[7].
Hồ Chủ tịch đòi hỏi việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, "công việc gốc của Đảng"[8] phải đáp ứng nhu cầu của nhiệm vụ cách mạng, phải thiết thực, gắn liền lý luận với thực tế, học đi đôi với hành, phải nhằm giúp cán bộ sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, tu dưỡng đạo đức cách mạng và nâng cao năng lực công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hồ Chủ tịch còn chỉ rõ: phòng trào cách mạng của quần chúng là nguồn vô tận để đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn cán bộ; phải từ trong phong trào quần chúng để lựa chọn người tốt mà tuyên truyền giáo dục, đưa họ vào Đảng, bồi dưỡng họ thành cán bộ. Như vậy là không bao giờ thiếu cán bộ.
Lựa chọn và đào tạo được cán bộ tốt chưa đủ, còn phải biết khéo sử dụng cán bộ, biết phân phối công tác cho họ một cách đúng đắn thì mới bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ cách mạng và giúp cán bộ không ngừng tiến bộ. Hồ Chủ tịch dạy: "Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được"[9]. Người phê phán cách dùng cán bộ không hợp lý "không biết tùy tài mà dùng người… Thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử cả hai người đều lúng túng"[10], làm cho cán bộ không thể hoàn thành được nhiệm vụ.
Hồ Chủ tịch coi cách đối xử với cán bộ "là một điều trọng yếu trong sự tổ chức công việc"[11]. Hồ Chủ tịch căn dặn phải luôn luôn dùng lòng nhân ái mà giúp đỡ, lãnh đạo cán bộ, đảng viên làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu cho nhân dân. Người đòi hỏi các cơ quan lãnh đạo phải hiểu cán bộ để có thể đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ có kết quả cao nhất. Người nêu rõ thái độ của Đảng trong công tác cán bộ là "phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta"[12].
Trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ, Hồ Chủ tịch rất coi trọng việc kết hợp đúng đắn cán bộ cũ, cán bộ già với cán bộ mới, cán bộ trẻ. Người chỉ rõ ưu điểm và nhược điểm của mỗi loại cán bộ ấy, căn dặn cán bộ già và cán bộ trẻ phải đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Người phê phán thái độ bảo thủ, hẹp hòi đối với cán bộ trẻ, đồng thời nhắc nhở cán bộ trẻ phải khiêm tốn học hỏi cán bộ già. Người dạy: "Đảng ta phải khéo kết hợp cán bộ già với cán bộ trẻ. Không nên coi thường cán bộ trẻ… Còn cán bộ trẻ thì không được kiêu ngạo, phải khiêm tốn học hỏi các đồng chí già có kinh nghiệm"[13].
Đảng ta, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng, rèn luyện được một đội ngũ cán bộ đông đảo có phẩm chất cách mạng cao đẹp, có sức chiến đấu và năng lực dồi dào, để tổ chức thực hiện có hiệu quả mọi nhiệm vụ chính trị của Đảng, nhờ đó đã đưa cách mạng Việt Nam tiến lên không ngừng. Thành công trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ chứng tỏ rằng những tư tưởng, quan điểm của Hồ Chủ tịch về vấn đề cán bộ là hoàn toàn đúng đắn. Những bài nói và bài viết của Người về vấn đề cán bộ chứa đựng nội dung lý luận vô cùng sâu sắc và có ý nghĩa thực tiễn lớn lao, mãi mãi soi sáng cho công tác cán bộ của Đảng ta.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, nhất là đối với công tác quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng trong thực tiễn, việc học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ vẫn còn nguyên giá trị./.
[1] Hồ Chủ tịch, Chương 4. Vấn đề cán bộ. Mục. Huấn luyện cán bộ. Sửa đổi lối làm việc, tháng 10-1947.
[2] Hồ Chủ tịch, Về công tác huấn luyện, học tập. Mục 2. Huấn luyện ai? Bài nói tại Hội nghị huấn luyện toàn quốc lần thứ nhất, ngày 8 tháng 5 năm 1950.
[3] Hồ Chủ tịch, Chương 4. Vấn đề cán bộ. Mục. Lựa chọn cán bộ. Sửa đổi lối làm việc, tháng 10-1947.
[4] Hồ Chủ tịch, Di chúc (trích) bản viết ngày 10 tháng 5 năm 1959.
[5] Hồ Chủ tịch, Về công tác huấn luyện, học tập. Mục 4. Huấn luyện gì? Bài nói tại Hội nghị huấn luyện toàn quốc lần thứ nhất, ngày 8 tháng 5 năm 1950.
[6] Hồ Chủ tịch, Bài nói chuyện tại hội nghị bàn về cuộc vận động chỉnh huấn mùa xuân năm 1961 (họp từ ngày 13 đến ngày 21/3/1961). Mục. Thế nào là tư tưởng và tác phong xã hội chủ nghĩa.
[7] Hồ Chủ tịch, Bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện (ngày 18 tháng 1 năm 1967). Mục 3. Cán bộ, đảng viên phải đoàn kết chặt chẽ.
[8] Hồ Chủ tịch, Chương 4. Vấn đề cán bộ. Mục. Huấn luyện cán bộ. Sửa đổi lối làm việc, tháng 10-1947.
[9] Hồ Chí Minh, Thư gửi các đồng chí Bắc bộ ngày 1 tháng 3 năm 1947, Mục d) Óc hẹp hòi.
[10] Hồ Chủ tịch, Chương 4. Vấn đề cán bộ. Mục. Dạy cán bộ và dùng cán bộ. Sửa đổi lối làm việc, tháng 10-1947.
[11] Hồ Chủ tịch, Chương 4. Vấn đề cán bộ. Mục. Mấy điểm lớn trong chính sách cán bộ. Tiểu mục. d) Đối với những cán bộ sai lầm. Sửa đổi lối làm việc, tháng 10-1947.